Ảnh minh họa. |
Việc Hà Nội phải dỡ bỏ dải phân cách cứng sau gần 4 năm gây bao tai nạn và bức xúc cho người dân đã tạm nguôi đi vì dù muộn thì cuối cùng cũng đã phải tháo bỏ. Khổ nỗi, người có trách nhiệm trong vụ này lại cho rằng việc dỡ bỏ là do ý thức tham gia giao thông của người dân đã được nâng cao. Một lý do hết sức chủ quan và hoàn toàn không chính xác. Trong khi đáng lẽ ra phải thẳng thắn thừa nhận đây là một thất bại.
Có lẽ 24 tỷ đồng không phải là một con số nhỏ nên nếu nhận đây là thất bại thì tức là thừa nhận số tiền này đã bị lãng phí. Và phải có người đứng ra chịu trách nhiệm về sự lãng phí này. Còn nếu không nhận, rồi chạy chọt, xin xỏ và được bỏ qua thì đỡ phải chịu trách nhiệm, đỡ phải đền bù... Thế nên tội gì mà nhận đó là sai lầm!
Thế mới biết cái sự thừa nhận thất bại là vô cùng khó khăn và cũng rất trừu tượng. Kể cả một sự việc mà người dân nào cũng thấy là bất hợp lý và không hiệu quả như cái dải phân cách cứng kia, vậy người phải chịu trách nhiệm lại có thể lờ những phản hồi đó đi mà kết luận rất mù mờ rằng ý thức tốt lên. Thì không hiểu còn việc gì mà họ không biến báo để hợp thức hóa những khoản chi lãng phí. Không hiểu rồi đây sự việc này sẽ được xử lý như thế nào. Có thể sẽ bị quên đi, cũng hóa thành bùn cả.
Thừa nhận thất bại để rút kinh nghiệm, để lần sau đừng mắc lại sai lầm đó nữa. Nhưng nếu người ta cố tình không nhận đó là thất bại thì cũng có nghĩa là cái điều đó có nguy cơ sẽ còn lặp lại.
Tôi nghĩ, cần phải có cơ chế buộc người làm sai phải thừa nhận, phải chịu trách nhiệm về thất bại của mình. Chứ không thể để người ta có thể dễ dàng biến báo một việc thất bại thành một thứ thành công mơ hồ được. Tại sao một sự thật rành rành ra đó ai cũng nhận ra, mà anh lại có thể thản nhiên lờ đi, thản nhiên nói thất bại là thành công được? Phải có những quy định, phải có gì đó buộc anh không thể muốn nói thế nào thì nói được, chứ không thể cứ trông chờ vào lương tâm là thứ vô cùng mong manh và ngày càng hiếm hoi.