Ảnh minh hoạ |
Ngày 7/7, thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ - Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai) cho biết, khoảng 30 trầm tích ở bờ sông Ba (buôn Tơnia, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai) vừa được phát hiện là hoá thạch cúc đá. Đây là một nhóm các loài sinh vật biển thân mềm đã tuyệt chủng cách ngày nay khoảng 150-200 triệu năm.
Theo thạc sĩ Tuệ, các trầm tích trên giống như miệng chiếc ghè (chum) với mật độ khá dày, trong diện tích khoảng 100m2 tại bờ sông Ba, thuộc địa phận buôn Tơnia. Những trầm tích này xuất lộ do bờ sông Ba bị lở, nước bào mòn sau nhiều năm. Ông Tuệ nói rằng đã gửi hình ảnh trầm tích đến các nhà nghiên cứu.
Tất cả đều thống nhất đây là hoá thạch cúc đá, cách ngày nay khoảng 150-200 triệu năm. Sắp tới Phòng Quản lý Di sản sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để quây vùng bảo tồn trầm tích cúc đá, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục và du lịch địa phương.
“Việc phát hiện các hoá thạch cúc đá ở phía nam tỉnh Gia Lai tiếp tục khẳng định thêm nhận rằng: Tây Nguyên từng là biển. Việc bảo tồn nguyên trạng khu vực hoá thạch cúc đá ở buôn Tơnia không chỉ hữu ích cho nghiên cứu khoa học, giáo dục mà còn có lợi cho phát triển du lịch của địa phương”, ông Tuệ nói.
Thạc sĩ Tuệ thông tin thêm, hoá thạch cúc đá đã được tìm thấy ở một số tỉnh khác (Cao Bằng, Đắk Nông…) nhưng lần đầu tiên phát hiện tại Gia Lai. Cùng với những thông tin mới về khảo cổ học đá cũ và hoá thạch gỗ ở Phú Thiện, Ayun Pa (đều thuộc Gia Lai) được công bố gần đây, hóa thạch cúc đá ở Krông Pa sẽ bổ sung, làm phong phú thêm bản đồ di sản địa chất và khảo cổ học tỉnh Gia Lai ở khu vực này.