Chị Nguyễn Thu Thảo coi những lọ nước muối sinh lý là vật “bất ly thân”. Chị Thảo mới sinh con được 20 ngày cho nên rất nhiều người đến thăm. Sợ trẻ sơ sinh sức đề kháng yếu người đi vào đi ra thăm hỏi mỗi người bế ít có thể lây bệnh truyền nhiễm cho con. Cho nên, cứ khi có người đến chơi, chị lại nhỏ nước mũi, nhỏ mắt. Một ngày chị Thảo không nhớ nổi chị nhỏ mũi cho con bao nhiều lần.
Không chỉ chăm chỉ nhỏ mũi cho con để phòng bệnh khi có người tới chơi, chị Thảo còn tận dụng nước muối sinh lý nhỏ liên tục khi con có dấu hiệu hắt hơi nghẹt mũi. Bởi chị cho rằng, việc vệ sinh mũi cho con sạch sẽ có thể giúp tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh tật.
GS.TS Võ Thanh Quang, Giám đốc Bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương cho hay, nước muối sinh lý 0,9% hay nước muối biển là dung dịch có thể dùng để vệ sinh mũi họng hàng ngày. Trong nước muối sinh lý, muối biển có hàm lượng vi chất đồng, kẽm, mangan tốt cho niêm mạc mũi. Nước muối sinh lý có thể dùng súc miệng hàng ngày hoặc dùng để nhỏ mắt giúp trôi đi bụi bẩn…
Không nên lạm dụng nước muối sinh lý và nước muối biển, ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, theo GS. Quang cũng không nên quá lạm dụng nước muối sinh lý. Việc liên tục nhỏ nước mũi cho trẻ sơ sinh để phòng bệnh như trường hợp trên là không cần thiết. Dù nước muối sinh lý không phải là thuốc nhưng dùng sai cách (lạm dụng) cũng gây ra tác động ngược.
Theo cơ chế sinh lý mũi, họng luôn có một lượng dịch tự nhiên nhất định để bôi trơn niêm mạc. Đây cũng là hàng rào bảo vệ cho vi khuẩn bụi bẩn không thể xâm nhập vào cơ thể. Nhưng khi lạm dụng nước muối sinh lý có thể ảnh hưởng tới cơ chế tiết dịch tự nhiên mất đi lớp bảo vệ niêm mạc khiến cho trẻ rát mũi, kích ứng, chảy nước mũi thậm chí là khô mũi.
“Về bản chất, nước muối sinh lý không gây hại cho cơ thể. Khi nói tới từ sinh lý đó là sự tự nhiên của cơ thể, ví dụ trong nước mắt, trong máu cũng có một lượng muối nhất định (muối sinh lý). Trẻ sơ sinh có thể dùng nước muối sinh lý để phòng khô mắt và ngạt mũi. Khi trẻ khỏe mạnh thì không nên dùng lạm dụng”, Gs. Quang nói.
Nước muối biển và nước muối sinh lý được dùng tốt nhất cho trẻ nhỏ khi bị viêm mũi, ngạt mũi và chảy nước mũi nhiều. Sau khi rửa giúp thông thoáng đường thở cho trẻ. Trẻ nhỏ người lớn sau khi đi đường (khói bụi, bẩn) về cũng nên nhỏ nước mũi.
Khi cha mẹ chăm con thấy con hắt hơi cũng không phải quá lo lắng hắt hơi là cách để tốt vi khuẩn ra bên ngoài.
Tuyệt đối không dùng bơm tiêm rửa mũi
Trẻ gặp phải các vấn đề viêm đường hô hấp trên việc rửa mũi sẽ giúp trẻ nhanh chóng khỏi. Nhưng khi rửa mũi cần phải làm đúng cách.
Gs. Quang khuyến cáo: “Tuyệt đối không dùng bơm tiêm để xịt rửa mũi cho trẻ. Vì mũi, tai, mắt của trẻ thông nhau khi xịt với áp lực quá lớn có thể đưa vi khuẩn từ mũi lên tai gây ra tình trạng viêm tai giữa. Nguyên nhân là do vòi nhỉ của trẻ rất ngắn dễ bị mở ra khi chịu áp lực lớn”.