Nhai kẹo cao su là thói quen tưởng chừng vô hại của nhiều người nhằm mục đích vệ sinh răng miệng, cho hơi thở thơm mát, giảm stress… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu nhai quá nhiều kẹo su có thể gây những tác hại đến răng, hàm.
Liệt hàm vì nhai kẹo suốt 5 năm!
Vừa qua, cô Claire Embleton, mẹ của 4 đứa trẻ đang sống tại Liverpool (Anh), đang phải đối mặt với nguy cơ liệt hàm vĩnh viễn và buộc phải phẫu thuật cấy ghép hàm trong thời gian tới do nghiện nhai kẹo cao su trong 5 năm liên tục. Hiện tại, Claire không thể mở miệng quá 1cm. Các bác sĩ có thể phải ghép hàm kim loại thay thế hàm thật đã mất chức năng của cô này. 1 năm trước, Claire phải đối mặt với những dấu hiệu đầu tiên của bệnh liệt hàm là sưng nướu, khó mở miệng, khiến cô không thể ăn uống hay nói chuyện nhiều như bình thường. Sau đó, tình trạng này ngày càng nặng khiến cô hoàn toàn không thể mở miệng, mặc dù cô này đã ngừng nhai kẹo cao su và uống thuốc giảm đau.
Ở trường hợp khác, anh Nguyễn Văn Đình (Hà Nội) thường nhai kẹo cao su như một thói quen hằng ngày. Anh nhai kẹo sau khi ăn xong nhằm vệ sinh răng miệng, nhai khi ngồi trên ô tô để chống lại cơn buồn ngủ, khi bị căng thẳng anh cũng nhai kẹo cao su... Vì thế, có những ngày, nếu tính tổng thời gian, anh nhai từ 1 - 2 tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên theo BSCK II Vũ Đình Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư, không thấy có cơ sở khoa học trong thông tin này. ông cũng cảnh báo việc nhai kẹo cao su hằng ngày có thể ảnh hưởng như mòn răng gây ê buốt...
Cụ thể, các chuyên gia cho hay, nếu nhai kẹo cao su ít sẽ không ảnh hưởng đến răng, nhưng nếu nhai nhiều có thể gây mòn răng, ảnh hưởng men răng. Đây là một trong những nguyên nhân mòn răng theo cách thức cơ học. Lúc này, răng ê buốt, đau nhức, nhạy cảm khi ăn các thực phẩm nóng lạnh.
Ảnh minh họa. |
Mỏi hàm, mòn răng, ê buốt
Ngoài ra, các chuyên gia nhấn mạnh, khi sự ăn mòn răng không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng bị ảnh hưởng các cấu trúc bên trong như tủy răng, thần kinh và mạch máu, kết quả cuối cùng có thể là áp xe răng... Ở trường hợp khác, nhai nhiều kẹo cao su gây mòn răng còn có thể làm tăng nguy cơ tiêu xương, đau cơ nhai...
Sự ghi nhận của việc dùng kẹo cao su giúp giảm stress, tăng tiết nước bọt giúp đỡ khô miệng và chống hôi miệng... là chính xác. Tuy nhiên, để an toàn cho răng hàm, chuyên gia khuyên không nên sử dụng quá nhiều kẹo cao su trong một ngày. Cụ thể là mỗi ngày tổng thời gian nhai kẹo cao su không nên quá 10 - 15 phút.
Tiến sĩ, nha sĩ Uchenna Okoye (Anh) cảnh báo, chỉ nên nhai kẹo cao su trong vòng 10 phút đổ lại hoặc cho đến khi mùi vị đã hết. Nếu không, bạn sẽ gặp nhiều vấn đề sức khoẻ, bởi chức năng của răng là để nhai, trong khi kẹo cao su để càng lâu trong miệng sẽ càng mềm. Mọi người có xu hướng nhai tất tần tật những gì ở trong miệng mình và lúc nhai kẹo mềm, răng bắt đầu va đập vào nhau gây ra nứt, mẻ và vỡ. Mặt khác, theo phản xạ tự nhiên, khi bạn nhai, dạ dày được kích hoạt để chờ thức ăn trôi xuống và bắt đầu tạo ra axit. Cơ chế này gây kích thích niêm mạc dạ dày, có thể gây viêm loét dạ dày ở những người thường nhai kẹo cao su cả ngày.
Đối với trường hợp bị liệt hàm do nhai kẹo cao su thường xuyên có thể xem là trường hợp lạ, bởi liệt hàm là một bệnh lý, ảnh hưởng dây thần kinh. Trong khi, nhai kẹo cao su không ảnh hưởng đến dây thần kinh sâu trong hàm. Vì thế, khó có thể gây liệt mặt nhưng nhai kẹo cao su có thể gây ảnh hưởng răng.
TS.BS Phạm Như Hải (Khoa Răng miệng, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba)