Công tác xét nghiệm sớm và quy mô lớn ngoài cộng đồng giúp Việt Nam sàng lọc các ca nghi nhiễm để cách ly. Ảnh: Lam Thanh |
Các biện pháp chống dịch của Việt Nam “nói dễ, khó làm”
Trang nzherald.co.nz vừa đăng tải bài viết đề cập tới những yếu tố giúp Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, khi hơn 1 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo đánh giá của chuyên gia Viện Chính sách chiến lược Australia, thành công của Việt Nam là nhờ một loạt các yếu tố tổng hợp như công tác truyền thông của chính phủ được thực hiện sớm và rõ ràng; cảnh báo của chính phủ đã công bố thẳng thắn với người dân về sự nguy hiểm của virus gây bệnh Covid-19 và việc thiếu các nguồn lực y tế quy mô lớn nếu một đợt bùng phát lớn xảy ra.
Một yếu tố nữa được cho cũng đóng góp vào sự thành công của Việt Nam là công tác xét nghiệm sớm và quy mô lớn. Vào tháng 1-2020, Việt Nam chỉ có 3 phòng thí nghiệm có thể tiến hành xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, đến tháng 4, Việt Nam đã xây dựng được 112 phòng thí nghiệm.
Ông Matthew Moore, quan chức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đang làm việc tại Hà Nội, đánh giá các biện pháp mà Việt Nam thực hiện rất dễ mô tả nhưng khó thực hiện. Tuy nhiên, quan chức này nhận định Việt Nam đã rất thành công khi thực hiện lặp đi lặp lại các biện pháp này. Ông Moore đã trao đổi thông tin với Chính phủ Việt Nam kể từ khi nước này ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên vào tháng 1. Ông cho biết người dân Việt Nam có “niềm tin rất lớn” vào chính phủ.
Nhiều công ty nước ngoài ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam
Công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam cũng được các báo Nhật bản, Singapore đánh giá cao. Trang tin Business thuộc Nhật báo kinh tế Nihon Keizai (Nhật Bản) ngày 19-5 đăng bài viết của nhà kinh tế trưởng Ueno Yasunari của Công ty chứng khoán Mizuho đánh giá cao hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Việt Nam.
Tác giả Yasunari bày tỏ rất ngạc nhiên khi Việt Nam có dân số tới 96 triệu người nhưng số ca lây nhiễm Covid-19 chỉ dừng lại ở hơn 300 người và không có ca tử vong nào. Điều này cho thấy các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam hiệu quả hơn so với các nước Đông Nam Á khác.
Theo nhà kinh tế trưởng này, bí quyết thành công của Việt Nam là cách ly người nhiễm bệnh ngay từ giai đoạn ban đầu và xác định tới cùng những người từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Ngoài ra còn nhiều biện pháp hiệu quả khác như thực hiện sớm, đồng bộ và quyết liệt các biện pháp đóng cửa biên giới, cách ly quy mô lớn, xét nghiệm các ca nghi nhiễm...
Trong khi đó, báo The Strait Times (Singapore) ngày 18-5 đăng bài viết của nhà báo Tan Hui Yee, trưởng Cơ quan Đại diện phụ trách khu vực Đông Nam Á, đánh giá tích cực công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Báo này nhấn mạnh Việt Nam đang gặt hái những “thành quả chiến lược” nhờ những phản ứng nhanh nhạy sau khi không phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng hơn 1 tháng qua.
Báo Strait Times nêu rõ các trường học đã mở cửa trở lại, xe buýt hoạt động bình thường, người dân dường như đang quay lại nhịp sống thường ngày, sự quan tâm của các nhà đầu tư gia tăng trở lại... Trong khi đó, bài báo nhận định xuất khẩu khẩu trang và bộ kit xét nghiệm của Việt Nam cũng có thể góp phần giảm bớt tác động kinh tế ngày càng lớn của đại dịch đối với nền kinh tế Việt Nam.
Bài báo dẫn đánh giá của ông Trent Davies, nhà quản lý tư vấn kinh doanh quốc tế thuộc công ty tư vấn Dezan Shira & Associates có trụ sở tại Việt Nam, cho biết trong những tháng đầu khi dịch bệnh bùng phát, mọi thứ đều trong trạng thái chờ đợi và thăm dò, nhưng giờ đây ngày càng nhiều công ty nước ngoài quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam.