Mới đây, trên các diễn đàn, trang mạng lan truyền thông tin xuất hiện chủng virut sốt xuất huyết mới vô cùng nguy hiểm. Theo mô tả, với chủng virut sốt xuất huyết mới này, người bệnh ăn cơm vào bị thủng ruột, phải kiêng không đánh răng, kiêng tắm và gió. Thông tin này được phát tán trong lúc tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp gây hoang mang, lo lắng.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Trao đổi với chúng tôi bác sĩ Chu Văn Tuyến - Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khẳng định cho đến thời điểm này, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới - WHO, chưa có vi rút sốt xuất huyết biến đổi gen thành chủng mới.
Cho đến này trên cả nước đã ghi nhận hơn 69.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết, với hàng chục ca tử vong và bệnh xuất hiện ở 56/63 tỉnh thành.
Bác sĩ Tuyến cho biết hiện nay ở Việt Nam vẫn chỉ có 4 chủng sốt xuất huyết dengue tuyp 1, 2,3 ,4, các tuyp này có thể mắc đi mắc lại. Nếu người trước kia đã mắc tuyp 1 thì mắc tuyp dengue lần hai sẽ nặng hơn, dễ bị sốc xuất huyết hơn.
Ông Tuyến cho biết đến nay vẫn chưa có thông tin nào về việc bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ thủng ruột nếu ăn cơm, chảy máu răng nếu đánh răng.
TS Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng cho biết: “Giờ tôi mới nghe được thông tin này, chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo và tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin trên để có câu trả lời sớm nhất đến với các cơ quan truyền thông và người dân”.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho biết đến thời điểm này chưa có thông tin mới nào thông báo về chủng virut sốt xuất huyết mới này.
Còn về việc “ăn cơm vào bị thủng ruột”, kiêng đánh răng… đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, bác sĩ Cấp cho biết, chưa có bệnh nhân sốt xuất huyết nào ăn cơm vào bị thủng ruột. Trong quá trình điều trị, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân ăn thực phẩm mềm, dùng bàn chải đánh răng không quá cứng tránh bị hóc, hoặc xước gây chảy máu.
Điều này đặc biệt nên tránh đối với các bệnh nhân có biến chứng giảm tiểu cầu. Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân tránh tối đa bị chảy máu. Khi tiểu cầu của bệnh nhân hạ thấp gây chảy máu và khó cầm máu, có thể xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa. Chính vì thế các bác sĩ đều khuyến cáo để tránh chảy máu chứ không phải ăn cơm là thủng ruột.