Sau bữa cơm, mẹ chồng thở dài mà tôi chỉ biết coi như không thấy

Tôi biết chúng tôi về quê lần này những 10 ngày, tức là qua cả Tết, bố mẹ chồng ăn Tết chỉ 2 ông bà chắc hẳn sẽ buồn, song tôi không biết phải làm sao trong tình cảnh này.

Vì ở xa nên mấy năm liền, vợ chồng tôi không đón Tết ở nhà ngoại. Biết bố mẹ buồn, tôi cũng buồn nhưng chẳng còn cách nào khác. Năm đầu tiên mang bầu bé Bơ, tôi gọi điện, báo tin với mẹ rằng năm nay không về được rồi lại ôm gối khóc một mình trong phòng. Dù mẹ nhắc nhở, dặn dò đủ điều; bố mẹ chồng cũng dễ tính, thương con dâu nhưng nỗi buồn ăn Tết xa quê vẫn không thuyên giảm.

Sau đó thì dịch bệnh, con nhỏ, lần lữa cũng 5 năm rồi, tôi chưa về quê ăn Tết cùng bố mẹ mình lần nào. Năm nay tình hình ổn định hơn, tôi quyết chí sẽ về quê ăn Tết chứ không ở lại nhà chồng nữa. Thật không ngờ khi tôi nói ra điều này, không chỉ chồng tôi mà bố mẹ chồng cũng tán thành.

Mẹ chồng mua mấy thứ đồ tốt, đặc trưng gửi về biếu bố mẹ tôi. Chồng tôi còn quyết định xin nghỉ phép sớm để đưa tôi về quê ở được 10 ngày, bù đắp lại 5 năm qua. Còn niềm vui nào lớn lao hơn thế này nữa chứ.

Trưa nay, tôi thấy chồng chuẩn bị quà Tết cho bố mẹ vợ. Nhưng món quà lại hết sức đơn giản, chỉ là 1 lạng yến nguyên chất được gói lại cầu kì thôi.

Tôi trách chồng chuẩn bị quà cho nhà ngoại quá ít. Anh cười, bảo tôi cứ mở hộp ra xem rồi sẽ biết. Khi mở hộp quà ra, tôi ngẩn người khi thấy phong bì 20 triệu ở bên trong. Chồng tôi bảo nếu đưa thẳng trực tiếp, chỉ sợ bố mẹ sẽ khó xử mà anh cũng ngượng ngùng. Nên anh đưa gián tiếp như thế này với hi vọng bố mẹ sẽ nhận.

Biết cách ứng xử tinh tế của chồng, tôi cũng bật cười, thẹn thùng xin lỗi vì đã trách anh quá sớm khi chưa tìm hiểu rõ ràng. 

Ngày mai chúng tôi lên máy bay về quê ngoại rồi, nhưng lúc ăn cơm tối xong, tôi thấy mẹ chồng lén thở dài. Tôi biết chúng tôi về quê lần này những 10 ngày, tức là qua cả Tết, bố mẹ chồng ăn Tết chỉ 2 ông bà chắc hẳn sẽ buồn, song tôi không biết phải làm sao trong tình cảnh này, vì tôi thật sự muốn ở quê lâu một chút. Có cách nào để 2 bên đều vui vẻ không đây?

Sau lần về ăn Tết nhà vợ, chồng bỗng trở thành con người khác

Sau lần ăn Tết ở nhà ngoại, chồng có cái nhìn khác về tôi và cũng thức tỉnh chính bản thân mình.

Cách đây 2 năm, tôi lấy chồng. Những ngày đầu về nhà chồng còn bỡ ngỡ nên tôi rất lo lắng. Tôi liên tục dặn chồng nhắc nhở mình về thói quen của bố mẹ chồng để biết đường làm theo. Con dâu mới lúc nào cũng lo lắng không phải phép, không quán xuyến được mọi việc trong nhà.

Tính chồng tôi xuề xòa nên với anh không có việc gì là quá quan trọng. Lúc nào câu cửa miệng của anh cũng là “không sao đâu, bố mẹ anh dễ ấy mà”. Nói là vậy nhưng thân làm dâu, tôi luôn muốn hoàn thành trách nhiệm và làm thật tốt nhiệm vụ của mình.

Sau lan ve an Tet nha vo, chong bong tro thanh con nguoi khac

Ảnh: Khang Chu Long

30 Tết đầu tiên ở nhà chồng, tôi tất bật ngược xuôi đi mua bánh kẹo, hoa đào, mai ngày Tết để trang hoàng nhà cửa. Dù mẹ chồng không mấy hài lòng với cách trang trí của con dâu nhưng bà vẫn lặng im cho tôi làm. Xong xuôi, mẹ góp ý tôi phải thế này, phải thế kia. Lúc đó tôi hơi tủi thân nên rơm rớm nước mắt và bị chồng phát hiện.

Những ngày sau đó, dù là việc nhỏ anh cũng nhắc tôi phải làm sao để vừa lòng bố mẹ. Anh bắt đầu thấy mọi việc cần phải để tâm hơn.

Mùng 1 Tết, tôi là dâu mới nên phải đi chào hỏi họ hàng khá nhiều. Nói là nghỉ Tết nhưng tôi thấy mệt gấp nhiều lần những ngày đi làm. Tôi than thở một chút thì anh càu nhàu nói tôi tính tiểu thư.

Sang ngày mùng 2, một mình tôi chuẩn bị cỗ bàn trong bếp, cả nhà ngồi bên ngoài ăn uống chúc tụng khiến tôi chạnh lòng, muốn rơi nước mắt. Tiệc tùng xong xuôi, trời rét căm căm, tôi lại một mình rửa bát đến tê cứng bàn tay.

Tôi vào trong nhà run lẩy bẩy nhưng chồng không thông cảm còn bĩu môi trách móc. Bữa cơm hôm đó có rất nhiều món, tôi làm bằng cả tấm lòng nhưng không nhận được lời khen nào từ chồng và bố mẹ chồng.

Mùng 3 Tết, tôi được về nhà ngoại. Khỏi phải nói cũng biết tôi vui thế nào.

Năm đó ở nhà vợ, chồng nhận ra bố mẹ chiều chuộng tôi vô cùng. Tôi không phải động chân động tay vào mấy việc nhỏ trong nhà. Hơn cả, chị dâu tôi dù là dâu trưởng cũng không phải làm bất cứ việc gì.

Trước Tết, mẹ tôi đã lo chuẩn bị tất cả bánh kẹo, đồ dùng cần thiết trong nhà. Những thứ có thể đi mua được, mẹ tôi sẽ tự sắm hoặc nhờ cô giúp việc sắm trước đó. Những thứ cồng kềnh, anh trai tôi là người lo liệu.

Đến bữa cơm, cả nhà cùng nhau nấu nướng. Mẹ chồng, con dâu, con gái, con trai chung tay cùng chuẩn bị, chỉ có chồng tôi là ngồi uống nước bên ngoài. Xong xuôi, cả nhà cùng nhau ngồi ăn, nói chuyện rôm rả chứ không để ai ở lại trong bếp một mình.

Mẹ tôi còn ưu tiên con dâu không phải dọn dẹp vì có bộ móng tay đẹp. Anh trai thì nhanh nhẹn đeo bao tay rửa bát giúp vợ và mẹ cũng coi chuyện đó rất bình thường.

Năm đó chồng có vẻ ngạc nhiên về khung cảnh ăn Tết ở nhà vợ. Người chưa từng vào bếp nấu nướng như tôi lại trở thành đầu bếp chính ở nhà anh. Người chưa từng sắm sửa Tết trong gia đình như tôi lại trở thành nội trợ chính giúp mẹ chồng mọi việc từ A đến Z. Tuy có hơi vụng về nhưng đó là sự cố gắng hết sức của tôi.

Tôi tin, những hình ảnh về cái Tết gia đình ở quê ngoại năm trước khiến chồng phần nào chột dạ. Thế nên, Tết năm nay, chồng tuyên bố, vợ chỉ việc làm đẹp, sơn móng tay, làm tóc, mọi việc cứ để anh ấy lo.

Anh cảm thấy tôi đã nỗ lực rất nhiều để trở thành một người con dâu tốt. Sự vụng về chưa được lòng mẹ chồng ấy cũng chính là kết quả rất tốt mà tôi trông đợi. Vậy thì tại sao anh không nỗ lực để trở thành một người chồng sẵn sàng san sẻ cùng vợ mình?

Tôi hi vọng từ năm nay, Tết không còn là gánh nặng. Tết sẽ là ngày sum họp, vui vẻ thực sự của cả nhà chúng tôi.

Độc giả Thanh Thanh (Hải Phòng)

Tết thật nhạt nhẽo từ khi con không còn đủ cả bố lẫn mẹ

Những cái Tết nhạt nhẽo cứ lướt qua, cho con cảm giác thèm khát được bên bố mẹ đón Giao thừa.Con nhớ những cái Tết ấm áp của năm cũ.

Đã 8 năm trôi qua, con chưa được ăn Tết cùng với bố mẹ. Mỗi năm, theo phân chia của bố mẹ, con chỉ được ăn Tết với một người.

Tám năm trước khi con chỉ mới 8 tuổi, bố mẹ quyết định ly hôn. Con không rõ hai người đã xảy ra chuyện gì mà đến mức phải bỏ nhau. Bởi trước đó, con vẫn có một gia đình ấm áp, bố mẹ rất ít khi cãi nhau.

Mỗi lần Tết đến, con lại được bố mẹ chở quanh các hội hoa xuân, ngắm đường phố vào mùa lễ hội. Bố mẹ bàn nhau nên mua hoa mai hay đào để chưng Tết, rồi lên kế hoạch mua sắm bánh mứt, quần áo mới… Mỗi năm, tùy tính chất công việc mà bố mẹ có mức thưởng Tết khác nhau nhưng kiểu gì thì con vẫn có quần áo mới, bánh kẹo ngon.

Tet that nhat nheo tu khi con khong con du ca bo lan me

Có những điều đã qua chẳng trở lại bao giờ. (Ảnh: Ngọc Lài)

Con nhớ năm con 7 tuổi, bố mẹ chở con đi xem bắn pháo hoa vào đêm Giao thừa. Giữa chốn đông người, con được bố cõng trên vai để gần pháo hoa thêm chút nữa. Quá nửa đêm, bố lại chở mẹ và con chen chúc trên con đường đông nghẹt người để về nhà. Con thấm mệt, ngủ trong vòng tay ấm của mẹ.

Nhưng đó là cái Tết cuối cùng con có đủ cả bố lẫn mẹ.

Từ ngày bố mẹ ly hôn, mẹ đưa con về quê ngoại, cuộc sống không còn náo nhiệt như ở TP.HCM.

Thỉnh thoảng lễ Tết, bố chở con lên thành phố chơi mà không có mẹ bên cạnh. Bố mua cho con thật nhiều váy áo đẹp, trang sức đắt tiền, rồi dẫn con đi ăn ở những nhà hàng sang trọng.

Buổi tối, con không được ở cạnh bố mà phải ngủ bên nhà nội. Bởi, vợ mới của bố không thích sự hiện diện của con.

Con ở nhà ông bà nội đến mùng 1 Tết, sau đó về quê với mẹ. Váy áo bố mua con chẳng có cơ hội để mặc. Mẹ không ra ngoài, không tụ họp bạn bè, không đến chỗ náo nhiệt… từ lúc gia đình chúng ta tan vỡ.

Có vẻ như mẹ bị trầm cảm, bố à!

Dẫu vậy, con cảm thấy mình may mắn hơn nhiều bạn khác khi bố mẹ chia tay rất văn minh. Bố mẹ chủ động chăm sóc, bù đắp tình cảm cho con. Thế nhưng, bố mẹ càng cố gắng chữa lành những mất mát trong tâm hồn con thì tổn thương ấy càng rõ ràng hơn từng ngày.

Những cái Tết nhạt nhẽo cứ lướt qua, cho con cảm giác thèm khát được bên bố mẹ đón Giao thừa.

Con biết chắc mình không bao giờ có đủ bố mẹ dưới một mái nhà, trong những cuộc vui và những cái Tết về sau.

Độc giả K.T (Tiền Giang)

Đọc nhiều nhất

Tin mới

Lợi ích sức khoẻ tuyệt vời từ quả sung

Lợi ích sức khoẻ tuyệt vời từ quả sung

Trong Đông y, quả sung có tính bình, vị ngọt giúp kiện tỳ thanh tràng (kích thích tiêu hóa, làm sạch ruột), giải độc, tiêu thũng, thường được dùng để chữa các bệnh về tiêu hóa, kiết lỵ, viêm ruột, táo bón, trĩ.