Hai tháng trước khi đi khám tại Phòng khám Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (BV ĐHYD TP HCM), bệnh nhân thường xuyên đi tiểu nhiều lần về đêm, tiểu khó. Tình trạng tiểu đêm nhiều lần ảnh hưởng đến giấc ngủ khiến ông rất mệt mỏi.
Mỗi năm phòng khám Tiết niệu BV ĐHYD TP HCM tiếp nhận khoảng 8.000 người bệnh đến khám vì triệu chứng đường tiểu dưới do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. |
BSCKI Phó Minh Tín, Quản lý và Điều hành khoa Tiết niệu BV ĐHYD TP HCM cho biết, bệnh nhân bị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt nên dẫn đến tình trạng rối loạn đi tiểu, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Nếu nặng có thể gây bí tiểu cấp, nhiễm khuẩn niệu, tiểu máu đại thể, sỏi bàng quang thậm chí suy thận do ngược dòng.
Một số yếu tố nguy cơ tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt như: tuổi càng cao, khả năng mắc bệnh càng nhiều; tiền căn gia đình có cha hoặc anh trai bị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt hoặc người bị béo phì, đái tháo đường, ít vận động thể lực…
Các triệu chứng có thể gồm nhóm triệu chứng bế tắc (tiểu khó, tia nước tiểu yếu, rặn khởi động, tiểu ngắt quãng) hoặc các triệu chứng kích thích (tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu đêm hoặc nước tiểu nhỏ giọt khi tiểu xong).
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào có tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt đều biểu hiện triệu chứng.
Tuyến tiền liệt là một cơ quan hình hạt đậu nằm bên dưới cổ bàng quang và bao bọc đoạn đầu niệu đạo hay đường tiểu của nam giới.
Tuyến tiền liệt thường sẽ tăng kích thước sau 40 tuổi và đa phần là tăng sinh lành tính (trước đây còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt…). Tuy nhiên, tình trạng tăng sinh này có thể gây tắc nghẽn đường tiểu dưới của người bệnh.
Theo BSCKI Phó Minh Tín, mỗi năm phòng khám Tiết niệu BV ĐHYD TP HCM. tiếp nhận khoảng 8.000 người bệnh đến khám vì triệu chứng đường tiểu dưới do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt.
Trường hợp phát hiện bệnh do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, mục tiêu điều trị là làm giảm nhanh triệu chứng lâm sàng, tránh các biến chứng cần phải phẫu thuật và cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách sử dụng thuốc điều trị ít gây ra các tác dụng phụ đến chức năng tim mạch, tình dục của người bệnh.
Đối với người bệnh có triệu chứng đường tiểu dưới mức độ nhẹ, không cần dùng thuốc mà chỉ cần điều chỉnh lối sống và đánh giá lại sự thay đổi của triệu chứng mỗi 3 - 6 tháng.
Nếu người bệnh có triệu chứng đường tiểu mức độ trung bình trở lên, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nên được điều trị bằng thuốc.
Trường hợp điều trị thuốc không hiệu quả hoặc người bệnh đã có các biến chứng của tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (bí tiểu cấp tái đi tái lại, tiểu máu, nhiễm khuẩn niệu, sỏi bàng quang, túi thừa bàng quang, suy thận ngược dòng) thì cần được phẫu thuật ngay.
Người bệnh có thể được chỉ định cắt tuyến tiền liệt nội soi qua ngả niệu đạo bằng điện đơn cực, lưỡng cực hoặc laser… Dựa trên tình trạng của từng người bệnh, Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Bài tập tăng cường cơ vùng chậu giúp cải thiện triệu chứng tiểu rỉ. Các bài tập liên tục co và thả lỏng các cơ vùng chậu làm cơ vùng chậu khỏe hơn, giúp cho việc nâng đỡ bàng quang và đóng cơ thắt tốt hơn.
Ngoài ra, người bệnh có thể cải thiện triệu chứng bằng các biện pháp thay đổi lối sống như hạn chế sử dụng các chất kích thích, hạn chế uống nước trước khi ngủ, chỉ uống một lượng nhỏ nước nhiều lần trong ngày thay vì uống nhiều nước để tránh làm tăng đột ngột dung tích nước tiểu trong bàng quang…
(Nguồn: SKĐS)