Lĩnh vực ghép tạng Việt Nam đạt được sự tiến bộ vượt bậc
Theo người đứng đầu Chính phủ, hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, hàng nghìn người đã được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp.
Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới từ thế kỷ 20. Thủ tướng đánh giá hơn 30 năm qua, lĩnh vực ghép tạng Việt Nam đạt được sự tiến bộ vượt bậc.
“Mặc dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước và tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với một số quốc gia phát triển, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là điều “rất tự hào”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "đăng ký hiến tạng cứu người là tình yêu, nghĩa cử cao đẹp nhất". Ảnh: VGP
|
Nhắc lại những thành tựu nổi bật, ấn tượng của lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam, Thủ tướng đánh giá đây là minh chứng rõ nét của tình thương, lòng nhân ái.
Lấy dẫn chứng từ việc hồi tháng 4, khoảng 120 thầy thuốc của nhiều bệnh viện với tinh thần khẩn trương, phối hợp nhịp nhàng, đã kịp thời lấy tạng từ người cho chết não ở Quảng Ninh vận chuyển tới nhiều trung tâm trong cả nước để ghép tạng cứu 7 người, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh "đây là điểm sáng, là niềm tự hào, minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc, thể hiện trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu sắc, kinh nghiệm phong phú của chuyên ngành ghép tạng nói riêng và y học Việt Nam nói chung".
Vẫn còn những lo toan, băn khoăn, trăn trở
Bên cạnh thành tựu đáng trân trọng, Thủ tướng cho rằng vẫn còn những lo toan, băn khoăn, trăn trở, khi số lượng ca ghép tạng chưa đáp ứng nhu cầu được ghép tạng của nhân dân.
Ở nước ta, hơn 94% tạng ghép là từ nguồn hiến sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe người hiến. Trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ hiến tạng từ nguồn hiến sống chỉ từ 10-50%; tỷ lệ này ở một số nước có nền văn hóa tương đồng như Việt Nam như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc là từ 20-60%, thấp hơn nhiều so với nước ta. Người chết não đăng ký hiến tạng còn rất thấp.
Thủ tướng đánh giá khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn tạng hiến “chưa được nhiều”; việc huy động nguồn nhân lực và cơ chế chính sách liên quan người cho và người nhận tạng còn những hạn chế, bất cập cần điều chỉnh bởi “đây là chính sách cần phải ưu tiên”…
Phát huy truyền thống "tương thân tương ái" tốt đẹp của dân tộc ta; với mong muốn nhận thức và tinh thần hiến tạng cứu người tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong xã hội, Thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần mở lòng nhân ái, lan tỏa yêu thương, thắp sáng niềm tin, tiếp nối hi vọng, gieo mầm sự sống. Đó là tình yêu, nghĩa cử cao đẹp nhất vì “cho đi là còn mãi”.
Tại chương trình, Thủ tướng cho biết cá nhân ông cùng gia đình đăng ký hiến mô tạng để góp phần tạo phong trào, xu thế đăng ký hiến mô, tạng trên cả nước.
Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam trao cho Thủ tướng thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng. Ảnh: VGP
|
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết từ ca ghép thận thành công đầu tiên vào năm 1992, đến nay, sau hơn 30 năm, nước ta đã thực hiện được hơn 8.600 ca ghép tạng. Riêng trong hai năm 2022 và 2023, mỗi năm nước ta ghép hơn 1.000 ca, trở thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay, trên toàn quốc đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công; ghép được hầu hết các tạng trên người như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy… Dù số lượng ca ghép ngày càng tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người bệnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cả nước hiện có hơn 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chiếm 0,086% dân số. Tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết tại Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.