Nhật báo uy tín nhất Philippines cho biết, các nhà nghiên cứu đã xác định được một loài rắn hổ mang chúa hoàn toàn mới chỉ có ở Philippines (quốc gia thuộc Đông Nam Á). Loài này được gọi là Rắn hổ mang chúa Luzon (danh pháp khoa học: Ophiophagus salvatana).
Điều đặc biệt, phạm vi phân bố của loài này chỉ giới hạn ở quần đảo Luzon ở phía bắc Philippines. Phát hiện này được Tạp chí Phân loại học Châu Âu công bố hồi tháng 10/2024.
Điều đáng nói, khi nhà khoa học vừa định danh được cho rắn hổ mang chúa Luzon thì chúng đã nằm luôn trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), phận hạng: VU (Loài dễ bị tổn thương; hay Sắp nguy cấp) - nghĩa là chúng phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên cao trong một tương lai không xa.
Khám phá mới nhất này nâng tổng số lượng các loài hổ mang chúa trên thế giới là 4 loài. Gần 200 năm qua, hổ mang chúa được xem là loài duy nhất (với danh pháp khoa học: Ophiophagus hannah). "Định kiến" này đã bị phá vỡ với sự xuất hiện của thêm 3 loài thuộc chi Ophiophagus.
Đến nay, với những tiến bộ khoa học, người ta đã định danh rõ 4 loài hổ mang chúa là: Rắn hổ mang chúa phương Bắc (Ophiophagus hannah), rắn hổ mang chúa Sunda (Ophiophagus bungarus), rắn hổ mang chúa Tây Ghats (Ophiophagus kaalinga) và rắn hổ mang chúa Luzon (Ophiophagus salvatana).
Jazz Ong, một nhà nghiên cứu về bò sát, đã giải thích sự khác biệt về mặt vật lý của rắn hổ mang chúa Luzon so với rắn hổ mang chúa ở các vùng khác của châu Á. Đó là, rắn hổ mang chúa Luzon sở hữu các dải màu nhạt, rất góc cạnh ở 2 bên (trong khi 3 loài còn lại có dải màu đậm hơn hoặc không góc cạnh).
Phạm vi phân bố của 4 loài rắn hổ mang chúa
Rắn hổ mang chúa là loài bò sát phổ biến ở châu Á. Đây là một trong những loài rắn mang tính biểu tượng nhất trên thế giới, tuy nhiên loài này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ trong gần một thế kỷ qua.
Với các nỗ lực mới, giới khoa học đã sử dụng dữ liệu hình thái từ 153 mẫu vật và phân tích phát sinh loài phân tử gần đây để nhận ra 4 loài rắn hổ mang chúa riêng biệt thuộc chi Ophiophagus và phạm vi phân bố của chúng.
Ngoài phân tích DNA, các nhà nghiên cứu đã xem xét các dải cơ thể, chiều rộng cơ thể, vảy hậu môn, các đặc điểm răng, hàng vảy lưng, vòng mắt và các đặc điểm xác định khác để đưa ra đánh giá của họ.
4 loài hổ mang chúa thuộc chi Ophiophagus là:
Rắn hổ mang chúa phương Bắc (Ophiophagus hannah) chỉ được tìm thấy ở miền đông Pakistan, miền bắc và miền đông Ấn Độ, quần đảo Andaman, phía nam đến miền trung Thái Lan.
Rắn hổ mang chúa Sunda (Ophiophagus bungarus) sinh sống ở khu vực thềm Sunda, bao gồm Bán đảo Mã Lai, Quần đảo Sunda Lớn và một số vùng phía Nam Philippines.
Rắn hổ mang chúa Tây Ghats (Ophiophagus kaalinga) là loài đặc hữu ở dãy núi Tây Ghats (hay còn gọi là dãy núi Sahyadri) ở phía tây nam Ấn Độ.
Rắn hổ mang chúa Luzon (Ophiophagus salvatana) chỉ được tìm thấy ở đảo Luzon của Philippines.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng những phát hiện của họ sẽ góp phần vào việc bảo tồn nhóm rắn hổ mang chúa, được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê là loài dễ bị tổn thương do môi trường sống của chúng bị đe dọa rộng rãi.
Họ nói thêm: "Ngoài ý nghĩa bảo tồn, những phát hiện của chúng tôi cũng có thể có ý nghĩa đối với độc tố học và phương pháp điều trị rắn cắn".
Rắn hổ mang chúa được cho là loài rắn độc phổ biến nhất trên thế giới. Nó có thể tiết ra một lượng nọc độc rất lớn trong một lần tiêm nọc độc, từ 200 đến 500mg nọc độc. Nọc độc ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, gây mờ mắt, chóng mặt, buồn ngủ và tê liệt. Sau đó, nó gây ra sự sụp đổ của hệ thống tim mạch và cuối cùng là suy hô hấp.
Điều trị y tế ngay lập tức là điều cần thiết để tăng khả năng sống sót sau vết cắn của rắn hổ mang chúa. Người ta nói rằng cái chết có thể đến với một người bị rắn hổ mang chúa cắn trong vòng 30 phút, tùy thuộc vào lượng nọc độc được tiêm vào trong quá trình tiêm nọc độc.
Ngoài ra, rắn hổ mang chúa được biết đến là loài ăn rắn, do đó có tên khoa học là Ophiophagus (tiếng Hy Lạp có nghĩa là ăn rắn) và hầu như chỉ ăn các loài rắn khác. Chúng là loài sống trên cạn và sống trong các khu rừng cao nguyên rậm rạp, rừng thưa và đồng cỏ gần các vùng nước. Chúng là loài rắn độc lớn nhất thế giới, thường dài gần 5 mét.
Đặc biệt, rắn hổ mang chúa là loài rắn duy nhất xây tổ cho con non. Thường là vào mùa xuân khi rắn hổ mang chúa cái chuẩn bị đẻ trứng. Rắn hổ mang chúa chọn một nơi thoát nước tốt để xây tổ bằng lá và cành cây. Những tổ này bao gồm các bức tường và lá chắn bảo vệ trứng.