Liên quan đến vụ Thiếu uý biên phòng bắn đồng đội rồi tự sát tối 15/6, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phía Nam, thông tin đến một số phóng viên báo chí cho biết: Thiếu uý Tạ Quang Đạt từng có dấu hiệu trầm cảm, vừa đi điều trị ở bệnh viện về.
Vào chiều cùng ngày, thiếu úy Đạt dùng báng súng thúc vào đầu một chiến sĩ của đồn. Khi hai đồng đội khác vào can ngăn thì xảy ra việc nổ súng.
Thiếu úy Tạ Quang Đạt là Đội trưởng tham mưu tổng hợp Đồn biên phòng Bình Hiệp. Trong lúc ôm súng cố thủ, thiếu úy Đạt đã tự dùng súng bắn vào người. “Lực lượng chức năng khi phát hiện Tạ Quang Đạt tự sát, đã đưa Đạt đi cấp cứu tại bệnh viện” – Phó Tư lệnh Nguyễn Hoài Phương cho biết.
Hiện trường trước Đồn biên phòng Bình Hiệp vào chiều 15-6. Ảnh: Cộng đồng Long An |
Căn bệnh trầm cảm thiếu uý biên phòng mắc nguy hiểm đến thế nào?
Theo trang Halobacsi, trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng, gây ra một cảm giác buồn và mất hứng thú kéo dài dai dẳng. PGS, TS Nguyễn Huy Việt, nguyên Trưởng bộ môn Tâm thần, ĐH Y Hà Nội, cho biết trong rối loạn sức khỏe tâm thần thì phổ biến nhất là bệnh trầm cảm. Hiện nay, 3% - 5% dân số thế giới mắc bệnh này.
Đây là một căn bệnh rất phổ biến. Theo thống kê, đến 80% dân số sẽ bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc sống của mình. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và thường phổ biến ở nữ giới hơn nam giới.
Theo báo Nhân Dân, các chuyên gia đã trích dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai tiến công sức khỏe con người (chỉ sau tim mạch). Mặc dù có mức độ ảnh hưởng lớn, nhưng trầm cảm chỉ là một phần của các chứng bệnh tâm lý ở người trẻ như lo âu, căng thẳng, bạo lực, tăng động rối loạn giới tính đang diễn ra hằng ngày ở trường học và gia đình.
Chứng trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, suy nghĩ, hành xử và có thể dẫn đến những vấn đề đa dạng về tinh thần và thể chất. Nếu nỗi buồn kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, nó có thể khiến bạn khó làm việc hoặc vui vẻ với gia đình hoặc bạn bè, thậm chí trong những trường hợp nghiêm trọng, chứng trầm cảm có thể dẫn bạn đến ý định tự tử.
Theo nghiên cứu, một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14 nhưng phần lớn đều không được phát hiện hay điều trị. Trong đó, trầm cảm được xem là rối loạn tâm thần phổ biến thứ ba trong thanh, thiếu niên. Tự sát là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trong nhóm độ tuổi từ 15 - 29.
Ngoài lý do bệnh tật thì bị trầm cảm do chịu áp lực, quá tải, lo lắng, stress từ cuộc sống là căn bệnh của thời đại khiến cho bộ não bị quá tải. Người trầm cảm nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây tổn thương cho chính mình, phản ứng tiêu cực với người chung quanh, có thể tự sát hoặc giết người.
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm là gì?
Ảnh minh họa |
Triệu chứng trầm cảm khá đa dạng và khác nhau ở mỗi người, chẳng hạn như khi bị trầm cảm, có người sẽ ngủ nhiều hơn, có người lại rất khó ngủ hoặc có người thi ăn nhiều hơn, trong khi một số người lại mất cảm giác ngon miệng khi ăn. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu trầm cảm nhẹ thường xuất hiện như:
Không thể tập trung;
Cảm thấy vô cùng mệt mỏi;
Cảm thấy buồn hoặc trống rỗng;
Cảm thấy vô vọng, dễ bị kích động, lo lắng hoặc cảm thấy có lỗi;
Mất hứng thú với việc quan hệ tình dục;
Nhức đầu, đau bụng hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa;
Trầm cảm nghiêm trọng có thể dẫn đến ý định tự tử, hoặc cố tìm cách tự tử.
Trầm cảm không được chữa dẫn đến các vấn đề về thần kinh và thể chất, hay các rắc rối trong các mặt khác của cuộc sống. Trầm cảm nặng còn có thể có thể dẫn đế tử tự.
Nguyên nhân trầm cảm là gì?
Bệnh trầm cảm có thể gây ra do những nguyên nhân riêng lẻ khác nhau hoặc sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân trầm cảm phổ biến bao gồm:
Gen: nếu bạn có người thân trong gia đình từng bị trầm cảm thì bạn có thể có nhiều khả năng mắc chứng trầm cảm hơn người bình thường.
Các chất hóa học trong não: theo một số nghiên cứu, thành phần các chất hóa học trong não người mắc bệnh trầm cảm khác với người bình thường.
Stress: người thân yêu qua đời, những khó khăn trong mối quan hệ tình cảm hay bất cứ tình huống gây stress nào cũng có thể gây ra bệnh trầm cảm.
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm, bao gồm:
Sau khi sinh bé, một số người bị trầm cảm sau sinh.
Có tiền sử mắc rối loạn lo lắng, rối loạn nhân cách giới hay rối loạn sau sang chấn.
Lạm dụng thức uống có cồn và các loại thuốc gây nghiện trái pháp luật.
Một số tính cách như thiếu tự tin vào bạn thân, quá độc lập, tự chỉ trích bản thân hay bi quan.
Mắc bệnh nặng hay bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường hay bệnh tim.
Dùng một số loại thuốc như thuốc chữa cao huyết áp hay thuốc ngủ (hãy bàn với bác sĩ của bạn trước khi ngưng dùng bất kì thuốc nào).
Những chấn thương hay căng thẳng, như bị lạm dụng về thể xác và tình dục, mất đi người mà mình yêu thương, mối quan hệ khó khăn hay vấn đề về tài chính.
Có họ hàng ruột thịt mắc bệnh trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, nghiện rượu hay đã tự tử.
Cần làm gì khi bị trầm cảm?
- Đừng tự cô lập mình;
- Đơn giản hóa cuộc sống;
- Tập thể dục thường xuyên;
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
- Học cách thư giãn và kiểm soát căng thẳng;
- Không nên đưa ra các quyết định quan trọng khi bạn đang cảm thấy chán nản;
- Gọi bác sĩ nếu các triệu chứng nặng hơn;
- Gọi bác sĩ nếu bạn gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc;
- Gọi bác sĩ ngay nếu bạn có ý định tự tử hoặc ý định giết hoặc làm hại người khác;
- Gọi bác sĩ ngay nếu bạn có các triệu chứng rối loạn thần kinh như nghe thấy giọng nói, thấy những thứ không có ở đó hoặc cảm thấy bị hoang tưởng.