Mời quý độc giả xem video: Hình ảnh Mặt Trời nhìn từ trạm vũ trụ NASA (Nguồn: Reuters) |
Theo TheVerge, đây là tiểu hành tinh xuyên sao đầu tiên quan sát được trên thế giới. Theo mô tả được công bố trên tạp chí Nature, về màu sắc, các quan sát sau đó cho thấy hành tinh mới tối và hơi đỏ, giống với các vật thể ở vùng ngoài hệ mặt trời (vùng nằm ngoài vành đai tiểu hành tinh, gồm các hành tinh khí và đá khổng lồ như sao Mộc, sao Thổ, sao Hải Vương…).
Nó lại giống các sao chổi ở chỗ không có khí hay bụi bao quanh, về hình dạng thì mỏng và dài như một cây bút ngộ nghĩnh. Ước tính hành tinh nhỏ này dài 400m và ngang 4km, đặc điểm nổi bật chưa từng thấy ở các tiểu hành tinh trong hệ mặt trời vốn không có tiểu hành tinh nào dài đến thế.
Minh họa nghệ thuật tiểu hành tinh đầu tiên trên thế giới mà khoa học "theo dõi" được (Ảnh: Đài quan sát Nam châu Âu) |
Vật thể này được các nhà thiên văn gọi tên là `Oumuamua, một từ tiếng Hawaii có nghĩa là "sứ giả đầu tiên từ xa tới". Nó đã du hành qua hàng triệu năm ánh sáng trước khi tình cờ ghé qua hệ mặt trời của chúng ta. Có lẽ nó đến từ hướng chòm sao Lyra nhưng nguồn gốc chính xác thì chưa được biết rõ.
`Oumuamua đang được NASA quan sát bằng kính viễn vọng Hubble trong tuần này để giải đáp các nghi vấn trên. Trao đổi với The Verge, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ học viện thiên văn đại học Hawaii Karen Meech cho biết "Kế hoạch của chúng tôi là xem xét nó cho đến cuối năm để quan sát được nó khi nó băng qua ở vị trí tốt nhất và hình dung được nó từ đâu đến".
‘Oumuamua được nhìn thấy lần đầu tiên vào ngày 19/10 vừa qua khi các nhà khoa học đang làm việc với kính viễn vọng Pan STARRS ở Hawaii. Pan STARRS là kính viễn vọng được dùng để quan sát vùng trời chứa các vật thể có quỹ đạo gần trái đất nhằm tìm kiếm những thứ có thể đe dọa hành tinh xanh. Các quan sát gần đây nhất cho thấy một trong các hòn đá trông như thể không thuộc về vũ trụ gần trái đất. Tiếp tục quan sát vật thể này trong vài ngày sau đó và dựa trên các tính toán, nhóm ở Pan STARR chắc chắn rằng họ đang nhìn thấy tiểu hành tinh xuyên sao đầu tiên. Cho tới nay, chúng ta chưa từng thấy một vị khách ở xa như thế nên từ sau kết luận trên, mọi đài quan sát trên thế giới cũng bắt đầu dõi theo vật thể mới để tính toán đường đi và xác định hình dạng của nó.
Theo các nhà nghiên cứu, các tiểu hành tinh xuyên sao bị đẩy ra từ các hệ hành tinh khác. Ví dụ, khi hệ mặt trời của chúng ta được hình thành, các hành tinh khổng lồ đã thổi bay vật chất luân chuyển quanh mặt trời. Một số trong chúng hạ cánh ở rìa ngoài thái dương hệ. Một số thì bị đẩy ra khỏi hẳn hệ mặt trời và du hành qua không gian xuyên sao, băng qua các ngôi sao khác. Tương tự, một lúc nào đó vật chất bị "trục xuất" khỏi các hệ hành tinh khác cũng sẽ tìm đường đến với hệ mặt trời.
Các vật thể xuyên sao này băng qua hệ mặt trời khá thường xuyên nhưng vì chúng đi quá nhanh và quá mờ nên chúng ta chưa bao giờ nhìn rõ được chúng. `Oumuamua là vận may của giới thiên văn vì khi băng qua trái đất, tiểu hành tinh này đang trên đường đi xuyên qua hệ mặt trời từ một góc ở gần mặt trời. Nhờ vậy mà người ta có thể bắt được hình ảnh của nó bằng các kính viễn vọng trên mặt đất. "Tôi nghĩ rằng thật tuyệt vời khi có được người khách này. Chúng tôi đã có dịp nhìn gần nó ở trên cao", trưởng nhóm Meech bày tỏ niềm vui của mình.
Quỹ đạo của tiểu hành tinh xuyên sao ‘Oumuamua khi băng qua hệ mặt trời. (Ảnh: Đài quan sát Nam châu Âu) |
Không như các sao chổi và tiểu hành tinh từng được quan sát trước đây, ‘Oumuamua không bị tác động bởi lực hấp dẫn lên mặt trời. ‘Oumuamua đến từ không gian xuyên sao và sẽ quay lại đó sau một cuộc viếng thăm chớp nhoáng hệ sao có trái đất. Tiểu hành tinh này có quỹ đạo hyperbol khá dốc và trên đường đi vào thái dương hệ, ngoài mặt trời thì nó không lại gần bất kỳ vật thể nào khác trong hệ.
Qua các quan sát nhanh, các nhà thiên văn thấy rằng độ sáng của ‘Oumuamua dao động khá lớn, nghĩa là nó bị kéo dài một cách bất thường.
Thời gian ‘Oumuamua tự quay quanh mình là 7,3 giờ. Hiện nay, ‘Oumuamua đang ở cách trái đất 200 triệu km và du hành xa khỏi chúng ta với vận tốc 137,1 ngàn km mỗi giờ. Nó đã băng qua quỹ đạo của sao Hỏa hôm đầu tháng này (1/11) và sẽ tới sao Mộc vào năm 2018. Khi đó, tiểu hành tinh này sẽ nhanh chóng mờ dần và việc quan sát nó trở nên khó khăn hơn.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng khi các kính viễn vọng lớn hơn như Large Synoptic Survey Telescope đang được hoàn thành ở Chile đi vào hoạt động, chúng ta có thể phát hiện thêm nhiều vật thể xuyên sao hơn trong những năm tới. "Tôi đoán rằng sẽ có nhiều vật thể loại này được phát hiện trong tương lai", Meech cho biết.
Large Synoptic Survey Telescope (LSST) là một kính viễn vọng khảo sát trường rộng đang được chế tạo ở Cerro Pachón thuộc khu vực Coquimbo, Chile. Với mục tiêu chụp ảnh toàn bộ bầu trời, LSST có tiêu cự 10,31m, đường kính gương chính 8,4m (gấp hơn 3 lần kính Hubble) và máy ảnh số 3,2 gigapixel, vào loại lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này.