Từ đầu năm đến nay, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận hơn 2.100 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, đã có 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Dự báo, bệnh sốt xuất huyết tại địa phương này còn tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Tuyên truyền phòng chống dịch sốt xuất huyết. |
.Tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, dịch bệnh sốt xuất huyết bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 5, với gần 300 trường hợp mắc, trong đó 1 trường hợp tại xã Vạn Long đã tử vong.
Bà Hồ Thị Thu Thủy ở thôn Tân Dân, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh có con đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: nắng nóng kéo dài, người dân thiếu nước sinh hoạt, buộc phải trữ nước lâu ngày nên muỗi phát sinh, phát triển nhanh, trong xóm rất nhiều gia đình có người mắc bệnh sốt xuất huyết: “Nước thì khô, thiếu nước sinh hoạt. Quê mình, nhà mình thì cũng sạch sẽ lý do gì sốt thì mình không biết. Không có nước đọng hay là không có nước bẩn, nhà mình không có nuôi con gì hết. Con ban đầu chỉ nóng, nó kêu đau đầu buồn nôn, kéo dài 5-6 ngày, cho nên mới đưa vô nhập viện”.
Đến nay, trên địa bàn huyện Vạn Ninh có 21 ổ dịch rải khắp các xã, thị trấn. Bà Nguyễn Thị Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh cho biết: Trên địa bàn xã hiện đã xuất hiện 3 ổ dịch sốt xuất huyết nhưng người dân vẫn còn khá lơ là, chủ quan với dịch bệnh: “Trông chờ ỷ lại đối với Nhà nước, do vậy họ cũng rất lơ là đối với công tác này. Khi nào mà có phong trào chính quyền địa phương ra quân phát động, đôi lúc họ làm theo nhưng mà vừa lắng xuống họ không quan tâm lắm. Kinh phí Uỷ ban đối với công tác phòng chống dịch tương đối khó khăn, đầu năm đến nay chi khoảng 7 triệu, từ nay đến cuối năm chừng 2 triệu nữa”.
Bệnh sốt xuất huyết tại tỉnh Khánh Hòa đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến khá phức tạp. Đến nay, tỉnh này đã ghi nhận hơn 2.100 trường hợp mắc, 1 người tử vong do sốt xuất huyết. Dịch bệnh tăng cao, số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết đông nên hầu hết các khoa truyền nhiễm của các bệnh viện đều quá tải, nhiều nơi bệnh nhân phải nằm ghép đôi, ghép 3.
Bác sỹ Lê Tấn Phùng- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhiều người còn chủ quan với dịch sốt xuất huyết, khi mắc bệnh không đến các cơ sở y tế mà tự ý mua thuốc về uống; có những trường hợp khi nhập viện đã bị biến chứng nặng, gây khó khăn trong công tác điều trị: “Hiện nay, một số cơ sở y tế tư nhân chưa được cập nhật kiến thức, tổ chức điều trị chưa được hiệu quả. Sở Y tế đang chỉ đạo các Trung tâm y tế huyện tổ chức tập huấn về điều trị sốt xuất huyết cho các cơ sở hành nghề y tế tư nhân để người ta nắm bắt được những thông tin mới nhất, những kỹ thuật mới nhất, phương pháp điều trị mới nhất để mà phát hiện sớm, chuyển tuyến kịp thời cho những bệnh nhân sốt xuất huyết có biến chứng”.