Ảnh minh họa. |
Dải cực quang khổng lồ cực hiếm xuất hiện trong khí quyển
Các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) thấy dải cực quang khổng lồ màu đỏ xuất hiện trong bầu khí quyển.
Cực quang đỏ xuất hiện trong bầu khí quyển trái đất hôm 23/6. Con người rất hiếm khi thấy cực quang đỏ. Ảnh: EPA |
Scott Kelly, một phi hành gia Mỹ đang làm việc trên ISS, chụp nhiều ảnh về cực quang và công bố chúng trên mạng xã hội Twitter. Ông dùng từ "ngoạn mục" để mô tả cảnh tượng những dải ánh sáng xuất hiện do các hạt mang điện tích tương tác với bầu khí quyển địa cầu, Daily Mail đưa tin.
Trung tâm Dự báo Thời tiết Vũ trụ Mỹ (SWCP) giải thích rằng ba cơn bão Mặt trời vừa hình thành và lao về phía Trái đất từ hôm 22/6, tạo nên những dải cực quang khổng lồ ở Bắc Cực. Nếu mây không che kín bầu trời, phần lớn người dân ở châu Âu có thể thấy những dải ánh sáng nhiều màu sắc.
Cực quang - hiện tượng quang học với nét đặc trưng là sự xuất hiện của những dải sáng nhiều màu sắc trên bầu trời vào ban đêm - hình thành do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ mặt trời với tầng khí quyển trên cùng của hành tinh. Những dải sáng chuyển động và thay đổi liên tục, khiến người xem cảm thấy chúng giống như những dải lụa trên bầu trời.
Điều kiện lý tưởng nhất để quan sát cực quang vào ban đêm bao gồm: trời quang, vị trí của người quan sát xa các đô thị (để tầm nhìn không chịu ảnh hưởng của ánh sáng đèn điện).
Phi hành gia Scott Kelly dùng từ "ngoạn mục" để mô tả cảnh tượng mà ông thấy. |
Tuy nhiên, bão Mặt trời có thể làm giảm tốc độ của các vệ tinh trên quỹ đạo thấp của địa cầu. Nếu tình trạng đó xảy ra, các trung tâm điều khiển vệ tinh trên mặt đất sẽ phải điều chỉnh quỹ đạo bay của chúng, SWCP nhận định. Ngoài ra, bề mặt của vệ tinh sẽ nhiễm điện - một tình trạng có thể tác động xấu tới hoạt động của hệ thống thiết bị bên trong. Bão mặt trời cũng có thể phá hoại các hệ thống truyền tải điện và gây nhiễu sóng radio.
Lần đầu quan sát được cực quang bên ngoài Hệ Mặt trời
Hiện tượng cực quang, vốn chỉ xuất hiện khi hành tinh có tầng khí quyển dày và từ quyển lần đầu tiên được quan sát thấy ngoài Hệ Mặt trời.
Các nhà thiên văn học đã lần đầu tiên quan sát và ghi nhận được cực quang bên ngoài Hệ Mặt trời. Phát hiện được công bố trên tờ tạp chí Tự nhiên (Nature) số ngày 29/7.
Cực quang trên một sao lùn nâu thuộc chòm sao Thiên Cầm có vị trí cách Trái đất 18,5 năm ánh sáng. (Nguồn: Caltech) |
Nhờ các thiết bị thiên văn như kính viễn vọng vô tuyến Very Large Array ở New Mexico, kính viễn vọng Hale tại California và kính viễn vọng của đài thiên văn Keka tại Hawaii, nhóm quan sát đã ghi nhận được hiện tượng phát quang cực từ một thiên thể được xếp hạng giữa sao và sao lùn nâu trong thang bậc thiên văn.
Sao lùn nâu là tên gọi của các "vì sao chưa hoàn thiện," chúng lớn hơn hành tinh, song trọng lượng còn quá nhỏ để phát ra các phản ứng tổng hợp hạt nhân như tại Mặt trời và các vì sao khác.
Cực quang của Trái đất, hiểu một cách đơn giản là một dải sáng mà đôi khi người ta có thể thấy ở vùng khí quyển gần 2 địa cực của Trái đất. Để có cực quang như Trái đất, hành tinh cần có đủ 2 yếu tố: có khí quyển dày và có từ quyển. Trong Hệ Mặt trời chỉ có 2 hành tinh không có từ quyển là sao Kim và sao Hỏa, do đó chúng không có cực quang.