Với việc được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024, TS Nguyễn Thị Kim Thanh (sinh năm 1979), Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã trở thành nhà khoa học nữ đầu tiên đạt được giải thưởng danh giá này trong lĩnh vực Vật lý.
GS Kiselev (đồng tác giả của công trình) nhận xét, công trình khoa học của TS Nguyễn Thị Kim Thanh là một “kiệt tác tao nhã về vật lý hiện đại”. Công trình đã thể hiện ba kết quả đột phá về hướng nghiên cứu, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển công nghệ máy tính lượng tử.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 cho TS. Nguyễn Thị Kim Thanh và PGS.TS. Trần Mạnh Trí. Ảnh: Vast. |
Lối rẽ bất ngờ của học sinh giỏi Văn và cơ duyên với người thầy giỏi
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, TS Nguyễn Thị Kim Thanh gây bất ngờ khi chia sẻ, chị vốn là một học sinh theo đuổi môn Văn. Học cấp 2, chị nằm trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi Văn. Hết lớp 9, chị cũng chọn thi vào lớp 10 chuyên Văn, nhưng trượt. “Vì năm đó, tôi đam mê, dành nhiều thời gian cho chơi cờ vua. Tôi còn giành được huy chương đồng cấp thành phố”, TS Kim Thanh kể.
Cú trượt vào lớp chuyên Văn đã khiến chị rẽ sang một lối đi khác hẳn: Trở thành học sinh lớp chọn, ban A, trường phân ban gần ngay sát nhà (được tuyển thẳng). Nếu không có lối rẽ này, có thể con đường đi của chị cũng sẽ khác, không phải là một Kim Thanh với giải thưởng Tạ Quang Bửu như ngày nay.
Học hết cấp 3, Kim Thanh trúng tuyển vào Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau đó, chị thi đậu, trở thành sinh viên Lớp chất lượng cao khóa đầu tiên Y1 của Khoa Vật lý.
Tốt nghiệp đại học loại giỏi, Thủ khoa, Kim Thanh theo học cao học tại Trung tâm Vật lý lý thuyết (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Trần Minh Tiến - một nhà vật lý lý thuyết chất rắn.
“Tình yêu Vật lý của tôi không rõ bắt đầu từ khi nào, nhưng tôi cảm nhận rõ nhất khi theo đuổi nghiên cứu cùng các thầy trong nhóm hệ điện tử tương quan mạnh tại Trung tâm Vật lý Lý thuyết, Viện Vật lý”, TS Nguyễn Thị Kim Thanh cho hay.
TS Kim Thanh và người thầy, người cộng sự, người bạn lớn của mình, GS Mikhail Kiselev. Bên trên là chân dung của GS Abdus Salam, nhà Vật lý sáng lập ra trung tâm ICTP. Ảnh: NVCC. |
Được sự khuyến khích của các nhà vật lý lý thuyết của Trung tâm, TS Nguyễn Thị Kim Thanh đã nộp hồ sơ xin học bổng tiến sĩ ở Pháp. Năm 2007, chị đã nhận được một học bổng postdoc ở Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế Abdus Salam (ICTP). Tại đây, chị đã gặp, có cơ hội nghiên cứu cùng giáo sư người Nga Mikhail Kiselev, một nhà vật lý xuất sắc về chủ đề vật lý Kondo.
TS Kim Thanh và GS Mikhail Kiselev đã có nhiều công bố chung trên các tạp chí danh tiếng. Cuối năm 2019, TS Kim Thanh đã cùng với GS Kiselev hoàn thành công trình “Thermoelectric Transport in a Three-Channel Charge Kondo Circuit” (Truyền dẫn nhiệt điện trong mạch Kondo điện tích ba kênh), gửi đăng trên tạp chí Physical Review Letters, một trong những tạp chí hàng đầu thế giới của Vật lý.
Sau nhiều nỗ lực, đặc biệt là việc trả lời phản biện được thực hiện trong thời gian đại dịch COVID-19 xảy ra, bài báo đã được chấp nhận xuất bản trên Physical Review Letters - tạp chí mơ ước của bất kỳ nhà vật lý nào. Đây cũng là công trình đã đưa TS Nguyễn Thị Kim Thanh đến với giải thưởng Tạ Quang Bửu danh giá.
“GS Mikhail Kiselev vừa là người thầy, là cộng sự, vừa là phản biện nghiêm khắc trong nghiên cứu, đồng thời cũng là người bạn thân thiết trong cuộc sống của tôi. Tôi tự hào về sự hợp tác 16 năm và hơn nữa của chúng tôi”, TS Nguyễn Thị Kim Thanh bày tỏ về người thầy lớn của mình với sự biết ơn.
Dành tặng bố giải thưởng Tạ Quang Bửu
Ngày 15/5/2024, trong phát biểu tại Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024, TS Nguyễn Thị Kim Thanh xúc động bày tỏ: “Tôi xin kính tặng giải thường này như một món quà tinh thần đến bố tôi, người luôn ủng hộ tôi sống với tình yêu Vật lý”.
TS Nguyễn Thị Kim Thanh và người bố hết mực yêu thương của mình tại Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024. Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ về điều này, TS Nguyễn Thị Kim Thanh cho hay, mẹ chị mất khi chị bước vào năm học lớp 12. Cũng từ đây, bố chị đã phải đóng hai vai, vừa là bố, vừa là mẹ để chăm sóc, nuôi các con trưởng thành.
Nhớ lại những ngày đó, chị Thanh không khỏi nghẹn ngào. Để kiếm tiền nuôi các con, trong một ngày, người bố làm giáo viên của chị phải giảng tới 10 tiết, liên tục trong thời gian dài. Về đến nhà, bố mệt, nằm vật ra. Khi con gái vào đại học, gặp vấn đề về sức khỏe, bố thương con nên đã bán nhà (diện tích rộng, mặt đường) với giá rất rẻ, rồi mua nhà bé trong hẻm sâu gần Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để có thể chăm sóc con mỗi ngày.
Bố của TS Nguyễn Thị Kim Thanh bắt tay người thầy hướng dẫn của chị tại Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ của con gái. Trên hành trình của con, luôn có bố ở bên. Ảnh: NVCC. |
“Đêm mùa đông tôi ngồi học, chân lạnh cứng, bố xoa chân con cho ấm lên. Ngày tôi học Tiến sỹ ở Pháp, lo không kịp bảo vệ luận án, chia sẻ với bố thì bố động viên cứ yên tâm học, cần thì bố sẽ bán nhà đi để gửi tiền sang cho (là ngôi nhà bé tẹo, duy nhất bố đang ở).
Việc tôi chọn Vật lý Lý thuyết, ngành Sư phạm cũng là theo lời khuyên của bố. Nhưng bố luôn để con gái được tự do sống cuộc đời của mình, không bao giờ ép buộc, hay bắt con phải có trách nhiệm, nghĩa vụ gì. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa báo hiếu được gì cho bố vì bố chẳng cần gì từ con (lương hưu của bố cao bằng lương của con gái hiện tại)”, TS Kim Thanh tâm sự.
TS Nguyễn Thị Kim Thanh cho hay, con đường nghiên cứu khoa học, theo đuổi tình yêu Vật lý của chị có nhiều thử thách, nhọc nhằn. Đã có không ít lần chị cảm thấy thất bại, nản lòng, muốn chuyển về dạy học. Nhưng chỉ cần nghĩ tới bố, biết có bố vẫn luôn ở bên, chị lại có thêm động lực để tiếp tục nỗ lực, cố gắng.
Hãy cứ theo đuổi tình yêu, rồi sẽ được hồi đáp xứng đáng
TS Nguyễn Thị Kim Thanh nhắc lại kỷ niệm, thời gian theo học chương trình đào tạo Tiến sỹ ở Pháp, khi nhóm nghiên cứu sinh và postdoc nói chuyện vui với nhau, chị nói với anh bạn postdoc đã có bài đăng trên tạp chí Physical Review Letters (PRL) rằng: "Nếu tôi có bài PRL, tôi sẽ thôi nghiên cứu Vật lý”. Anh ấy ngạc nhiên hỏi “Vì sao?", chị trả lời: “Vì mơ ước của tôi là có được một bài PRL, nếu đạt được rồi, tôi muốn sống mãi với hạnh phúc ngọt ngào giấc mơ thành hiện thực đó".
Từ những trải nghiệm của bản thân, TS Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng, hãy dám sống vì đam mê, vì tình yêu, rồi tình yêu sẽ được hồi đáp một cách xứng đáng nhất. Ảnh: NVCC. |
Khi nhận được email của tạp chí Physical Review Letters về việc chấp nhận đăng bài, chị đã nghẹn ngào đến khó thở. Giấc mơ năm nào đã thành hiện thực. Tình yêu Vật lý đã được đáp lại. Và cảm xúc đó đã lặp lại khi chị được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu, một giải thưởng với chị, “hơn cả niềm mong đợi”.
“Sau giải thưởng, tôi lại quay về với công việc hằng ngày. Chỉ có một điều đã mãi mãi khác đi, đó là tình yêu mà Vật lý dành cho tôi. Tôi hạnh phúc vì tôi yêu Vật lý và đã được Vật lý “yêu” lại. Điều đó tiếp thêm cho tôi rất nhiều động lực để tôi tiếp tục theo đuổi con đường của mình. Tôi có thể nói với các bạn trẻ rằng: Hãy dám sống vì đam mê, vì tình yêu của mình, rồi tình yêu sẽ được hồi đáp một cách xứng đáng nhất”, TS Kim Thanh chia sẻ.
TS Kim Thanh cho hay, hướng nghiên cứu về các mạch Kondo điện tích rất mới, đang thu hút sự quan tâm của cả các nhà lý thuyết cũng như thực nghiệm nổi tiếng trên thế giới. Chị hy vọng, sẽ có được một số bạn trẻ chung niềm yêu thích, sẵn sàng “dấn thân” cùng. Chị cũng mong Nhà nước có nguồn hỗ trợ kinh phí để các bạn trẻ có thể yên tâm học tập trong một vài năm trước khi có thể nghiên cứu thực sự.
“Tôi rất mong được đón các bạn trẻ, để cùng nhau xây dựng một nhóm nghiên cứu chất lượng cao”, TS Nguyễn Thị Kim Thanh bày tỏ.
TS Nguyễn Thị Kim Thanh được trao giải thưởng qua 1 công trình duy nhất công bố năm 2020 trên tạp chí Physical Review Letters. Công trình của TS Thanh nghiên cứu sự truyền dẫn nhiệt điện trong mạch Kondo điện tích ba kênh và khảo sát khả năng chuyển đổi trực tiếp sự chênh lệch nhiệt độ thành điện thế trong chấm lượng tử kim loại.
Đây là một nghiên cứu vật lý lý thuyết hiện đại, liên quan đến một hiệu ứng rất quan trọng trong Vật lý là Hiệu ứng Kondo (mang tên nhà khoa học Nhật Bản, người đã giải thích thành công đặc tính tồn tại cực tiểu ở nhiệt độ thấp của đồ thị điện trở - nhiệt độ vào năm 1964).
Các nghiên cứu liên quan đến hiệu ứng này sau đó đã được tặng 2 giải thưởng Nobel vào năm 1977 và 1982 và nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng khác. Nó đã và đang thu hút các nhóm nghiên cứu cao cấp, kể các nhà khoa học đã từng được giải thưởng Nobel tham gia và đạt được nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng.
Hướng nghiên cứu liên quan đến truyền dẫn nhiệt điện lượng tử trong một mạch Kondo điện tích đa kênh. Ngoài tiềm năng ứng dụng trong điện tử nano, mạch Kondo điện tích còn được coi là một mô phỏng lượng tử, công cụ cơ bản để hiểu bức tranh vật lý của máy tính lượng tử.