Ăn quá nóng
Thực quản là một trong những “cửa ngõ” đầu tiên của đường tiêu hóa, có lớp niêm mạc mềm, đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ thức ăn nóng trên 60 độ C. Tuy chúng ta không có nhiều cảm giác khó chịu khi ăn thực phẩm nóng nhưng nếu lặp đi lặp lại nhiều lần có thể làm bỏng thực quản, tổn thương niêm mạc. Loét thực quản kéo dài làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản.. Các tế bào ở thực quản thay đổi nhiều và bắt đầu trở nên giống các tế bào ở dạ dày, đây là tổn thương tiền ung thư và có thể phát triển thành bệnh ung thư biểu mô tuyến của thực quản.
Ảnh minh họa. |
Ăn "chung đụng"
Thói quen ăn uống "chung đụng" như chấm chung một chén mắm, uống chung ly rượu hay gắp chung đôi đũa... của người Việt khiến vi khuẩn HP dễ lây lan gây viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết nhiễm HP (Helicobacter Pylori) là một trong các nhiễm khuẩn thường gặp ở người. Theo tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Tiêu hóa thế giới năm 2010, tỷ lệ nhiễm HP trung bình toàn cầu là 50%. Ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, tỷ lệ nhiễm ở người trưởng thành lên đến 70%. Đến 90% bệnh nhân viêm dạ dày có sự hiện diện của khuẩn HP. Tỷ lệ này ở nhóm loét dạ dày - tá tràng là 75 đến 85%, từ 80 đến 95% bệnh nhân bị biến chứng thủng do loét dạ dày - tá tràng.
Tại Việt Nam tỷ lệ viêm loét dạ dày - tá tràng ngày càng gia tăng, đứng đầu trong các bệnh đường tiêu hóa. Thủ phạm chính gây bệnh là HP, vi khuẩn này cũng được xếp vào nhóm đầu gây ung thư dạ dày. Hiện nay, ung thư dạ dày đứng hàng thứ hai trong 10 loại ung thư nguy hiểm thường gặp nhất ở nước ta.
Các nghiên cứu y khoa chỉ ra vi khuẩn HP có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh, lan truyền sang người lành chủ yếu thông qua đường ăn uống, nước bọt, phân, dịch tiêu hóa... Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhiễm HP trong cộng đồng nước ta cao là do thói quen ăn uống “chung đụng”, chấm chung một chén, dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác, nhấp môi chung một ly khi uống rượu. Đây là con đường để HP xâm nhập vào cơ thể nhanh nhất. Bên cạnh đó, sở thích ăn uống ở hàng quán vỉa hè kém vệ sinh càng làm tăng nguy cơ nhiễm HP và cả viêm gan siêu vi A.
Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên tập thói quen giữ vệ sinh cá nhân, tránh ăn chung đụng. Nếu có điều kiện, nên dùng phần ăn riêng, nhất là nước chấm. Nếu món ăn bắt buộc phải dùng chung, nên để vào đó một chiếc muỗng sạch và quy ước là dùng chung. Khi gắp đồ ăn, tránh để đũa chạm vào những phần thực phẩm còn lại, gắp nhanh và dứt khoát, không khua khoắng. Không nên dùng chung ly uống nước hoặc rượu để đảm bảo vệ sinh cho mình và người khác. Tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, không liếm nước bọt khi đếm tiền, lật giấy. Hạn chế ăn uống ở hàng quán, vỉa hè..
Ăn ít chất xơ – Ung thư ruột
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra ung thư ruột có liên hệ với thói quen ăn các món nướng, sử dụng thức ăn nhanh, nhiều chất béo và thịt đỏ, ít chất xơ. Thời gian dài tiêu thụ thịt đỏ, thịt gia súc, thịt lợn, thịt cừu, nội tạng động vật các các thực phẩm cholesterol cao sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư đại – trực tràng.
Chất xơ có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư đại – trực tràng. Ở một số nước phương Tây, sau khi khuyến cáo người dân ăn 500g rau quả mỗi ngày, tỉ lệ bệnh đã giảm xuống đáng kể. Chất xơ được xếp vào nhóm dinh dưỡng không cung cấp năng lượng, không hấp thu vào máu. Khi vào ruột, chất xơ kích thích nhu động ruột co bóp, giúp phòng táo bón, tống các chất gây ung thư và vi khuẩn có hại ra ngoài. Ngoài ra chất xơ cũng ngăn cản hấp thu các chất béo độc hại.
Mời quý độc giả xem video 7 thực phẩm càng ăn nhiều càng tốt (nguồn Youtube):