Sơ cứu co giật, bác sĩ nhi khuyên không nên đưa ngón tay vào miệng trẻ

Bác sĩ khẳng việc đưa ngón tay vào miệng của em bé bị co giật là cách xử lý sai lầm, không nên làm. 

BS Trương Hoàng Hưng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM năm 2000, sau đó làm nội trú Nhi khoa tại Đại học Y Dược TP HCM và Texas Tech University (TTU), hiện đang hành nghề BS Nhi khoa và BS giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ, cho biết hình ảnh anh CSCĐ đưa ngón tay vào miệng của em bé bị co giật mới đẹp và nhân văn làm sao, nhưng xin mọi người đừng bắt chước.
Cơn co giật toàn thể (grand-mal seizures) là một tình trạng co giật cơ tần suất cao và kéo dài. Khi co giật như vậy, người bệnh thường mất tri giác, ngừng hô hấp (các cơ hô hấp co giật liên tục hay co cứng nên phổi không giãn nở được), tăng tiết đàm nhớt đường hô hấp và không nuốt được gây sùi bọt mép, mắt trợn, tím tái.
Co giật như vầy cũng hay gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng tới 5 tuổi bị co giật do sốt cao lành tính, thường kéo dài dưới 5 phút, không để di chứng. Tuy nhiên nếu không xử trí đúng, có thể gây các biến chứng không nên có.
So cuu co giat, bac si nhi khuyen khong nen dua ngon tay vao mieng tre
 Hình ảnh đẹp nén đau để cháu bé cắn tay gây sốt - Ảnh: Tiến Tuấn
Làm gì khi một người bị co giật
- Bình tĩnh, chừa một không gian đủ lớn cho người co giật, giữ khoảng cách giữa mọi người xung quanh và người đang co giật. Người đang co giật mất tri giác, có thể gây tổn thương tới người xung quanh.
- Bảo đảm môi trường an toàn cho người co giật được co giật an toàn. Tránh xa vùng có nước, điện, thuỷ tinh, vật sắc nhọn, đồ dùng có thể ngã đổ gây chấn thương.
- Kê vật mềm dưới đầu người co giật để tránh chấn thương đầu trong lúc co giật.
- Nới lỏng quần áo quanh cổ, nữ trang, cravat nếu cần để không bị quấn chặt cổ gây nghẹt thở.
- Không cần đưa bất cứ vật gì vào miệng, không có tác dụng gì nhưng có nguy cơ tổn thương niêm mạc miệng, gãy răng gây hít sặc nhất là trẻ nhỏ còn răng sữa chưa ổn định.
- Ghi lại thời gian co giật nếu có thể.
- Khi bệnh nhân đã ngưng co giật, xoay bệnh nhân nằm nghiêng để làm thông thoáng đường thở, đàm nhớt sẽ chảy ra bên ngoài miệng tránh việc hít sặc nước bọt của chính mình. Khi trẻ con sặc sữa cũng nằm nghiêng là vì lý do này.
- Không đè chặt bệnh nhân, co giật cơ là tự phát không ý thức, đè chặt hay trói người bệnh không hề làm ngưng co giật mà sẽ gây chấn thương cho người co giật, tôi đã gặp người nhà cố sống cố chết đè người co giật làm bị té và chấn thương đầu.
- Sau khi người co giật tỉnh lại, đừng bỏ người ta một mình mà phải theo dõi xem đã hồi phục tri giác chưa, có yếu cơ hay liệt không, không cho ăn uống gì cho tới khi chắc chắn đã hồi phục. Giải thích cho người bị co giật chuyện gì đã xảy ra.
Nên gọi cấp cứu khi:
- Co giật lần đầu tiên.
- Co giật hơn 5 phút.
- Co giật hơn 1 lần, đợt này tiếp ngay sau đợt khác.
- Người co giật không tỉnh lại sau khi co giật đã chấm dứt.
- Nạn nhân bị chấn thương khi đang co giật.
Bàn chuyện đút ngón tay vào mồm khi co giật
Dân mình xem phim tàu thấy cắn lưỡi tự tử nhiều quá nên tưởng thiệt. Cho dù cắn đứt làm đôi cũng không chết, chỉ chết khi không chịu đi bệnh viện cầm máu thôi.
Co giật có gây cắn lưỡi không?
Có mà ít gặp và nhẹ, không gây tác hại gì. Một khảo sát trên 106 trẻ bị co giật thì có 8 trẻ cắn lưỡi, tất cả là vùng viền hai bên lưỡi.
Tại sao vậy?
Khi co giật không có ai thè lưỡi ra cả, mà thường thụt nhẹ vào. Thè lưỡi là hành động có ý thức, đang co giật trợn trắng cả ra làm sao mà thè lưỡi. Có lỡ cắn phải cũng chỉ là vùng viền thôi, giống như nhai vội tự cắn lưỡi mình thôi, chả sao cả.
Có một chi tiết rất thú vị trong khảo sát này là cắn lưỡi là một yếu tố phân biệt quan trọng giữa co giật và ngất (syncope), hễ có cắn lưỡi vùng viền hai bên luỡi gần như chắc chắn là co giật.
Co giật cũng không làm tuột lưỡi gây nghẹt thở như lời đồn.
Cố gắng chèn vật hay ngón tay vào giữa hàm răng người đang co giật là vô bổ vì không có tác dụng gì, mà sẽ gây chấn thương rách niêm mạc miệng, gãy răng, gây hít sặc vào phổi, chấn thương ngón tay, tăng nguy cơ nhiễm bệnh qua lại giữa người bị co giật và người cấp cứu.
BS Nhi Khoa Trương Hoàng Hưng
Phòng khám MD Kids Pediatric, Texas Hoa Kỳ

Giết con khi vắt chanh vào miệng khi trẻ sốt co giật

Có nhiều cha mẹ, cứ thấy con sốt co giật là vắt chanh vào họng, cho trẻ ngậm đầu đũa để con không cắn vào lưỡi, nhưng đã vô tình mang đến nguy hiểm cho con.

Bệnh viện Nhi đồng 1 đã từng tiếp nhận một bệnh nhi sốt co giật dẫn đến viêm phổi cấp, toàn bộ cơ thể tím tái. Nguyên nhân, do người nhà thấy con bị lên cơn co giật đã vắt chanh vào miệng để giảm bệnh cho trẻ.
Một trường hợp khác, đứa trẻ bị tắc đường thở, viêm phổi cấp do nuốt phải chiếc răng bị gãy. Để xảy ra điều nghiêm trọng thêm là vì người nhà thấy con sốt cao kèm co giật nên dùng đầu muỗng và đầu đũa cho vào miệng trẻ, để trẻ không bị nghiến rắng, cắn lưỡi. Nào ngờ, răng đứa trẻ bị gãy và mắc ở cuống họng làm nghẹt thở, viêm phổi cấp.

Cha mẹ cần biết rõ điều này sau khi trẻ bị sốt cao co giật

Chỉ vì những thông tin đồn đại mà nhiều cha mẹ đã mua thuốc chống động kinh cho con mình uống sau khi trẻ bị sốt cao kèm co giật.

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cần dừng ngay việc uống thuốc này bởi thuốc chống động kinh không có tác dụng dự phòng giúp việc ngăn ngừa trẻ lần sau sẽ tiếp tục bị sốt cao co giật, mặt khác, thuốc sẽ rất có hại cho hệ thần kinh của trẻ.
BS Dũng hướng dẫn, trẻ dù sốt nhưng vẫn có thể chịu chơi, có những trẻ đang nói chuyện, đang cười đùa nhưng tự nhiên xuất hiện co giật. Khi ấy, phụ huynh hãy bình tĩnh, đặt trẻ nằm nghiêng để nếu có đờm dãi sẽ chảy ra ngoài, tránh tình trạng đờm rãi rơi vào phổi dẫn tới tắc thở. Nới rộng quần áo cho trẻ, để yên một vài phút trẻ sẽ qua cơn co giật.

Đọc nhiều nhất

Tin mới

Lợi ích sức khoẻ tuyệt vời từ quả sung

Lợi ích sức khoẻ tuyệt vời từ quả sung

Trong Đông y, quả sung có tính bình, vị ngọt giúp kiện tỳ thanh tràng (kích thích tiêu hóa, làm sạch ruột), giải độc, tiêu thũng, thường được dùng để chữa các bệnh về tiêu hóa, kiết lỵ, viêm ruột, táo bón, trĩ.