Trò chuyện với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, chia sẻ những tình cảm, nhận định của mình về di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho Nhân dân.
Trí tuệ, nhân cách, lối sống… của Tổng Bí thư như ngọn đuốc soi đường, thắp sáng niềm tin cho Nhân dân. Ảnh: Chính phủ.
Đi tiếp con đường Tổng Bí thư một đời tâm huyết
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói tại một hội nghị: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Thế nào là danh dự? Cao hơn tất cả, vật chất không là gì. Cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức. Còn vật chất chỉ là phù vân, nó quý thì quý thật nhưng ông cha ta đã tổng kết, danh thơm thì còn mãi. Đừng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài lôi kéo đủ thứ, nhất là chúng ta có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, xu nịnh”. Đại biểu có suy nghĩ gì về lời dặn dò này?
Tôi nhớ đến câu ca dao rất quen thuộc của Việt Nam: “Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Trong cuộc sống, vật chất luôn có sự hấp dẫn với con người và cũng phải có vật chất, con người mới tồn tại được. Tuy nhiên, nếu quá chú trọng vật chất, quyền lợi, thậm chí vì nó mà bỏ qua đạo đức, trách nhiệm thì lại là điều cần phê phán.
Chiếc xe Toyota Crown BKS 80B - 2089 gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 18 năm. Có lần, Văn phòng Trung ương Đảng đề xuất thay xe cho Tổng Bí thư vì nó đã cũ, nhưng Ông không đồng ý và nói: "Xe vẫn đi tốt". Ảnh: Tiến Tuấn.
Ông cha ta cũng còn có một câu rất thấm thía: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, chỉ việc tạo dựng danh tiếng, thanh danh khó hơn rất nhiều so với việc làm mất uy tín, danh dự. Và đối với việc bị mất uy tín, danh dự, giá trị vật chất đánh đổi thật nhỏ bé.
Lời nhắc nhở của Tổng Bí thư cũng giống như lời đúc kết của cha ông, đó là so với danh dự, phẩm chất đạo đức của một con người, tất cả mọi vật chất không những chỉ như “phù vân”, mà còn rất rẻ mạt. Chính bởi vậy, chúng ta cần phải chú trọng gìn giữ thứ tài sản lớn nhất của mỗi người, đó chính là nhân cách đạo đức, phẩm giá.
- Bà có sự liên tưởng nào giữa lời dặn dò trên của Tổng Bí thư với công cuộc “đốt lò” vĩ đại?
Không chỉ bây giờ, mà từ xưa, cha ông ta đã rất nỗ lực trong việc phòng, chống tham nhũng. Sử sách còn ghi lại rất nhiều vụ án, trong đó, các quan tham cũng bị xử lý một cách đích đáng. Đơn cử việc Bác Hồ nghiêm khắc xử lý vụ án Trần Dụ Châu với mức án cao nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ chụp ảnh lưu niệm với đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.
Thực tế, khi có chức tước, con người dễ bị cám dỗ về vật chất, quyền lực. Nếu không chiến thắng được bản thân, việc sa ngã rất dễ xảy ra. Bởi vậy, công cuộc chống tham nhũng luôn diễn ra ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, và với mọi quốc gia.
Trong giai đoạn vừa qua, hình ảnh “lò bác Trọng” trở nên quen thuộc, Tổng Bí thư cũng được ví như “Người đốt lò vĩ đại”. Rất nhiều đại án được phơi bày, xử lý, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tạo niềm tin cho Nhân dân. Quan trọng hơn nữa, nó còn là lời cảnh tỉnh đối với những người đang nắm giữ chức vụ.
Ý nghĩa của việc chống tham nhũng, theo tôi, không chỉ dừng lại ở chỗ chúng ta phát hiện, xử lý bao nhiêu trường hợp tham nhũng, mà từ đây, chúng ta có thể ngăn ngừa tham nhũng một cách hiệu quả.
Những nỗ lực mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm để trong sạch bộ máy cũng thể hiện rất rõ quan điểm của Ông trong lời dặn dò về danh dự ở trên.
Ánh sáng thắp từ những điều giản dị