Hàng loạt trẻ bị sùi mào gà ở Hưng Yên chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh, nhưng cũng đã lộ rõ sự tắc trách của cơ quan chức năng địa phương trong công tác quản lý. Tại sao không có giấy phép hoạt động, y sĩ Hoàng Thị Hiền có thể ngang nhiên mở phòng khám hành nghề nhiều năm nay? Có hay không việc bao che, buông lỏng quản lý, để bà Hiền khám-chữa bệnh trái phép?
“Biết trái phép nhưng khó xử lý”
Đó là lý giải của ông Phan Quang Mạnh - Trưởng Phòng Y tế huyện Khoái Châu - địa bàn y sĩ Hoàng Thị Hiền sinh sống và hành nghề khám-chữa bệnh. Ông thậm chí còn chia sẻ mình bất ngờ khi biết thông tin hàng loạt con em của các gia đình trên địa bàn bị mắc bệnh sùi mào gà đều có điểm chung là cho con đến nong tách bao quy đầu ở chỗ y sĩ Hiền.
Phòng khám trái phép của bà Hoàng Thị Hiền. Ảnh: PV |
Khi phóng viên đặt câu hỏi, tại sao hàng trăm hộ dân trong vùng bao năm nay “truyền tai nhau” đưa con đến phòng khám của bà Hiền, trên địa bàn mình quản lý, chẳng lẽ những cán bộ Phòng y tế lại không nắm được thông tin? Ông Mạnh nói, thực ra có biết, nhưng khó xử lý. Nguyên nhân bởi: “Cứ có dấu hiệu của đoàn kiểm tra đến là chị Hiền lại không có nhà, nên rất khó tiếp cận”.
“Tháng 6/2016, sau khi nghe thông tin từ một số người dân phản ánh là bà này chữa bệnh giỏi lắm, chúng tôi có đến phòng khám của bà Hiền kiểm tra, nhưng không tiếp cận được bà Hiền. Đương nhiên lần đầu không được thì sẽ đến lần thứ hai. Nhưng phải nói thật là bà Hiền không hợp tác, không khai báo. Bà ấy cứ nói mình không khám-chữa bệnh nên không có căn cứ để xử lý.
“Chẳng lẽ y sĩ Hiền nói vậy, cán bộ của phòng y tế cũng tin?”, trước câu hỏi này, Trưởng phòng Y tế huyện Khoái Châu nói rằng: “Chỉ khi có đơn thư phản ánh thì mới có thể triệu tập lên tường trình được. Bà Hiền là cán bộ y tế, khám-chữa bệnh ngoài giờ hành chính, nên chúng tôi cũng rất khó gọi lên xử lý khi chưa xác minh được thông tin”.
Ông Mạnh cũng cho biết, sau nhiều lần “tiếp cận” phòng khám của bà Hiền không thành, đến tháng 12/2016, bản thân ông đã phải đóng giả người chữa bệnh đến mua thuốc tại phòng khám của bà Hiền.
“Tại thời điểm đó, phòng khám của bà Hiền rộng chừng 15m2, không có đồ đạc gì nhiều ngoài 1 chiếc giường đơn và 2 tủ nhỏ dùng để đựng thuốc. Các loại thuốc chủ yếu là kháng sinh, kháng viêm... Khi tiến hành lập biên bản, bà Hiền từ chối làm việc với lý do bà không thực hiện khám chữa bệnh, 2 tủ thuốc trong phòng là của gia đình sử dụng.
Tại buổi làm việc hôm đó, đoàn kiểm tra của Phòng Y tế đã tiến hành lập biên bản trong lĩnh vực hành nghề dược vì không bắt quả tang bà ấy khám-chữa bệnh. Chúng tôi đã yêu cầu bà Hiền chấm dứt hoạt động hành nghề trái phép tại gia đình” - Trưởng Phòng Y tế huyện Khoái Châu nói thêm.
Tự cho mình là bác sĩ nhi khoa
Tuy nhiên, điều gì diễn ra sau biên bản yêu cầu tạm dừng hoạt động thì dư luận đã biết, bà Hiền vẫn hành nghề trái phép. Rất nhiều gia đình đưa con mình lên khám các loại bệnh, từ ho, sổ mũi, tiêu chảy… đến việc làm các thủ thuật nong tách bao quy đầu. Bà Hiền còn nói mình là bác sĩ chuyên khoa nhi, trong khi chỉ là y sĩ công tác ở trạm y tế xã Mễ Sở, huyện Văn Giang.
ố bệnh nhi điều trị bệnh sùi mào gà ở Viện Da liễu trung ương vẫn tăng lên mỗi ngày. Ảnh: Thùy Linh |
Anh N.V.V (Tứ Dân, Khoái Châu) có con 6 tháng tuổi bị mắc sùi mào gà đang điều trị ở Bệnh viện Da liễu Trung ương “tố” bà Hiền cố ý tung tin làm người dân hoang mang, lợi dụng danh nghĩa làm trong ngành y để kiếm tiền, trục lợi.
Cụ thể, khi con anh bị viêm da cơ địa đưa đến nhà bà Hiền khám. Sau khi kê thuốc chữa viêm da bà đã tự động kéo quần của con anh xuống kiểm tra chim và phán rằng: “Thằng này bị viêm 2/3 chim rồi, không chữa ngay là bị ung thư và vô sinh”. Nghe thấy sợ quá, anh đồng ý chữa, chưa đầy 1 tháng sau thì bộ phận sinh dục của con anh sưng đỏ, nổi nhiều nốt lạ.
Có hay không việc bao che?
Trước câu hỏi, liệu có việc bao che để y sĩ Hiền hành nghề trái phép nhiều năm nay? ông Phan Quang Mạnh - Trưởng Phòng Y tế huyện Khoái Châu cho biết: “Không có sự bao che nào cả. Không có bất cứ sự ràng buộc nào về tình cảm cá nhân ở đây”.
Ông Mạnh thông tin thêm rằng, Phòng y tế huyện có nắm được việc sau khi bị yêu cầu dừng hoạt động bà Hiền vẫn tiếp tục hành nghề tại nhà. Phòng đã mời bà Hiền lên làm việc nhưng bà không lên.
“Chỉ có chồng bà Hiền là cán bộ của huyện lên xin, nói rằng mong thông cảm để anh về khuyên bảo vợ dừng bán thuốc trái phép. Chúng tôi cũng thông cảm, cũng nể. Anh ấy là người nói câu đó, mà tủ thuốc cũng không lớn. Nhưng như thế không có nghĩa chúng tôi bao che. Chúng tôi vẫn có văn bản xuống xã đề nghị tiếp tục giám sát phòng khám của bà Hiền” – ông Mạnh nói.
Phòng khám của y sĩ Hoàng Thị Hiền chỉ cách Trạm Y tế xã Dạ Trạch chưa đầy 1km, trên cùng một tuyến đường nội bộ xã. Chẳng lẽ những cán bộ y tế ở địa phương lại không hay biết gì về hoạt động khám-chữa bệnh của bà Hiền?
Rõ ràng có sự tắc trách của cơ quan quản lý ở địa phương. Chính ông Lều Văn Quân, Chánh thanh tra Sở Y tế Hưng Yên đã thừa nhận trong cuộc họp với Bệnh viện Da liễu T.Ư và đại diện Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vào sáng 19/7 rằng: "Việc xử lý của Phòng Y tế là chưa triệt để, dẫn đến việc chị Hiền tiếp tục hoạt động đến nay".
Kết quả của sự tắc trách đó đã dẫn đến việc có hơn 40 cháu phải lên điều trị bệnh sùi mào gà ở Bệnh viện Da liễu Trung ương sau khi tiến hành nong tách bao quy đầu ở cơ sở khám-chữa bệnh trái phép của bà Hiền. Gia đình các cháu kiệt quệ vì ôm con đi “vái tứ phương”, những đứa trẻ ngây thơ phải chịu tổn thương về tinh thần, đau đớn về thể xác. Chưa kể còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tương lai của những đứa trẻ.