Cuộc chiến chống Pháp và Mỹ được xem là cuộc đọ sức về mặt kỹ thuật quân sự giữa một thế lực kỹ thuật hùng mạnh, giàu tiềm năng với trí tuệ của nhân dân Việt Nam, mà đại diện là tập thể các nhà khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam, trong đó có ông Trần Đại Nghĩa và các cộng sự.
Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Nguồn ảnh: Tư liệu. |
Báo Tri thức và Cuộc sống xin giới thiệu “gia sản” vũ khí của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khóa I (nhiệm kỳ 1983-1988), nhân dịp kỷ niệm 38 năm thành lập tổ chức - chính trị xã hội này.
Súng chống tăng Bazooka được Tiến sĩ Robert H. Goddard phát triển vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ I, nhưng lại được kỹ sư Trần Đại Nghĩa cùng các cộng sự chế tạo thành công vào năm 1947.
Với vốn kiến thức tích lũy trong thời gian 11 năm học tập ở nước ngoài, tháng 11/1946, kỹ sư Trần Đại Nghĩa cùng các cộng sự bắt tay nghiên cứu và chỉ đạo sản xuất vũ khí phục vụ cuộc chiến đấu của quân và dân ta - chế tạo súng, đạn chống tăng Bazooka. Tuy nhiên, dù thành công với súng, nhưng việc chế tạo đạn lại chưa ổn. Lúc đó, ông Trần Đại Nghĩa đã phải rà soát, tính toán lại các thông số kỹ thuật, tháo đạn đã lắp và phát hiện sai sót kỹ thuật khi gia công chóp nón ở đầu đạn. Ông cho gia công lại, đảm bảo độ dày chỉ khoảng một li rưỡi. Sau khi sửa lại, đưa bắn thử, hoàn toàn đạt yêu cầu, tương đương tính năng đạn Bazooka của Mỹ. Đạn bay đến đích, nổ tung và có tác dụng xuyên phá tốt.
Súng Bazooka do quân khí của Việt Nam tự chế tạo. Nguồn ảnh: QPVN. |
Bazooka Việt Nam làm nên chiến công lịch sử vào ngày 2/3/1947. 10 quả đạn và 3 khẩu súng chuyển về Trung đoàn Thủ đô do tướng Vương Thừa Vũ chỉ huy đã bắn cháy 2 xe tăng của thực dân Pháp tại chùa Trầm, Quốc Oai (Hà Tây cũ) khi chúng đánh chiếm thị xã Hà Đông.
“Đến tháng 4/1947, đạn Bazooka mới thật sự ổn định và bắt đầu sản xuất hàng loạt gửi đi các chiến trường. Bộ đội ta không chỉ dùng Bazooka để bắn xe tăng, xe thiết giáp mà còn dùng cho năm, sáu công việc khác nhau: Bazooka bắn ổ súng máy của địch, bắn lô cốt cố thủ, bắn xe cơ giới, bắn tài chiến tuần tiễu gần bờ sông, bắn tốp bộ binh khi chúng tập trung đông”, GS.VS Trần Đại Nghĩa kể lại.
Súng không giật - súng đại bác SKZ
Súng không giật (SKZ) là loại súng với trọng lượng nhẹ có thể vận chuyển, mang vác dễ dàng, nhưng lại có sức công phá ngang đại bác và bom bay.
Súng không giật (SKZ) do ngành quân khí của Việt Nam tự sản xuất. Nguồn ảnh: Quansuvn. |
Khi Cục Quân giới bắt đầu nghiên cứu các loại vũ khí hạng nặng vào những năm 1948 - 1949, có người gợi ý làm Bazooka cỡ lớn, chuyển đường kính từ 60 ly lên 90 ly nhưng hạn chế kỹ thuật, ông Trần Đại Nghĩa đã nghiên cứu súng không giật - dòng vũ khí hiện đại, mới xuất hiện lần đầu trong trận quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa của Nhật Bản hồi cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Súng đại bác SKZ 60 chế thử thành công - là loại vũ khí công đồn nặng khoảng 26kg, có thể tháo rời để mang vác, đầu đạn nặng khoảng 9kg, có thể xuyên thủng bê tông dày trên 60cm, khi bắn ở cự ly tối ưu. SKZ 60 được ứng dụng ngay trên chiến trường và lần đầu lập chiến công xuất sắc, phá tan boong ke kiên cố của giặc Pháp trong chiến thắng ở phố Ràng, chiến thắng phố Lu trong Chiến dịch Lê Hồng Phong cuối năm 1949.
Trung đoàn Thủ Đô, Đại đoàn 308 là đơn vị đầu tiên được trang bị SKZ trong Chiến dịch Lê Hồng Phong, hủy diệt nhiều lô cốt kiên cố của giặc Pháp. SKZ đã làm Pháp khiếp sợ, phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống công sự, đồn bốt.
"Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60cm là những quả đạn SKZ, mà người Việt chế tạo trong các hang núi ở Đông Dương. Chỉ cần vài quả là đã tiêu diệt được tháp canh của chúng tôi", ký giả Lucien Bodart viết Trong cuốn Chiến tranh Đông Dương, xuất bản tại Paris năm 1963.
Bom bay
Việt Nam đã có súng Bazooka và SKZ nhưng trước diễn biến phức tạp của cuộc kháng chiến cứu nước, GS.VS Trần Đại Nghĩa nung nấu chế tạo loại vũ khí có uy lực sấm sét nhằm đánh bại quân địch. Và bom bay được cho là có sức tấn công chẳng kém gì vũ khí V1, V2 của Đức, đã ra đời vào năm 1948.
Bom bay do Việt Nam tự sản xuất dựa trên thiết kế của tên lửa V1 và V2 của Đức. Nguồn ảnh: Quansuvn. |
Ở giai đoạn đầu chế tạo, “bom bay” chỉ hạn chế từ 3km đến 4km, quả đạn cũng chỉ nặng khoảng 25kg đến 30kg. Tuy nhiên, ông Trần Đại Nghĩa lại muốn loại vũ khí mới này phải đẩy được cả khối thuốc nổ đi xa một hành trình dài tới mấy km, nên tiếp tục nghiên cứu phương án tối ưu chế tạo thuốc đẩy và ông đã thành công, khi thực hiện phương án ép từng lớp thuốc vào ống thép.
Vũ khí mới được khẩn trương sản xuất với tên gọi khiêm nhường “đạn bay” và được cấp tốc đưa đến các vùng chiến sự khốc liệt, góp phần làm nên những thắng lợi quan trọng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đầu năm 1949, bộ đội ta bắn thử loại bom này. Khi bắn quả đạn bay qua sông Hồng, rơi đúng vào trung tâm chỉ huy của Pháp ở Bác Cổ. Tuy thiệt hại vật chất không lớn, nhưng loại bom này đã khiến quân Pháp khiếp sợ hoang mang.
Có thể nói, bằng tài năng trí tuệ, tri thức uyên thâm trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ, bằng tinh thần ái quốc cao cả, kinh nghiệm thực tiễn phong phú từ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bằng uy tín của bản thâm, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã quy tụ được trí tuệ của các thế hệ nhà khoa học - kỹ thuật trong và ngoài quân đội vừa xây dựng các phương án kỹ thuật vũ khí, vừa chỉ đạo tổ chức thực hiện để góp phần quan trọng vào chiến thắng vẻ vang của quân dân ta.
Trong nhật ký của mình, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa viết: “Ngày 30/4/1975, nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, vì hoài bão của tôi hồi nhỏ, sứ mạng của tôi rất đơn giản là tham gia về mặt khoa học, kỹ thuật vũ khí trong cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng để giải phóng đất nước, và nay đất nước đã được giải phóng, tôi không muốn gì hơn nữa, vì một đời người không thể làm hơn”.
GS Hà Học Trạc, GS. Vũ Tuyên Hoàng - những người kế tục chức danh Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã đánh giá cao công lao của GS.VS Trần Đại Nghĩa trong việc xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội, xem ông là hiện thân của tình yêu nước cao cả và tình đoàn kết của các nhà khoa học kỹ thuật Việt Nam, vì sự nghiệp đại nghĩa: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Khẩu Bazooka do Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa chế tạo cho quân đội Việt Nam giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp. Nguồn: QPVN.