Rạn san hô Great Barrier ở Australia bị tẩy trắng hàng loạt ngày 19/4/2018. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN. |
Ngày 13/9, nghị sĩ Scott Stewart đến từ bang Queensland cho biết việc lắp đặt các thiết bị công nghệ cao là một trong những biện pháp cần thiết để bảo vệ Great Barrier, một trong những vùng biển nguyên sơ nhất trên thế giới. Ông cho biết cơ quan an toàn sinh học bang Queensland sẽ phối hợp với giới chức cảng Queensland để triển khai các máy dò tìm trong vùng biển ở các cảng Cairns, Townsville, Mackay, Gladstone và Brisbane. Tất cả các cảng này đều nằm gần rạn san hô Great Barrier.
Cụ thể, các máy dò tìm sẽ được đưa xuống dưới bề mặt nước trong khoảng 2 tháng, sau đó các mẫu vật sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm để kiểm tra sự hiện diện của các loài sinh vật biển gây hại. Các chuyên gia hy vọng loại "mắt thần" này có thể phát hiện các loài gây hại cho môi trường sống dưới biển như vẹm xanh châu Á, vẹm sọc đen, vẹm châu Á, vẹm nâu, cua bùn Harris và rong biển Nhật Bản.
Bộ trưởng Bộ Phát triển Công nghiệp, Nông nghiệp và Thủy sản Australia, ông Mark Furner, cảnh báo sự xuất hiện của các loài sinh vật biển gây hại có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học biển, các ngành du lịch, đánh bắt cá, cũng như hoạt động của các cảng và bến du thuyền.
Great Barrier là quần thể san hô nằm ngoài khơi bờ biển bang Queensland, trải dài hơn 2.400 km, là quần thể san hô lớn nhất thế giới và là niềm tự hào của người dân Australia. Great Barrier nằm trong danh sách Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và mỗi năm thu về 3,5 tỷ AUD (hơn 2,5 tỷ USD) cho ngành du lịch Australia.