Ngày 30/6, tại hội thảo khoa học “Tiếp cận toàn diện quy trình xử lý đột quỵ”, do Bệnh viện Bạch Mai và Boehringer Ingelheim phối hợp tổ chức, PGS.TS Mai Duy Tôn- Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị đột quỵ.
Có hai dạng đột quỵ
Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não cấp tính. Có hai dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Tuy nhiên, trên thực tế, đột quỵ thiếu máu não là dạng đột quỵ thường gặp hơn. Cứ 3 bệnh nhân đột quỵ sẽ có 2 người đột quỵ thiếu máu não.
Người không kiểm soát được tăng huyết áp sẽ có nguy cơ tử vong vì đột quỵ. (Ảnh KT: minh họa) |
Đột quỵ thiếu máu não xảy ra khi có cục máu đông do mảng xơ vữa tại mạch máu não hoặc từ nơi khác theo dòng máu di chuyển đến não gây tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng mô não. Tế bào não thiếu oxy và dưỡng chất nên bị tổn thương, nếu để lâu tế bào sẽ chết.
Trong khi đó, đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu bị vỡ. Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ.
Tuy nhiên, PGS.TS Mai Duy Tôn cho rằng, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đến sớm tính từ lúc khởi phát triệu chứng chỉ chiếm khoảng 5%.
“Khi một bệnh nhân bị đột quỵ, người dân thường không có thói quen đưa đi cấp cứu. Ban đầu, thấy các triệu chứng nhẹ nên họ chủ quan, thường để bệnh nhân ở nhà hoặc dùng các bài thuốc truyền miệng, vì vậy nên đã bỏ qua cơ hội để điều trị tối ưu. Đến khi người bệnh có dấu hiệu nặng họ mới đưa đến viện thì đã qua giai đoạn "cửa sổ vàng" để điều trị tối ưu cho bệnh nhân đột quỵ. Những bệnh nhân đến muộn thì trong tình trạng rất nặng”- ông Mai Duy Tôn cho biết.
PGS.TS Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Bạch Mai trả lời phỏng vấn. |
PGS.TS Mai Duy Tôn khuyến cáo, khi một người có các biểu hiện méo miệng (biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng); yếu liệt tay chân (có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay, hai chân lên cao), ngôn ngữ bất thường (đề nghị bệnh nhân lặp lại cụm từ đơn giản xem họ có hiểu và lặp lại được không) cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân đột quỵ cần phải nhập viện càng sớm càng tốt để được đánh giá nhanh và điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân được đến phòng cấp cứu trong 3 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng và được chẩn đoán là đột quỵ do thiếu máu, thuốc tiêu sợi huyết (tan huyết khối) sử dụng đường tĩnh mạch sẽ được chỉ định khẩn cấp nhằm làm tan cục máu đông và giải phóng mạch máu bị tổn thương. Vì vậy, ghi nhớ thời điểm xuất hiện triệu chứng đột quỵ đầu tiên là quan trọng, giúp bác sĩ cấp cứu quyết định liệu pháp điều trị thích hợp.
Theo ông Mai Duy Tôn, đối với bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, thời gian qua Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên thực hiện các kỹ thuật điều trị tái tưới máu bằng thuốc; Đồng thời áp dụng, triển khai cho hầu hết các bệnh viện tuyến dưới, tuyến tỉnh và tuyến khu vực, giúp cho bệnh nhân đột quỵ ở vùng xa bệnh viện Bạch Mai có cơ hội điều trị. Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng triển khai và áp dụng các kỹ thuật về can thiệp nội mạch.
PGS.TS Vũ Đăng Lưu- Phó Giám đốc Trung tâm Điện quang Bạch Mai cho biết, việc can thiệp qua đường mạch máu sẽ giúp cho việc điều trị đối với bệnh nhân bị tắc những động mạch lớn mà sử dụng thuốc tiêu sợi huyết hiệu quả thấp hơn. Vì vậy biện pháp can thiệp nội mạch làm tái thông mạch nhanh hơn, đồng thời mở rộng cửa sổ thời gian điều trị có thể kéo dài 6 tiếng, thậm chí đến 24 tiếng sau khi đột quỵ.
“Với những phương pháp thăm khám hình ảnh hiện đại như chuyên sâu chụp thăm khám hình ảnh xác định điều trị tưới máu thì có thể cứu sống được bệnh nhân sau giai đoạn 6 tiếng. Khi mà chúng ta triển khai rộng rãi can thiệp điều trị tiêu huyết khối sẽ mở rộng được khoảng thời gian điều trị cho bệnh nhân, cứu sống được nhiều bệnh nhân”- ông Lưu nói./.