Mới đây, SpaceX của tỷ phú Elon Musk tiếp tục gây tiếng vang toàn cầu khi hạ cánh thành công hệ thống đẩy Super Heavy - tầng đẩy khổng lồ của tên lửa Starship, bằng cách sử dụng "đũa phép" là cánh tay robot trên tháp phóng. Đây là một bước tiến mới đầy ấn tượng trong nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ chinh phục Mặt Trăng và Sao Hỏa của Elon Musk.
Mảnh ghép cốt lõi Super Heavy
Hệ thống đẩy Super Heavy là tầng đầu tiên của tên lửa Starship, được thiết kế để tái sử dụng hoàn toàn và nâng tầm khả năng vận chuyển hàng hóa và con người. Thành công trong việc hạ cánh bằng cánh tay robot không chỉ mang tính biểu tượng mà còn đặt nền móng cho công nghệ giúp giảm chi phí du hành vũ trụ.
Khoảnh khắc tên lửa đẩy Super Heavy quay trở lại được gắp bởi cánh tay robot mang tính biểu tượng của SpaceX. |
Vào 17h00 ngày 19/11, giờ Miền Đông nước Mỹ (22h00 theo giờ Việt Nam), tại bãi phóng Starbase (bang Texas), siêu tên lửa đẩy Starship cao 122 mét của SpaceX đã được phóng lên lần thứ sáu. Trong lần phóng này, kế hoạch tái hiện kỳ tích này đã không thành công do dữ liệu chuyến bay không đáp ứng yêu cầu. Thay vào đó, tầng đẩy Super Heavy đã phải hạ cánh an toàn xuống Vịnh Mexico.
Sự kiện này không làm giảm nhiệt huyết của SpaceX mà càng củng cố quyết tâm tiếp tục hoàn thiện công nghệ. SpaceX đang đặt mục tiêu biến việc tái sử dụng hệ thống này thành tiêu chuẩn, cho phép các chuyến bay diễn ra thường xuyên hơn với chi phí thấp hơn.
Super Heavy chỉ là tầng đẩy, nhưng sứ mệnh của SpaceX không dừng lại ở đó. Hiện SpaceX còn tập trung thử nghiệm tầng trên của Starship – tàu vũ trụ cao 50 mét, được thiết kế để tái sử dụng hoàn toàn. Trong chuyến bay thử nghiệm lần thứ sáu vừa diễn ra, lần đầu tiên Starship mang theo tải trọng đặc biệt: một quả chuối, tượng trưng cho tính linh hoạt và sáng tạo của các nhiệm vụ không gian.
Bên cạnh đó, tàu Starship còn thực hiện kích hoạt một trong sáu động cơ Raptor sau 38 phút bay, kiểm tra khả năng tái xâm nhập bầu khí quyển. SpaceX đã thử nghiệm tấm chắn nhiệt mới trên con tàu, giúp nó chịu được nhiệt độ cao khi trở lại Trái Đất. Những thay đổi này là minh chứng cho sự tiến bộ trong việc xây dựng một hệ thống vận chuyển không gian bền vững và hiệu quả.
Đột phá trong công nghệ tái sử dụng
SpaceX không ngừng cải tiến để tối ưu hóa quy trình hạ cánh và tái sử dụng. Hệ thống cánh tay robot, từng thành công trong việc bắt tầng đẩy Super Heavy, cũng đang được lên kế hoạch sử dụng để bắt tàu Starship khi nó trở về.
Các loại tên lửa phóng và tàu vũ trụ tái sử dụng chủ đạo SpaceX đang phát triển, hoàn thiện. |
Điều này không chỉ rút ngắn thời gian kiểm tra và bảo dưỡng giữa các lần phóng mà còn mở ra khả năng đưa tàu vào hoạt động nhanh chóng. Đây là một bước tiến quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu 25 lần phóng Starship vào năm 2025 và 100 lần phóng trong những năm tiếp theo.
Nhìn chung, mục tiêu của SpaceX là biến Starship thành một phương tiện vũ trụ tái sử dụng hoàn toàn, cho phép hạ cánh trên bệ phóng bằng cánh tay robot thay vì đáp xuống biển hay sa mạc. Điều này sẽ giúp giảm thiểu thời gian kiểm tra, bảo trì và tăng tốc độ chuẩn bị cho các chuyến bay tiếp theo.
Hiện thực hóa giấc mơ lớn của nhân loại
Starship không chỉ là giấc mơ của Elon Musk mà còn là hy vọng của cả nhân loại. SpaceX đã hợp tác với NASA trong chương trình Artemis, dự kiến sử dụng Starship làm tàu đổ bộ đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2026.
SpaceX không chỉ tập trung vào những tiến bộ công nghệ mà còn đặt mục tiêu lớn lao: Đưa nhân loại định cư trên Mặt Trăng và Sao Hỏa. Trong chương trình Artemis của NASA, Starship được chọn làm tàu đổ bộ có người lái đầu tiên, đưa các phi hành gia xuống bề mặt Mặt Trăng vào năm 2026.
Giấc mơ định cư trên sao Hỏa của Elon Musk cũng là giấc mơ chinh phục vũ trụ của cả nhân loại. |
Những chuyến bay thử nghiệm hiện tại là bàn đạp để SpaceX tiến gần hơn đến mục tiêu này. Elon Musk dự kiến sẽ gửi tàu Starship đến Sao Hỏa vào năm 2026, một cột mốc đánh dấu bước chuyển mình lớn của ngành hàng không vũ trụ. Những con số đầy tham vọng này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của SpaceX trong việc định hình tương lai không gian.
Mỗi chuyến bay của Starship đều mang ý nghĩa thử nghiệm và tiến bộ. Từ việc hoàn thiện tấm chắn nhiệt, tối ưu hóa quy trình hạ cánh đến việc tăng cường tải trọng, SpaceX đang biến từng thử nghiệm thành những bài học quý giá.
"Mỗi chuyến bay là một bước tiến gần hơn đến một siêu tên lửa Starship hoạt động hoàn chỉnh, nó sẽ đưa chúng ta vượt ra khỏi quỹ đạo Trái Đất và với những thành công mới trong mỗi lần phóng, Mặt Trăng và Sao Hỏa không còn xa trong tương lai". Kate Tice, Giám đốc Kỹ thuật SpaceX, khẳng định. Dự kiến, chuyến bay Starship đầu tiên đến Sao Hỏa có thể diễn ra vào năm 2026. Đó sẽ là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Những thành công ban đầu của Starship và Super Heavy không chỉ mở đường cho tham vọng chinh phục không gian mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho toàn nhân loại.
Mở ra cuộc đua tích cực
Có thể nói, chuyến bay thử nghiệm lần thứ sáu ngày 19/11 của SpaceX đánh dấu thêm một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ thống tên lửa Starship hoàn chỉnh. Từ những cải tiến công nghệ đến những kế hoạch đầy tham vọng, SpaceX đang thúc đẩy sự phát triển của công nghệ vũ trụ với tốc độ chưa từng có, SpaceX không chỉ mơ ước mà đang hiện thực hóa giấc mơ đưa con người chinh phục những hành tinh xa xôi.
Với hệ thống đẩy Super Heavy và tàu Starship, Elon Musk và SpaceX đang không ngừng viết nên chương mới trong lịch sử du hành vũ trụ, nơi giới hạn không còn là bầu khí quyển của Trái Đất. Super Heavy và Starship không chỉ mang tính biểu tượng cho công nghệ tái sử dụng mà còn là tiền đề cho những giấc mơ lớn hơn. Hệ thống này sẽ không chỉ đưa nhân loại lên Sao Hỏa mà còn hỗ trợ các nhiệm vụ khác, từ xây dựng chòm sao vệ tinh Starlink cho đến thực hiện các sứ mệnh nghiên cứu vũ trụ sâu.
Khởi nguồn từ Elon Musk với SpaceX, đến Jeff Bezos hay Richard Branson - những người được cho là đã khởi xướng phong trào đầu tư vào du lịch vũ trụ. Giờ đây, thế giới đã và đang chứng kiến hàng trăm công ty nhỏ cũng đang nhiệt huyết chế tạo tên lửa và thiết lập một nền kinh tế mới nơi quỹ đạo thấp.
Trong khi SpaceX có tầm nhìn rộng lớn, các cường quốc khác trên thế giới cũng không hề chịu kém cỏi trong các nỗ lực chinh phục vũ trụ. Trung Quốc, Nga, Ấn Độ v.v.. nhìn vào những thành tựu mà SpaceX đạt được họ cũng thật sự nghiêm túc đầu tư, nghiên cứu. Chính đều này đã tạo ra một cuộc đua tích cực theo nhiều nghĩa cho nhân loại.