Vì mẹ chồng ở có một mình, đất quê lại đang được giá nên chúng tôi bảo mẹ bán nhà đi, chuyển sang nhà khác nhỏ hơn để ở cho đỡ... phí của.
Vận động mãi mẹ mới chịu bán. Căn nhà được trả 2 tỷ đồng, bà dùng một phần tiền mua mảnh đất nhỏ rồi dựng một căn nhà sống tạm bợ qua ngày.
Từ ngày biết mẹ có tiền, các con "đổi tính'', rất chịu khó về quê gần gũi bà, hòng mong được chia số tiền nhiều hơn. Cũng chẳng để các con đợi lâu, mẹ lần lượt gọi chúng tôi về để cho tiền.
Bữa trước chú hai và chú út mua nhà, bà đều cho mỗi người 500 triệu đồng. Đến lượt vợ chồng tôi, tôi cũng nghĩ rằng mẹ chồng cho như thế, hoặc phải hơn vì chồng tôi là con trưởng. Sau này, khi bà không còn sức lao động nữa thì vợ chồng tôi phụng dưỡng bà là chính và sẽ lo luôn phần hương hoả tổ tiên.
Chồng thì nói tôi: “Mẹ cho bao nhiêu thì biết vậy chứ em cứ mong ngóng làm gì nhỉ? Sau này mẹ già yếu không làm lụng được nữa, không phải nhờ đến mình đã là tốt rồi. Mình còn trẻ khỏe tự kiếm được tiền, trông chờ gì ở đó?". Tuy nhiên tôi vẫn không nguôi hi vọng vì mẹ chồng cho 2 em chồng nhiều thế cơ mà!
Ấy vậy mà tuần trước khi gọi vợ chồng tôi về, mẹ chồng chỉ mở tủ cho 200 triệu đồng. Bà bảo sau này có sẽ cho thêm. Tôi hậm hực cả buổi hôm đó. Mẹ chồng đúng là thiên vị. 200 triệu thì thấm tháp gì? Bữa trước hi vọng mẹ chồng cho nhiều, tôi đã quyết mua căn nhà khang trang giá hơn 2 tỷ, vượt quá tầm chi trả của chúng tôi. Ai ngờ...
Buổi chiều lên Hà Nội tôi chẳng thèm chào mẹ chồng, hậm hực bước lên xe. Tôi trách mẹ chồng thiên vị, bất công; bà không biết đứa nào sau mình nhờ vả nhiều mà quan tâm.
Chồng thì trách tôi tham lam, ích kỷ và bất hiếu. Thế là vợ chồng tôi chiến tranh lạnh khoảng 1 tuần. Trong khoảng thời gian đó, tôi cũng hay suy nghĩ và thấy hơi áy náy. Tôi thấy mình xốc nổi quá, có khi tôi cư xử khéo léo thì mẹ chồng lại cho thêm thì sao?
Thế là hôm qua, tôi quyết định bắt xe về quê. Tôi không nói trước với chồng và cả mẹ chồng. Tôi định tạo bất ngờ để bà vui.
Xe dừng ở đầu ngõ cũng đã là 1 giờ trưa. Thời tiết mùa hè oi ả lắm. Một mình tôi lững thững đi vào trong nhà. Tôi cất tiếng gọi mẹ chồng. Nghe tiếng tôi, bà đon đả từ dưới bếp chạy ra: “Ô, Thảo về đấy à con. Không báo với mẹ, mẹ làm cơm. Chắc chưa ăn uống gì phải không. Đợi mẹ chạy ù ra đầu ngõ mua thức ăn về mẹ nấu cho. Con lên nhà nghỉ ngơi đi”.
Nói xong mẹ chồng cắp nón đi luôn. Tôi cứ nghĩ bà đang lúi húi làm gì ở bếp nên xuống xem thử. Hoá ra bà đang ăn trưa. Nhìn mâm cơm mà tôi không khỏi chạnh lòng, nghẹn ngào. Bữa ăn đạm bạc chỉ có vài miếng cà muối, một bát mắm tôm và 2 bìa đậu phụ.
Nhìn mâm cơm mẹ chồng đang dọn mà tôi không khỏi nghẹn ngào. (Ảnh minh họa) |
Mẹ chồng đi chợ về xách theo cân thịt bò. Tôi không cầm được lòng, hỏi bà: “Mẹ ăn uống thế này thì làm gì có chất?”. Bà cười thật thà: “Thế mà ăn bao năm vẫn khoẻ có sao đâu?”.
Rồi bà nói tiếp: “Thú thực với con, nhà nuôi 3 thằng con trai ăn học, đâu phải chuyện dễ. Giờ còn lo nhà cửa cho chúng mày. Mẹ không ăn dè xẻn thì lấy đâu của mà cho. Mẹ có phải ông to bà lớn gì đâu mà hắt hơi ra tiền. Hai thằng em àm được cái nhà thì nợ đầm đìa. Chủ nợ còn theo cả về đây, làm mẹ thì con biết đấy, chẳng làm ngơ được. Có chúng mày làm ăn được thì mẹ mới yên tâm 1 tí...”.
Tôi chợt nghĩ lại, lần nào chúng tôi về quê, mẹ cũng làm những mâm cơm đầy đặn, thức ăn đề huề. Mỗi bữa ăn ấy cũng cả mấy trăm ngàn chứ ít gì. Không muốn chúng tôi lo lắng nhiều nên bà luôn miệng nhắc “Các con ăn đi, mẹ ở quê đồ rẻ nên ăn uống liên tục...”.
Đang suy nghĩ miên man, tôi bất giác giật mình trở về thực tại. Thấy mẹ chồng hì hục làm thịt bò, tôi vội vàng ngăn lại: “Thôi mẹ để đó, tối ăn. Lâu lâu không ăn cà muối, con đang thèm đây”. Nói xong, tôi nhanh nhảu cầm bát ra âu múc thêm vài quả cà. Thế là bữa đó, mẹ chồng - nàng dâu mới ngồi ăn với nhau, bữa ăn đạm bạc nhất từ ngày tôi về đây, song tôi lại thấy ngon vô cùng.
Về Hà Nội, tôi quyết định sẽ đem 200 triệu đồng trả cho mẹ chồng. Tiền đó để bà dưỡng già, không cần phải làm lụng vất vả hay chi tiêu chắt bóp nữa. Chồng tôi bất ngờ lắm, hỏi tôi lý do nhưng tôi không nói. Nhưng tôi biết anh cũng vui với quyết định này.