Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 20.469 trường hợp nghi sởi, trong đó có 4.918 trường hợp dương tính với bệnh sởi và 5 ca tử vong liên quan đến sởi (gồm: 3 ca tại TP HCM, 1 ca tại Bến Tre và 1 ca tại Bình Dương).
So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi sởi cao hơn 52,9 lần và số ca dương tính với sởi cao hơn 111 lần. Một số địa phương có số ca nghi sởi và sởi dương tính cao như: TP HCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hoà, Thanh Hoá…
Gia tăng trẻ mắc sởi ở nhiều tỉnh, thành phố (ảnh minh họa/baogiaothong). |
Cùng với sởi, số ca mắc ho gà trên cả nước trong năm nay cũng tăng mạnh. Cụ thể, từ đầu năm đến nay ghi nhận 1.053 trường hợp mắc ho gà (cao hơn 23 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 1 ca tử vong.
Một số dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, bạch hầu… đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Về sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay ghi nhận 125.941 trường hợp, trong đó có 20 ca tử vong. So với cùng kỳ, số mắc giảm 19,8% và tử vong giảm 22 ca. Tương tự, cả nước có 72.453 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 55,9% so với cùng kỳ năm ngoái) và chưa có ca tử vong.
Đặc biệt, năm nay ghi nhận số ca tử vong do cúm mùa gia tăng. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, cả nước có 263.830 trường hợp mắc cúm mùa, trong đó có 8 ca tử vong (gồm: 4 ca tại Bình Định, 2 ca tại Hà Nội, 1 ca tại Khánh Hoà và 1 ca tại Phú Yên). So với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 9,5% nhưng số tử vong lại tăng 7 trường hợp.
Riêng đối với cúm gia cầm độc lực cao có 2 ca mắc cúm A (H5) tại hai tỉnh Khánh Hoà và Long An, trong đó có 1 ca tử vong; 1 ca mắc cúm A (H9N2) tại tỉnh Tiền Giang.
Nhận định về tình hình dịch bệnh hiện nay, Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm cơ bản vẫn được kiểm soát. Tuy nhiên, một số bệnh dự phòng vắc xin như: Sởi, ho gà… ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do tác động của đại dịch Covid-19 trong những năm trước đó đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em trên toàn thế giới, không đạt được mức độ bao phủ cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh sởi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Trong 5 năm qua, dịch sởi đã bùng phát ở 103 quốc gia, nguyên nhân chính là do tỷ lệ tiêm vắc xin thấp (chỉ đạt hoặc thấp hơn 80%, so với yêu cầu cần đạt 95%).
Còn tại Việt Nam, nguyên nhân gia tăng dịch sởi theo Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Lương Tâm là do chu kỳ dịch và tỷ lệ tiêm chủng thấp. Ngoài ra, nhiều trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi, trước tuổi có chỉ định tiêm vắc xin sởi.
ThS Đỗ Thị Thúy Hậu - điều dưỡng trưởng Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện.
Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người, thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây tử vong.
Hiện nay tiêm vắc xin là biện pháp phòng sởi an toàn nhất. Việc tiêm phòng bệnh sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng. Tiêm phòng muộn không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin để chủ động phòng bệnh cho trẻ.
Để phòng tránh bệnh sởi, Bộ Y tế cho biết thời gian qua các địa phương đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi theo kế hoạch.