Nòng nọc con của loài lưỡng cư thường xuyên ăn các "anh em" của mình để tăng khả năng phát triển. Mòng biển và bồ nông là hai trong số nhiều loài chim sử dụng con non của chúng để làm thức ăn hoặc ngăn ngừa lây lan bệnh tật. Đối với bọ ngựa hay nhện lưng đỏ Úc, con đực sau khi giao phối sẽ trở thành một món ăn đầy hấp dẫn đối với con cái.
Ăn thịt đồng loại không hiếm ở những loài khác
Thật sự, việc ăn thịt đồng loại không phải là một điều quá xa lạ trong thế giới động vật. Điều này thậm chí còn diễn ra thường xuyên hơn ở động vật có vú. Nhiều loài gặm nhấm có thể biến con non của chúng thành bữa ăn trong trường hợp bị đói, bị bệnh. Bên cạnh đó, con non đã chết, hoặc "sinh vượt kế hoạch" và con mẹ không đủ khả năng nuôi dưỡng cũng trở thành lý do để "chén".
Thịt người có các đặc điểm sinh hóa tương tự động vật. |
Các loài tiến hóa hơn như gấu và sư tử đực đôi lúc giết và ăn thịt các con non của tình địch để chúng có thể dễ dàng giao phối với con cái hơn. Các loài động vật bậc cao gần giống với con người như tinh tinh đôi khi ăn thịt những cá thể không may mắn thường là các con non. Mục đích có thể là để bổ sung protein cho cơ thể chúng.
Tuy nhiên, đối với con người, việc ăn thịt đồng loại là hành động thật sự đáng kinh tởm, được coi là trái với quy luật tự nhiên, đi ngược lại với tiến hóa. Trên thực tế, ác cảm của chúng ta đối với việc ăn thịt người rất mạnh mẽ, đến nỗi những biện minh về yếu tố sống còn và đạo đức cũng khó có thể chấp nhận được.
Tờ Theconversation đã thực hiện một bài khảo sát về giả thuyết một người đàn ông có được phép ăn thịt các bộ phận cơ thể của người bạn mình, khi anh ta đã qua đời bởi những nguyên nhân thuộc về tự nhiên hay không.
Đồng thời, bài khảo sát cũng giả sử rằng hành động ăn thịt người xảy ra trong một nền văn minh cho phép làm điều này, như một cách tôn vinh người quá cố và thịt sẽ được nấu chín để đảm bảo không có nguy cơ nhiễm bệnh.
Kết quả cho thấy, dù lưu ý đã giả định việc ăn thịt người là hành động nhân văn nhưng hơn một nửa độc giả tham gia cho rằng đó là một điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Ngay cả trong những tình huống đối mặt với sinh tử, hành động ăn thịt đồng loại cũng gần như là điều không thể tha thứ đối với con người. Tiêu biểu như vụ tai nạn máy bay Andes nổi tiếng năm 1972. Khi những người sống sót đối mặt gần kề với sinh tử, họ đã ra một quyết định vô cùng khó khăn: Ăn thịt những người đã chết để tiếp tục sống.
Mặc dù những hành động này là bước đi cuối cùng để sinh tồn trước thiên nhiên khắc nghiệt và một số người trong đoàn tự nguyện hiến xác nhưng cuối cùng, những người ăn thịt đồng loại vẫn bị xã hội lên án nặng nề.
Một trong những người sống sót sau thảm họa, Roberto Canessa, đã tự trách mình rằng việc ăn các hành khách để sinh tồn là "xâm phạm vào ký ức của bạn bè và đánh cắp linh hồn họ". Mặc dù ngay sau đó, ông ta đã khẳng định rằng lúc đó nếu chẳng may qua đời, ông sẽ không ngần ngại cho phép những người còn sống được ăn thịt ông.
Quyết định ghê tởm
Giai đoạn đầy đen tối nêu trên là bằng chứng rõ ràng cho thấy tại sao con người là ngoại lệ duy nhất nằm ngoài quy luật ăn thịt ở các loài động vật. Tính chất giữa người sống và người đã chết không thể so sánh được.
Sự kết nối cực kỳ chặt chẽ giữa phần con người và xác thịt là lý do duy nhất mà trong vài tình huống nhất định, những ưu điểm của việc ăn thịt người đều bị bỏ qua bởi cảm giác ghê tởm bên trong tâm trí mỗi cá nhân đang sống.
Một câu hỏi khác được đặt ra, tại sao chúng ta lại ghê tởm thịt người, trong khi thịt các loài động vật khác thì không?
Nhà triết học William Irvine đã nêu ra trường hợp giả thuyết rằng tồn tại một trang trại nuôi những đứa trẻ sơ sinh nhằm phục vụ thực phẩm cho con người, tương tự một trang trại gia súc.
Irvine đề nghị những lập luận biện minh cho việc giết gia súc cũng áp dụng đối với trẻ sơ sinh, ví dụ như "chúng sẽ không phản đối" và "chúng chưa có khả năng suy nghĩ như một người trưởng thành".
Mặc dù đây chỉ là giả thuyết, tuy nhiên lại khá hữu ích nếu chúng ta muốn làm sáng tỏ sự định kiến của con người khi đề cập đến khía cạnh đạo đức của việc ăn thịt người.
Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã hình thành trong não bộ ý thức về các chủng loài, ví dụ như người và gia súc.
Mặc dù không thể quan sát trực tiếp nhưng điều đó mang lại những nhận biết sơ khai ban đầu. Ví dụ, con người là gì? Là những cá thể có suy nghĩ thông minh và lý trí, cá tính và khao khát sống. Đồng thời giữa các cá thể hình thành mối liên kết với nhau.
Chủ nghĩa tâm lý trên là một lối tắt hữu ích định hướng những mong đợi và đánh giá của chúng ta lên các thành viên trong chủng loài. Tuy nhiên điều này thật sự không hiệu quả khi những đặc trưng điển hình của chủng loài như đã nói ở trên không còn phù hợp, ví dụ như sau khi qua đời.
Và đây là nguyên nhân lý giải tại sao hành động ăn thịt đồng loại sau khi chết lại làm chúng ta cảm thấy ghê tởm đến như vậy. Ngay cả khi con người có thể biện minh những lý do về mặt đạo đức có thể chấp nhận được, chúng ta vẫn không thể ngăn cản tâm trí mình suy nghĩ về kẻ đã ăn thịt – hay kẻ đã bị ăn.
Các nghiên cứu cụ thể đã chỉ ra rằng, cách chúng ta tương tác với động vật phần nào sẽ định hình cách chúng ta phân loại chúng. Nếu càng nghĩ về một loại động vật có đặc tính của con người, như loài chó chẳng hạn, chúng ta càng cảm thấy thịt của chúng thật sự khó có thể trở thành thức ăn.
Con người đang ngày càng thích nghi
Mặc dù những lời buộc tội ăn thịt người thường được đưa ra một cách sai lệch để quỷ hóa hay thần thánh hóa các nhóm hội cực đoan, dị hợm, tuy nhiên trong lịch sử loài người, hành động ghê tởm này không phải là điều hiếm thấy.
Bộ lạc người Papua New Guinea có văn hóa ăn thịt đồng loại. Họ tin rằng ăn thịt những người thân sẽ tốt hơn để xác bị phân hủy bởi giun hay dòi.
Hay ở thời đại Phục Hưng, việc ăn thịt xác chết diễn ra thường xuyên nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu y học.
Không thể phủ nhận việc chúng ta có thể thích nghi với thịt người nếu cần thiết. Nhiều người thật sự ghê tởm với tất cả các loại thịt và chuyển sang ăn chay, trong khi những nhân viên tang lễ hay các bác sĩ phẫu thuật, thợ giết mổ động vật rất nhanh chóng thích nghi với những khó khăn ban đầu khi xử lý xác chết.
Những nghiên cứu được thực hiện với các nhân viên giết mổ động vật ở Anh cho thấy họ dễ dàng thích nghi với việc tiếp xúc thường xuyên các bộ phận động vật. Trong khi những người tiêu dùng bình thường cảm thấy kinh tởm.
Tuy nhiên, con người không nhất thiết phải ‘tiến hóa lùi' trong tương lai gần. Một số nhà triết học đã lập luận một cách khó hiểu rằng chôn cất người chết là một sự lãng phí trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nguy cơ nạn đói toàn cầu. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có nhiều sự thay thế ngon miệng hơn thịt của một con người.
Hiện nay việc ăn chay đang được chứng minh là tốt cho sức khỏe và chúng ta có thể chuyển sang ăn nhiều thực vật và ít thịt hơn để bảo tồn tài nguyên dần cạn kiệt.
Côn trùng có thể đáp ứng đủ nhu cầu protein hàng ngày của chúng ta và nhiều triển vọng trong tương lai của công nghệ phát triển nuôi cấy.
Đến bây giờ, chúng ta thật sự hạnh phúc bởi vẫn chưa rơi vào hoàn cảnh éo le đến mức phải "nếm" thịt đồng loại của mình. Thịt người có những sự tương đồng về mặt sinh hóa với các loài động vật có vú khác. Tuy nhiên bất kỳ hành vi nào sử dụng chúng làm thức ăn vẫn mang tính ghê rợn và khó có thể chấp nhận được.