Nhận thư xác nhận mua vé thành công Nhung vui hơn mở cờ trong bụng, cô định bụng để một cặp vé để vợ chồng, con cái đi xem còn 1 cặp còn lại tặng bố mẹ chồng. Bình thường, cô thấy bố mẹ chồng rất thích xem đội tuyển Việt Nam, mấy trận vừa rồi, ông bà vừa xem ti vi vừa phàn nàn, ghen tị với những người được ra sân cổ vũ.
Vì thế, lúc nhận được vé dù đám bạn bè có chèo kéo, trả giá gấp 5, gấp 7 lần cô cũng không bán mà quyết tâm mang về tặng bố mẹ chồng. Nhung hí hửng nghĩ bố mẹ chồng sẽ cảm động lắm.
Mẹ chồng Nhung luôn kêu ca là Nhung lãng phí, quen thói thành phố. ẢNh: I.T |
Cả nhà đang trò chuyện vui vẻ, Nhung vừa chìa cặp vé ra nói biếu bố mẹ chồng, thì bà Na - mẹ chồng Nhung, nhảy dựng lên, quắc mắt, chỉ thẳng vào mặt con dâu nói gay gắt: “Trời ơi, cô đúng là đồ phụ nữ hoang phí, đua đòi, phá gia chi tử. Tiền đâu mà mua cặp vé cả triệu thế này, con cái thì ăn còn không có, bố mẹ ốm đau một đồng còn chẳng có đằng này lại lãng phí. Thôi cô cầm ra chợ đen có khi bán cũng được dăm triệu, chứ nhà quê như chúng tôi không dám đi xem mấy trò đấy đâu”.
Nghe xong câu nói của bà Na, Nhung cảm thấy quá bẽ bàng, lòng tốt của cô hoá ra lại bị mẹ chồng cho là lãng phí. Thậm chí bà còn đánh tiếng với cô rằng cô vô tâm bố mẹ chồng ốm mà cô không quan tâm. Càng nghĩ Nhung lại càng cảm thấy ấm ức.
Lâu nay ông bà sống với chú Tâm – em trai của Tuấn chồng cô. Vì Tuấn chưa lập gia đình, mà chú lại hay đi công tác nên gần như mọi chuyện trong nhà vợ chồng Nhung thường lo hết. Ngay cả chuyện bố mẹ chồng ốm đau thì cũng chỉ một tay cô lo lắng, đưa đi khám bệnh chứ có mấy khi để Tâm hay Tuấn phải lo lắng.
Bố mẹ đẻ Nhung thì ở quê xa, cô hầu như không chăm sóc được gì nên bao sự thương yêu, kính trọng cô giành cho bố mẹ chồng hết. Từ trước tới nay cô luôn nghĩ vậy, nhưng cứ nghe những gì mẹ chồng cô vừa nói thì cô lại tủi thân đến ứa nước mắt.
Đây không phải là lần đầu tiên bà ca thán Nhung, nói Nhung lãng phí. Lần trước, cả nhà tụ tập xem bóng đá, Nhung mua 1 kg mực khô, mua thêm con gà và két bia về nhà ông bà gọi thêm mấy người anh em sang ăn uống thì cũng bị mẹ chồng phàn nàn lãng phí, ca thán trước mặt anh em, bạn bè khiến vợ chồng Nhung xấu hổ vô cùng.
Nhung ôm "cục tức", nghẹn nào phàn nàn với chồng thì Quang – chồng Nhung cũng cao giọng: "Em đúng là đua đòi và chả hiểu biết gì. Ai bảo em tặng ông bà làm gì?. Ông bà có xem thì xem ở nhà thôi chứ ra sân đông đúc thế ai đi được. Em đem bán đi lấy tiền biếu ông bà còn hơn”. Nghe chồng nói vậy, Nhung lại như bị dội thêm một gáo nước lạnh.
Chưa hết, vừa nước mắt lưng tròng bước vào nhà, Nhung lại nghe mẹ chồng điện thoại cho ai đó, giọng oang oanh: “Ối giời cái Nhung á, nó có quan tâm gì tới thân già chúng tôi đâu. Chắc tuần này nó không về đâu, còn mải lo đi xem bóng với bánh. Đúng là thừa tiền, bố mẹ thì chả có một xu mà con dâu thì vứt tiền qua cửa sổ. Ngày xưa thằng Quang nhà tôi mà nghe tôi lấy con Hương ở xóm bên có phải giờ gần nhà, lại được mẹ vợ cho cơ ngơi to tướng".
Nhung uất tận óc. Ngay lập tức cô gọi cho đứa bạn thân bán luôn hai cặp vé trong một tích tắc. Số tiền 8 triệu đồng tiền chêch lệch được cô gửi tặng bố mẹ đẻ.
Nào ngờ, ngày hôm sau, mẹ chồng cô lại đòi vé để "bán" cho cháu họ vì nghe đâu cháu trả gấp 3 lần, bà kiếm hời được 2 triệu. Khi Nhung nói đã bán và tiêu hết tiền thì mẹ chồng cô dãy đành đạch, tiếp tục mắng chửi cô lãng phí, bất hiếu, lừa đảo vợ chồng già. Cặp vé đó đã biếu ông bà thì là của ông bà và đòi Nhung bồi thường tiền.
Dù chẳng đến mức không có 2-3 triệu nhưng Nhung nằng nặc không chịu đưa. Trong cơn bùng phát mâu thuẫn, Nhung có buột miệng nói: "Ông bà tham vừa thôi" và ngay lập tức, Quang cho Nhung cái tát trời giáng.
Cô uất ức gạt nước mắt, gói ghém đồ đạc, dự định bế con ra khỏi nhà nhưng bố mẹ chồng giằng lại, khiến con cô khóc ngằn ngặt. Nhung đành từ bỏ, nhốt mình trong phòng.
Nhung cảm thấy thế giới của mình sụp đổ. Chỉ vì cặp vé xem bóng đá mà gia đình cô đang đứng trước nguy cơ tan nát. Cô không thể sống tiếp với bố mẹ chồng vô lối như vậy và cũng thấy khó tha thứ cho người chồng đã đánh mình. Cô phải làm sao đây?