ITU Digital World là sự kiện toàn cầu thường niên của ITU, nơi các doanh nghiệp viễn thông và CNTT trên thế giới tập trung giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất.
Hội nghị Bộ trưởng và Triển lãm Thế giới số trực tuyến 2021 sẽ tiếp tục là cơ hội để Việt Nam giới thiệu, quảng bá và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt. |
Từ ngày 12/10 - 14/10/2021, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT Việt Nam đã thống nhất với Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) tiếp tục tổ chức Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2021) trực tuyến, trên nền tảng số do Việt Nam nghiên cứu và xây dựng.
ITU Digital World là sự kiện toàn cầu thường niên của ITU, nơi các doanh nghiệp viễn thông và CNTT trên thế giới tập trung giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất. Diễn đàn Bộ trưởng, các hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ sự kiện sẽ thảo luận những xu thế phát triển, chính sách quản lý, giải pháp công nghệ để thúc đẩy kinh tế số và xã hội số.
Tiền thân là Triển lãm Viễn thông Thế giới (ITU Telecom World), sự kiện này chính thức được đổi tên thành Triển lãm số Thế giới (ITU Digital World) từ năm 2020 theo sáng kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng. Năm nay, nền tảng triển lãm trực tuyến đã được các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, với nhiều tính năng mới.
Tương tự như một triển lãm thực tế, Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021 sẽ bao gồm các hoạt động triển lãm trực tuyến và diễn đàn trực tuyến. Cụ thể tại triển lãm trực tuyến, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ trình diễn những gian hàng trực tuyến 2D và 3D, trưng bày sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số của doanh nghiệp, các gian hàng quốc gia. Các gian hàng sẽ được duy trì trong một tháng từ ngày 12/10 đến 12/11/2021. Triển lãm trực tuyến là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng và đối tác từ 193 nước thành viên của ITU.
Diễn đàn trực tuyến diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11/2021 và Hội nghị Bộ trưởng từ ngày 12 - 14/10 hướng tới chủ đề chung “Cùng nhau xây dựng thế giới số”, theo 3 trụ cột: Hạ tầng cần thiết để chuyển đổi số; Đầu tư và tạo điều kiện chuyển đổi số thông qua chính sách; Các tác nhân chính cho chuyển đổi số.
Hội nghị chuyên đề trong tháng 9/2021 đã thảo luận về “Hạ tầng cần thiết để chuyển đổi số” tập trung vào mạng thế hệ tiếp theo, thay đổi không gian cho chuyển đổi số, quản lý tăng trưởng và quản lý tần số, 5G – nhiên liệu cho chuyển đổi số.
Hội nghị Bộ trưởng trực tuyến được tổ chức trong 3 ngày từ 12-14/10/2021 với sự tham gia của các bộ trưởng trên khắp thế giới theo các chủ đề: Cắt giảm chi phí mạng truy nhập nhằm tăng tốc chuyển đổi số; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng: vai trò của Chính phủ trong chuyển đổi số; Số hóa cuộc sống thường nhật: các dịch vụ công và nội dung định hướng chuyển đổi số.
Hội nghị chuyên đề diễn ra vào tháng 11/2021 sẽ thảo luận về “Các tác nhân cho chuyển đổi số”: kỹ năng số - công nghệ giáo dục, an ninh mạng và quyền riêng tư, ICT xanh, AI, hiệu quả năng lượng và phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ sự kiện, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn có cơ hội tham gia giải thưởng ITU SME Virtual Awards: hiện thực hóa mục tiêu “Nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp cất cánh” và tập trung vào 5 lĩnh vực: Kết nối, Thành phố thông minh, Y tế điện tử, Tài chính số và Đào tạo công nghệ. ITU tổ chức lễ trao giải cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên phạm vi toàn cầu vào tháng 12/2021.
Hội nghị Bộ trưởng và Triển lãm Thế giới số trực tuyến 2021 tiếp tục là cơ hội để Việt Nam giới thiệu và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt tới lãnh đạo các nước, các cơ quan quản lý, nhà khai thác và đối tác trên thế giới.
Đồng thời, quảng bá hình ảnh đất nước năng động và tích cực hội nhập quốc tế; giúp Việt Nam khẳng định vị thế, thể hiện khả năng triển khai các sáng kiến về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực viễn thông và CNTT theo đúng tinh thần chuyển đổi số toàn diện.
Năm 2020, Hội nghị Bộ trưởng và Triển lãm trực tuyến Thế giới số lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến theo sáng kiến của Việt Nam, đã có sự tham gia của đại biểu từ 149 nước trên thế giới. Thành công của sự kiện góp phần củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam đối với quốc tế và khẳng định năng lực công nghệ của doanh nghiệp Việt.