"Dù còn có nhiều bất cập, đầu tư còn lãng phí, kém hiệu quả, nhưng để phát triển thì vẫn phải đẩy mạnh đầu tư công. Vấn đề là phải quản lý làm sao để thất thoát ít đi, hiệu quả nhiều lên", ông Trần Hoàng Ngân chia sẻ với phóng viên.
Chắc chắn vẫn còn tiêu cực
Thưa ông, Luật Đầu tư công sắp được Quốc hội thông qua, dư luận kỳ vọng luật sẽ tạo cơ sở để quản lý thật tốt nguồn vốn, ngân sách, không còn chuyện đầu tư dàn trải, lãng phí. Hy vọng này liệu có cơ sở?
Gốc của vấn đề là đầu tư công vẫn phải tiếp tục và cần tăng hơn nữa vì chúng ta cần tăng tổng cầu, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của chúng ta cũng còn rất lớn. Vấn đề là quản lý đầu tư công như thế nào cho hiệu quả, trách nhiệm của những người phê duyệt, trách nhiệm của cơ quan đấu thầu, duyệt thầu, cơ quan đi kiểm định... phải làm rõ. Tất cả những điều này đã được làm rõ trong luật. Các tổ chức cá nhân có liên quan đến đầu tư công đều có trách nhiệm rõ ràng, có các chế tài xử lý chặt chẽ.
Nghĩa là khi luật có hiệu lực, sẽ không còn thất thoát lãng phí trong đầu tư công nữa?
Luật có hiệu lực thì sẽ cụ thể hóa hơn chỉ thị 1792 mà chúng ta đã ban hành năm 2011. Đầu tư công hiện nay đã chặt chẽ hơn. Tất nhiên, không thể nói là không có tiêu cực nữa. Chắc chắn là vẫn có, nhưng chúng ta hạn chế đến mức tối đa, hạn chế được phần nào đó.
Nhiều người cho rằng, luật đầu tư công lần này chỉ giải quyết được phần ngọn, còn phần gốc thì chưa, quan điểm của ông thế nào?
Vấn đề đầu tư công còn liên quan đến Luật ngân sách nhà nước nữa. Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đang thảo luận, Luật ngân sách, Luật đầu tư công... cùng điều chỉnh vấn đề đầu tư công, làm sao để quản lý được ngân sách một cách tốt nhất.
Vấn đề tìm ra sai phạm cụ thể ở khâu nào, do ai là rất khó, vì thế khó quy trách nhiệm, trong luật lần này có làm rõ được điều đó?
Trong luật lần này sẽ làm rõ, từ khâu phê duyệt quy hoạch đến khâu quyết định đưa ra dự án đầu tư, người đưa ra những quyết định đó đều phải chịu trách nhiệm. Thời gian qua, lĩnh vực đầu tư công đã có thành công nhất định, nhưng vẫn còn một số khuyết điểm nhất định. Sự ra đời của Luật Đầu tư công là sự đổi mới mạnh mẽ về thể chế để nâng cao hiệu quả đầu tư công, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công một cách hiệu quả.
Ông Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM. |
Ai ký, người đó chịu trách nhiệm
Về bài toán trách nhiệm, từ trước đến nay chúng ta khó quy trách nhiệm cho cá nhân, thậm chí là tập thể khi để xảy ra thất thoát lãng phí, vì sao vậy?
Hiện nay có cái khó là trong chủ đầu tư, nhưng hiện nay chủ đầu tư công không có vốn, tài sản mà chỉ có thẩm quyền, do đó dự án tham mưu như thế nào thì làm thế đó, dẫn đến tất cả dự án vượt trần đẩy dự toán lên rất nhiều và khi lãng phí thì chẳng ai bị quy trách nhiệm. Điều này tạo điều kiện cho tham nhũng rất lớn, vì vậy trong luật lần này làm rõ chủ đầu tư là ai chứ nếu là cơ quan chức năng hay chủ tịch tỉnh thì rất là khó. Nếu không đầu tư công sẽ thất thoát rất lớn. Doanh nghiệp đứng sau sẽ là người thực thi điều này.
Luật quy định điều chỉnh và quản lý toàn bộ dòng vốn của nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước, không phân biệt, dù ai quản lý, đầu tư đều bị chi phối. Theo đó, cả hệ thống chính trị phải tuân theo, ai sử dụng nguồn đầu tư này đều thuộc diện điều chỉnh. Còn theo như quy định tại dự thảo Luật thì chỉ quản lý cơ quan đầu tư. Sử dụng theo nguyên tắc đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch, để phòng chống tham nhũng.
Việc quy trách nhiệm tới đây sẽ được thực hiện thế nào thưa ông?
Cơ quan nào ra quyết định đầu tư, cấp ngân sách thì cơ quan ấy phải kiểm soát được từng dự án và phải chịu trách nhiệm về những sai phạm nếu có của dự án đó. Các nước trên thế giới đều làm như vậy. Chúng ta hy vọng là có luật rồi thì sẽ kiểm soát tốt được đầu tư công. Dự án thuộc ngân sách cấp nào thì cấp đó quyết định. Ví dụ, dự án to nhưng nguồn từ ngân sách địa phương thì HĐND địa phương quyết định chủ trương đầu tư, dự án nhỏ nhưng do ngân sách trung ương tài trợ hoàn toàn thì phải do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Vậy những dự án không mang lại hiệu quả nhưng vẫn cho đầu tư, lỗ đến hàng nghìn tỉ, chưa sử dụng đã hỏng... sẽ được khắc phục thế nào?
Sẽ có định mức, tiêu chuẩn của công trình, tránh tình trạng khi xây dựng định mức, tiêu chuẩn thì kê lên nhiều lần so với thực tế, chính vì xây dựng định mức quá cao nên nếu có "rút ruột" một phần cũng không ảnh hưởng nhiều đến công trình. Những tiêu chí này sẽ phải rất rõ ràng, có kiểm soát chặt chẽ để không xảy ra tình trạng đó. Còn nếu nó xảy ra thì các cá nhân tổ chức liên quan sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp.
Cá nhân ra quyết định sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm, giả sử nếu Quốc hội sai thì sẽ phải xử thế nào?
Quốc hội, Chính phủ nếu quyết định chủ trương sai thì cũng sẽ phải chịu trách nhiệm, sẽ có các quy định cụ thể.
Quản lý lờ mờ
Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh đang được các đại biểu Quốc hội đưa ra lấy ý kiến, theo ông thì vì sao đến giờ mới đặt ra vấn đề quản lý sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh?
Hiện, tổng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước chưa kể đất đai, khoảng 1.300.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực lớn nhưng chưa có luật điều chỉnh chung mà chỉ dừng lại ở các văn bản điều hành của Chính phủ. Trong khi đó, con số về vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp rất mông lung, không rõ nên việc quản lý của chúng ta rất lờ mờ. Vì vậy, việc xây dựng dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong tình hình ngân sách hiện nay khá căng thẳng, nợ công đang tăng và bội chi thường xuyên cũng tăng.
Sau hàng loạt vụ việc thất thoát của nhà nước hàng nghìn tỉ đồng như Vinalines, Vinashin, bây giờ chúng ta mới thảo luận xây dựng luật này, liệu có muộn quá?
Thực ra thì phải quản lý ngay từ đầu, làm rõ tính hiệu quả, lợi nhuận và phân phối chúng thế nào, thế nhưng chúng ta chưa làm được. Việc siết chặt quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp để tránh những trường hợp như Vinashin, Vinalines. Trong luật này sẽ có các phần tách bạch rõ ràng. Doanh nghiệp nhà nước kinh doanh phải tính như doanh nghiệp bình thường. Nói dễ hiểu là nhà nước đi kinh doanh thì cũng phải bình đẳng với người dân (doanh nghiệp ngoài nhà nước), tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để tránh tham nhũng, lãng phí.
Xin cảm ơn ông, hy vọng là việc quản lý ngân sách tới đây sẽ có những đột phá!
Luật Đầu tư công gồm 6 chương, 109 điều với nhiều nội dung gồm: phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ giữa Luật Đầu tư công với các luật khác có liên quan; khái niệm đầu tư công, vốn đầu tư công; khái niệm dự án đầu tư công; hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP); phân cấp quyết định, chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư với chương trình, dự án; kế hoạch đầu tư trung hạn; công khai, minh bạch và giám sát của cộng đồng trong đầu tư công...