Thành phần tham dự gồm đại diện cộng đồng kỹ sư từ các nước thuộc lưu vực sông Lan Thương – Mê Kông gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) do Tiến sỹ Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Trưởng đoàn.
Đoàn Vusta tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương – Mê Kông 2024 |
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi các nội dung đáng chú ý gồm giới thiệu về kinh nghiệm công tác đào tạo kỹ sư tại Trung Quốc gắn với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chính phủ Trung Quốc trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác xây dựng hệ thống hạ tầng theo tiêu chuẩn chung trong khu vực Lan Thương – Mê Kông.
Ngoài ra, các đại biểu đã thảo luận về sáng kiến bảo tồn môi trường biển khi áp dụng sáng tạo khoa học và công nghệ trong xây dựng dân dụng, các thách thức kỹ thuật trong xây dựng đường hầm trong khu vưc đô thị đảm bảo phát triển bền vững; kinh nghiệm giảm thiểu ô nhiễm các bon và tận dụng khí thải từ ngành công nghiệp luyện kim và hóa chất, kinh nghiệm xử lý thách thức khi xây dựng đường hầm đô thị gắn với phát triển bền vững…
Toàn cảnh hội thảo tại Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương – Mê Kông 2024 |
Báo cáo tham luận của đoàn Vusta do PGS. TS Phan Hoàng Nam, Phó Trưởng khoa Xây dựng Cầu đường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng trình bày về “Đánh giá rủi ro đa thảm họa cho hệ thống cầu”. Báo cáo đã nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xem xét ảnh hưởng của đa thiên tai trong đánh giá rủi ro và thiệt hại của công trình cầu, đặc biệt đối với Việt Nam và các quốc gia trong vùng Lan Cang-Mê Kông. Báo cáo cũng đã đặt ra các thách thức và vấn đề cốt yếu mà các quốc gia trong khu vực có thể cùng nhau hợp tác và giải quyết liên quan đến hạ tầng giao thông trong điều kiện tần suất và cường độ của thiên tai ngày càng gia tăng.
TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam đại diện đoàn công tác đã có bài phát biểu chào mừng đánh giá cao về ý nghĩa, tầm quan trọng của Diễn đàn và các báo cáo kỹ thuật của các đại biểu trình bày tại Hội thảo. Đồng thời bày tỏ hi vọng sự hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia trong khu vực Lan Thương- Mê Kông.
PGS. TS Phan Hoàng Nam trình bày báo cáo tham luận |
Bên lề Diễn đàn, Ban Tổ chức đã tổ chức các chuyến tham quan và hội thảo thực địa kỹ thuật tại Công trường xây dựng Tuyến Metro số 4 của thành phố Côn Minh; Công trường Khu Dịch vụ Phức hợp Dushupu - điểm đầu của Con đường Tơ lụa theo Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chính phủ Trung Quốc với tổng vốn đầu tư 380 triệu Nhân dân tệ; các công trình Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế Điền Trì, Trung tâm hội nghị Nhân dân Hải Canh của tỉnh Vân Nam và Đập Hải Canh… Tại hiện trường, các đại biểu đã thảo luận cách thức kết hợp các công trình xây dựng dân sinh gắn với phát triển kinh tế địa phương, phục hồi và duy trì đa dạng sinh học.
TS. Đặng Việt Dũng phát biểu tại Hội thảo |
Theo đề nghị của phía Trung Quốc, Đoàn Vusta đã tiến hành gặp gỡ trao đổi với đại diện Trường Đại học Thiên Tân - Trung Quốc, đơn vị được ủy quyền là đầu mối triển khai kế hoạch hình thành Liên đoàn các Tổ chức Kỹ thuật quốc tế phục vụ Sáng kiến Vành đai và Con đường (IFES). Tại cuộc gặp, đại diện Trường Đại học Thiên tân đã giới thiệu về ý tưởng hình thành, sứ mệnh, chức năng, mục đích và dự kiến nội dung hoạt động của Liên đoàn IFES và đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam ủng hộ ý tưởng trên và tham gia là thành viên sáng lập của Liên đoàn. Tiến sĩ Lê Công Lương, thay mặt Đoàn Công tác đã ghi nhận nội dung ý tưởng và sẽ báo cáo lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam để có ý kiến phản hồi chính thức vào thời gian thích hợp.
Nhân dịp này, Đoàn Vusta cũng đã đến thăm Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh, 91 Hoa Sơn Nam (quận Ngũ Hoa, thành phố Côn Minh), địa điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng tìm đường cứu nước những năm 1940-1941 tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.