Hôn nhân là sự kết hợp giữa vô vàn những tư tưởng tính cách và các mối quan hệ xã hội khác nhau của hai người và hơn hết không phải lúc nào cả hai cá thể độc lập ấy cũng dễ dàng, thuận buồm xuôi gió nắm chặt tay nhau qua hết giông bão. Cho nên, để duy trì một cuộc hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng chúng tôi đề ra nguyên tắc: Không giận nhau quá 1 đêm. Thực tế cho thấy, qui tắc này tỏ ra khá có hiệu quả.
Giận hờn được xem như một phần thiết yếu làm phong phú không chỉ của tình yêu mà cả trong hôn nhân của đôi lứa yêu nhau. Có nó sẽ làm cho mối quan hệ vợ chồng có cảm giác vẫn còn nồng nàn, vẫn còn hờn ghen, vẫn còn vương vấn như thuở chưa sống chung cùng một mái nhà. Tuy nhiên, cũng như khi gia vị bị nêm quá tay nó sẽ phá hỏng món ăn chính, giận hờn quá đà có thể làm hỏng mối quan hệ mà vợ chồng gầy dựng suốt thời gian qua. cãi nhau giữa vợ chồng là điều khó tránh khỏi, nhưng cãi nhau nên chú ý đến giới hạn, đừng để nó trải qua quá một đêm, nhất thiết phải hòa giải ngay trong ngày.
Cãi nhau giữa vợ chồng là điều khó tránh khỏi, nhưng cãi nhau nên chú ý đến giới hạn, đừng để nó trải qua quá một đêm, nhất thiết phải hòa giải ngay trong ngày.
Nguyên nhân của những cuộc cãi vã thường là những chuyện vụn vặt trong đời sống hằng ngày như: tháng này chồng đưa ít tiền, chồng không giúp việc nhà phụ vợ, không chăm con, đỡ đần công việc gia đình hay vợ hay cằn nhằn những hoạt động của chồng, vợ tiêu pha quá mức trong tháng,... đối với cuộc sống hôn nhân lâu dài thì nó không là gì cả.
Ảnh minh họa. |
Đàn ông khi xung đột phải nên học cách độ lượng một chút. Phải hiểu khi nóng giận người phụ nữ thường không lý trí, bị cảm tình và tức giận lấn át, nên tốt nhất là người chồng nên tránh né đi hoặc “chịu thiệt” một chút, cố vuốt cho vợ mình nguôi giận. Đừng nên “ăn miếng trả miếng” với phụ nữ, hơn nữa cũng đừng “thêm dầu vào lửa” mà hãy rời đi nơi khác, đợi khi “sóng yên bể lặng” thì chủ động làm hoà, thế mới vẹn trong ngoài, “một điều nhịn chín điều lành”, hơn nữa nhịn vợ mình thì cũng không xấu mặt nào.
Học cách bình tĩnh: Khi cãi nhau nếu cứ để mặc cho cảm xúc lên ngôi thì không chừng lời nói ra sẽ khiến sau này phải hối hận. Vậy nên, hai vợ chồng nên tự đặt ra nguyên tắc cho mình: Nếu cả hai cùng nóng giận, hãy tạm thời tách xa nhau ra, đợi cho cơn giận lắng xuống hoặc im lặng, im lặng để nhìn nhận lại bản chất vấn đề và lỗi lầm của nhau. Khi bình tâm, ta có thể từ từ suy nghĩ, cân nhắc, đặt mình vào địa vị của người kia, nhớ lại những điểm tốt đẹp của bạn đời, hóa ra chuyện nhỏ nhặt này thật sự không đáng để lời qua tiếng lại, làm tổn thương nhau. Dù thế nào, cũng đừng để cuộc cãi vã qua hết một đêm, hãy để sự oán giận tiêu tan trong ngày hôm đó. Chỉ có như vậy thì hôn nhân mới có thể ổn định vững chắc hơn.
Khi cãi nhau nếu cứ để mặc cho cảm xúc lên ngôi thì không chừng lời nói ra sẽ khiến sau này phải hối hận.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý Hồn Việt cho biết: Về mặt tâm lý, sau mỗi lúc giận hờn, vợ chồng có cơ hội hiểu thêm về nhau, tình yêu cũng có thể sôi nổi, mạnh mẽ hơn. Ở phương diện tích cực, những giận hờn nho nhỏ không gây bất kỳ sự tổn thương nào cho người bạn đời, thì giận hờn sẽ như chút gia vị, giúp đời sống hôn nhân thêm nồng nàn hơn.
Bà cũng nói thêm: Nhưng việc “cường điệu” sự nóng giận hoặc nóng giận thái quá có thể sẽ gây ra những tổn thương không thể chữa lành. Khi quá mệt mỏi với những giận hờn của vợ hoặc chồng thì sự đổ vỡ hôn nhân là điều tất yếu.
Một lời nói khi nóng giận được thốt ra có thể khiến người ta sau đó phải ân hận cả đời. Nuôi dưỡng cơn giận, nuôi dưỡng lửa giận trong tâm hồn chính là nuôi dưỡng nọc độc phá hủy chính bản thân mình, làm cho hành vi và lời nói của mình dẫn đến sai quấy. Bí quyết để sống hòa thuận giữa vợ chồng với nhau không phức tạp như bạn tưởng tượng. Chỉ cần đối đãi chân thành với nhau, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng cuộc hôn nhân này hơn cảm xúc nhất thời của cá nhân, vậy thì ắt sẽ hạnh phúc dài lâu.