- Biết tôi về quê, anh bạn tôi tất tả chở cô con gái học lớp 2 sang nhờ tôi làm hộ đề tiếng Việt. Tôi xem đề bài, trong đó có một câu: “Em hãy tìm 20 từ có chữ khai, rồi đặt một câu có sử dụng một trong số từ đó”, kèm ví dụ của cô giáo: Khai trường, khai sinh.
Ảnh minh họa. |
Tôi đành vận dụng hết khả năng của mình, nhưng chật vật một hồi cũng chỉ tìm được 13 từ. Tôi hỏi cháu về nghĩa một số từ tôi vừa tìm được, cháu lắc đầu. Ngay cả khi đã được tôi giải thích, gương mặt cháu vẫn lộ vẻ khó hiểu, ngơ ngác. Tôi định bụng cắt nghĩa sâu hơn, nhưng rồi chợt nhớ, cháu mới chỉ lớp 2, buộc một đứa trẻ tuổi đó hiểu được nghĩa một từ Hán Việt là quá sức. Nhưng khổ nỗi không hiểu thì làm sao đặt được câu.
Tôi nhớ, lần khác, một cháu bé hàng xóm cũng sang nhờ tôi sửa cho bài viết văn. Đề bài là: “Em hãy tả một buổi sáng sớm ở quê em”. Tôi đọc bài của cậu, thấy viết khá hay, nào là chú gà trống vỗ cánh phành phạch đậu trên ngọn tre, chú trâu gõ móng xuống đường làng, bác nông dân í ới gọi nhau ra đồng... Tôi hỏi cậu, viết thế này không cần sửa nữa, thì cậu lí nhí: “Cháu cóp từ sách văn mẫu ra, cháu đã về quê bao giờ đâu, cháu muốn cô gợi ý để cháu tự làm kẻo cô giáo biết chép sách sẽ phạt”.
Tôi không hiểu những người ra các đề văn kia với mục đích gì? Chúng ta đang kêu học trò ngày nay chán học văn, học chỉ để đối phó. Nhưng liệu có thể không đối phó được không với những đề văn đánh đố như thế?
Mai Nguyên
[links()]