Nhiều người trong số chúng ta vẫn có thói quen dùng tăm bông để ngoáy tai, nhất là sau mỗi lần tắm gội. Hầu hết mọi người sẽ hài lòng vì cảm thấy tai sạch sẽ và thính giác tốt hơn sau khi làm việc này. Tuy nhiên, họ lại không biết rằng việc làm sạch này vô cùng nguy hiểm.
Mới đây một người phụ nữ Úc suýt tử vong vì nhiễm trùng não sau khi dùng tăm bông để làm sạch tai. Theo đó, Jasmine Small, 38 tuổi, sống tại Úc, cho biết: Trong nhiều tháng, cô không thể nghe được gì từ bên tai trái. Cô cũng bị đau mỗi khi ngoáy tai và thường thấy tai bị chảy dịch màu nâu, có mùi hôi, thậm chí có lần lẫn cả máu. Khi đi khám, bác sĩ chỉ định cho cô uống thuốc kháng sinh, nhưng do không hiệu quả nên cuối cùng cô được chuyển đến gặp chuyên gia tai mũi họng để tiến hành chụp CT.
Tại đây, bác sĩ đã phát hiện ra bệnh nhiễm trùng sâu bên trong tai cô, đáng lo ngại hơn, ổ nhiễm trùng này còn cực kì gần với não và nguyên nhân gây ra nó là do một sợi bông mỏng rơi ra từ bông ngoáy tai. Sau đó, cô Jasmine phải trải qua một cuộc phẫu thuật ngay lập tức với lời cảnh báo của bác sĩ: Nếu để thêm nữa thì có thể sẽ dẫn đến tử vong. Các bác sĩ tin rằng, sợi bông đã "trú ngụ" ở đó tới 5 năm.
Dùng tăm bông ngoáy tai vô cùng nguy hiểm thậm chí có thể gây tử vong. |
Cuộc phẫu thuật diễn ra thành công nhưng thật đáng buồn là thính giác của cô đã bị mất đi vĩnh viễn. Cô có 2 lựa chọn, một là phẫu thuật để thử khôi phục thính giác và hai là đeo máy trợ tính vĩnh viễn. Jasmine đã lựa chọn phẫu thuật bởi với cô: "Đeo máy trợ tính ở tuổi 38 có vẻ như sai sai".
Ngoài Jasmine Small, một người đàn ông 31 tuổi sống tại thành phố Coventry, nước Anh, cũng đã phải chiến đấu với bệnh nhiễm trùng não nguy hiểm chết người do dùng tăm bông để làm sạch tai.
Các bác sĩ tin rằng, một phần bông đã rơi lại tai của người đàn ông này trong 5 năm và khiến anh ta bị nhiễm vi khuẩn dẫn đến đau đớn tột độ. Cơn đau bắt đầu từ tai, sau đó lan đến xương ở đáy hộp sọ, trước khi lây nhiễm vào màng não. Sau một tuần, bệnh nhân được ra viện với chỉ định dùng thêm thuốc kháng sinh trong 2 tháng để hết hẳn nhiễm trùng. Và dĩ nhiên, từ đó không bao giờ anh ta dùng tăm bông để ngoáy tai.
Liên quan tới vấn đề này, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian gần đây số bệnh nhân đến khám và nhập viện do bị viêm tai ngoài gia tăng đột biến. Qua quá trình thăm khám, các bác sĩ nhận định đa số người bệnh bị viêm tai do vệ sinh tai không đúng cách.
Điển hình như trường hợp chị Nguyễn Thị H., nhập viện trong tình trạng đau nhức tai dữ dội, thậm chí còn có biểu hiện sốt và khó nghe. Khi đến viện, các bác sĩ chẩn đoán chị H. đã bị viêm ống tai ngoài và trong ống tai có mủ, bị bội nhiễm. Được biết, trước đó bệnh nhân H. thường có thói quen sử dụng tăm bông để ngoáy tai hàng ngày, nhất là sau khi tắm xong. Theo các bác sĩ, chính việc sử dụng tăm bông sai cách khiến chị H. bị viêm tai.
Một trường hợp khác cũng phải nhập viện điều trị do viêm ống tai ngoài, lý do là thường xuyên đi bơi, khiến nước vào tai và dẫn đến nhiễm trùng. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị D, 30 tuổi, TP.HCM.
Chị chia sẻ, do thời gian gần đây thời tiết quá nóng nên chị thường xuyên ghé hồ bơi gần nhà để thư giãn, khoảng 3 lần/ tuần. Thời gian đầu chị D. thấy ngứa tai gây khó chịu. Chị không đi khám mà tự chăm sóc bằng cách dùng tăm bông để vệ sinh nhưng tình trạng không thuyên giảm, thậm chí nặng hơn. Chị quyết định đến khám tại bệnh viện.
Nói tới tác hại khi dùng tăm bông ngoáy tai, các bác sỹ ở Anh đã tiến hành một thí nghiệm, họ đưa tăm bông vào một bên tai có ráy và đặt thiết bị để theo dõi. Kết quả cho thấy, chỉ một phần nhỏ ráy tai bám vào tăm bông, còn một phần ráy tai khác lại bị đẩy theo ống tai về phía màng nhĩ do tác động từ tay.
Nếu ráy tai nhiều và thành một cục lớn, khi bị đẩy về màng nhĩ, nó sẽ ép lên bề mặt của màng nhĩ, khiến màng nhĩ không thể rung động tự do và do đó gây ra vấn đề về thính lực. Từ thí nghiệm này, các bác sĩ cảnh báo rằng không nên dùng tăm bông để ngoáy tai vì thực tế nó không có tác dụng nhiều mà còn khiến cho ráy tai chui tọt vào trong.
Thông tin thêm về vấn đề này, Bệnh viện Đại học Oxford cũng cho biết, mọi người không nên tự ý làm sạch tai của mình. Các chuyên gia giả thích: "Những mảng bám trong tai có kết cấu như một băng chuyền. Nó di chuyển dọc theo ống tai của bạn cho đến màng nhĩ. Nếu dùng que bông hoặc bất cứ vật dụng khác để làm sạch tai có thể phá vỡ hệ thống làm sạch tự nhiên của đôi tai.
Nếu ống tai bị che kín bởi ráy tai, cản trở thính lực hoặc gây ra hiện tượng đau nhức, hãy đến gặp bác sỹ. Chỉ những người có chuyên môn mới có thể thực hiện các thủ thuật làm sạch ống tai đúng cách và không gây tổn thương cho tai. Vì thế không nên tiếp tục dùng tăm bông ngoáy tai. Nếu cảm thấy khó chịu trong tai có thể đến gặp dược sĩ để lấy thuốc nhỏ tai để làm mềm sáp hoặc gặp bác sĩ để làm sạch tai.