PGS. TS. Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; TS. Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam; PGS. TS. Lê Thị Thúy – Viện trưởng Viện KH&KT Chăn nuôi, Hội Chăn nuôi Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.
Quang cảnh hội thảo. |
Tham dự hội thảo đại diện Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Khoa học Công nghệ Tp. Hà Nội; các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi Chăn nuôi Việt Nam; đại diện văn phòng, các ban chuyên môn Liên hiệp Hội Việt Nam; đại diện Ban Chấp hành và hội viên của Hội Chăn nuôi Việt Nam. Hội thảo được diễn ra theo hình thức trực tiếp đồng thời có ba điểm cầu trực tuyến tại Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Thừa Thiên Huế với sự tham dự của đại diện Hội Chăn nuôi và Thú ý các tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam nhận định, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, tỷ lệ hộ nông dân và hộ gia đình làm trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 70% dân số Việt Nam, do đó sản xuất nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội ở nước ta. Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi đã phát triển rất mạnh cả về số lượng và quy mô, tuy nhiên việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong các nông hộ, việc thiếu quy hoạch nhất là tại các vùng đông dân cư gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi có nhiều dạng và gây ra những ảnh hưởng đến môi trường sống của con người, kể cả sức khỏe của gia súc, gia cầm, gây ra những nguy cơ về dịch bệnh. Do đó, cần phải có những nhìn nhận, đánh giá về sự ảnh hưởng của chất thải trong chăn nuôi với môi trường sống. Nông dân, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp giúp khắc phục vấn đề về môi trường trong chăn nuôi, nhiều giải pháp áp dụng các công nghệ mới. Tuy nhiên theo PGS. TS Phạm Ngọc Linh cần có những giải pháp đồng bộ hơn bao gồm nhận thức, quy hoạch, ứng dụng công nghệ để đáp ứng được các xu hướng sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện đường hướng phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
PGS. TS. Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. |
PGS. TS. Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay, đó chính là làm rõ thực trạng xử lý chất thải trong chăn nuôi cũng như kiến nghị, đề xuất các giải pháp phù hợp. PGS. TS. Phạm Ngọc Linh đề nghị hội thảo tập trung vào thực trạng ngành chăn nuôi Việt Nam, cũng như các giải pháp để giải quyết các vấn đề về môi trường trong chăn nuôi, thúc đẩy nền kinh tế bền vững.
Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận, đóng góp ý kiến của các đại biểu. Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng, chăn nuôi là một ngành quan trọng nhưng đồng thời cũng là một ngành dễ tổn thương bởi dịch bệnh, các tác nhân môi trường gây ra những thiệt hại cho người chăn nuôi, ngành chăn nuôi. Ô nhiễm môi trường do rác thải chăn nuôi mà ở địa phương nào cũng đang phải đối mặt.Trong bối cảnh hiện nay, để đưa chăn nuôi trở thành một ngành chính cần có nhiều giải pháp từ phía chính quyền, nhân dân và các nhà khoa học.
TS Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Liên hiệp Hội Việt Nam. |
Theo TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, xử lý chất thải trong chăn nuôi đã không còn là vấn đề của ngành nông nghiệp mà đã trở thành vấn đề mang tầm quốc gia. Theo TS. Nguyễn Xuân Dương, có 3 thử thách lớn của ngành chăn nuôi Việt Nam: kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát môi trường và kiểm soát thị trường. Chăn nuôi là sinh kế của hàng chục triệu hộ chăn nuôi, tuy nhiên việc đầu tư để xử lý các vấn đề về môi trường với nhiều hộ chăn nuôi vô cùng khó, do đó cần có những chính sách để hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ trong việc xử lý chất thải trong chăn nuôi. Xử lý chất thải chăn nuôi không chỉ là vấn đề của người làm chăn nuôi mà cần có sự chia sẻ của toàn xã hội, cần chủ động kiểm soát và chủ động xử lý để giảm áp lực cho môi trường. TS Nguyễn Xuân Dương đánh giá, Hội thảo Xử lý chất thải chăn nuôi, thực trạng và giải pháp có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội, kinh tế và nhân văn.
Tham luận tại hội thảo, PGS. TS. Bùi Hữu Đoàn đã nêu bật một số tồn tại và bất cập trong thực tiễn của việc quản lý chất thải chăn nuôi tại Việt Nam. Theo PGS. TS. Bùi Hữu Đoàn, hầu hết các nhà chăn nuôi mới chỉ chú ý đến xử lý chất thải chăn nuôi, trong khi đây mới chỉ là nội dung thứ ba trong quản lý chất thải, còn 2 nội dung quan trọng khác là quy hoạch, xây dựng chuồng trại tốt; vệ sinh tốt thì chưa được chú ý đúng mức. Sử dụng máy sàng tách phân thế hệ mới đang là một trong những giải pháp tốt, một mặt giảm tải các chất hữu cơ đổ vào các hầm biogas, mặt khác, sẽ thu được một lượng phân đáng kể để sản xuất phân bón hữu cơ, giảm ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập cho nông hộ.
TS. Nguyến Thế Hinh, Phó trưởng Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ nét về thực trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn thịt ở Việt Nam và chia sẻ một số kinh nghiệm xử lý môi trường từ các nước phát triển, đồng thời đề xuất một số nhóm giải pháp về chính sách, công nghệ. Với nhóm giải pháp chính sách, TS. Nguyến Thế Hinh cho rằng, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp trong thu gom, vận chuyển, sản xuất và kinh doanh phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi; chính sách khuyến khích người dân áp dụng công nghệ để xử lý nước thải chăn nuôi nhằm sử dụng nước thải chăn nuôi cho trồng trọt.
Đại biểu tham luận tại hội thảo |
Theo TS. Nguyễn Hữu Trà – Viện Khoa học và Kỹ thuật Chăn nuôi, Hội Chăn nuôi Việt Nam, việc xử lý chất thải chăn nuôi trong nông hộ ở vùng núi cao phía Bắc là vấn đề cần có sự nhìn nhận đúng đắn, bởi khác với nhiều quốc gia trên thế giới quy hoạch khu chăn nuôi tách biệt khu dân sinh, chăn nuôi tại Việt Nam hiện nhiều nơi theo mô hình chăn nuôi hộ gia đình. Chăn nuôi theo nông hộ mang tính tự cung tự cấp, còn tập quán thả rông. Các hộ sinh sống đầu nguồn suối, sông thuận lợi cho việc đưa chất thải đến hạ nguồn, tập quán chăn nuôi lạc hậu. Vùng núi cao chưa áp dụng được các công nghệ tiên tiến để xử lý chất thải chăn nuôi, cần áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật đơn giản và kinh nghiệm truyền thống để xử lý chất thải sẽ đem lại hiệu quả tốt, không nên hạn chế bất cứ công nghệ, giải pháp nào nếu công nghệ giải pháp đó phù hợp với thực tiễn.
Hội thảo được diễn ra theo hình thức trực tiếp đồng thời có ba điểm cầu trực tuyến tại Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Hội thảo nhận thêm nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp khác về: xử lý mùi trong chăn nuôi; quản lý chất thải chăn nuôi; phân bón hữu cơ trong nông nghiệp tuần hoàn; chất thải nhựa; xử lý quản lý đầu vào trong canh tác hữu cơ; thách thức của các hộ nghèo trong việc dùng phân hữu cơ; giải pháp xử lý chất thải cho các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, hộ nghèo; việc thực hiện Thông tư số 12/2021/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác....
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS. TS. Phạm Ngọc Linh đánh giá, đây là hội thảo có tính chuyên sâu về lĩnh vực chăn nuôi, tập trung nhiều về giải pháp kỹ thuật để xử lý chất thải chăn nuôi, tuy nhiên cần có những nghiên cứu sâu hơn. PGS. TS. Phạm Ngọc Linh đề nghị Ban Khoa học, công nghệ và môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam tiếp tục có những hoạt động nhằm có góc nhìn rộng hơn, sâu hơn về xử lý chất thải chăn nuôi nói riêng cũng như quản lý chất thải chăn nuôi nói chung, góp phần thực hiện các mục tiêu, chiến lược bảo vệ môi trường của quốc gia. Liên hiệp Hội Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ các hội ngành trong việc tham gia tiếng nói của giới trí thức khoa học công nghệ trong vấn đề tư vấn, phản biện, giám định xã hội các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có ngành chăn nuôi.