Không dám ngủ vì canh quan tài cho mẹ
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến hàng nghìn ngôi nhà ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình ngập sâu. Để sinh tồn, người dân đành ở trên gác xép để phòng tránh rủi ro khi nước lũ ập về.
Ở thôn 4 Tấn Lộc, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy), ngôi nhà của gia đình anh Trương Tấn Bình nước ngập sát nóc. Những ngày nước lũ, mẹ anh Bình là bà Dương Thị H. (SN 1950) lại mất vì bệnh ung thư. Để thi thể bà không bị ướt, sau khi khâm liệm, anh Bình đưa quan tài lên gác xép.
Hàng nghìn ngôi nhà ở huyện Lệ Thủy ngập sâu. Ảnh: DNQ |
"Nước lũ dâng cao, khi mẹ mất, chúng tôi được người dân trong làng hỗ trợ khâm liệm mẹ. Chúng tôi phải đưa quan tài của mẹ lên cao, chờ nước rút đưa đi mai táng. Hai đêm nước lũ dâng cao, chúng tôi không ngủ được, thay nhau canh quan tài vì sợ nước lũ cuốn trôi", anh Bình tâm sự.
Anh Trương Tấn Bình đưa quan tài mẹ lên gác xép. Ảnh: DNQ |
Mẹ mất ngày mưa lũ, chị gái của anh Bình là Trương Thị Hai (51 tuổi) xót lòng cho biết: "Bố của chúng tôi mất trong trận lũ lịch sử 2020. Năm nay, mẹ cũng mất vào những ngày mưa lũ. Mấy anh em xót xa nhìn nhau và cầu cho nước rút để sớm đưa mẹ ra nơi an nghỉ".
Nằm canh quan tài, chờ nước rút đưa người thân đi an táng. Ảnh: DNQ |
Cũng như gia đình anh Trương Tấn Bình, những ngày qua, thân nhân của bà Đỗ Thị D. (trú thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy) vô cùng đau xót khi người mẹ mất dưới dòng lũ.
"Nước lũ đổ về ngập nhà cửa, chúng tôi vừa thay phiên chăm sóc mẹ, đưa mẹ lên vị trí cao để tránh lũ. Nhưng cơn tai biến đột ngột đã khiến mẹ ngã xuống dòng nước lũ, rồi mất. Khi chúng tôi phát hiện mọi việc đã muộn...", người thân của bà D. nói.
Chèo thuyền vượt lũ đưa tang
Ngày 30/10, ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), mưa đã bắt đầu ngớt. Nước đã rút khoảng 1m so với hôm qua nhưng vẫn còn hàng nghìn ngôi nhà đang bị ngập, giao thông bị chia cắt.
Những gia đình có người thân mất, được chính quyền và hàng xóm hỗ trợ, chèo thuyền vượt lũ đưa đi an táng.
Cảnh tang thương nơi rốn lũ huyện Lệ Thủy. Ảnh: DNQ |
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Công Thoán, Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) cho biết :"Mực nước đã rút khoảng 1m, đường sá chưa đi lại được nhưng người mất không thể để quá lâu, nên đội cứu hộ ở địa phương đã dùng ca nô, cùng bà con lối xóm, thân nhân vượt lũ đưa người quá cố đi mai táng".
Chèo thuyền vượt lũ đưa người thân đi an táng. Ảnh: DNQ |
Lãnh đạo thị trấn Kiến Giang cũng cho hay, ở địa phương có 3 trường hợp mất trong mưa lũ, trong đó có trường hợp bà Đỗ Thị D. bị tai biến, ngã vào dòng nước lũ.
"Hôm qua, đội cứu hộ cùng bà con đã dùng ca nô chở quan tài bà D. đi mai táng. Do quốc lộ bị ngập sâu nên mọi người không đi đường chính được, phải chèo thuyền, lái ca nô chở quan tài đi đường vòng, gió quật mạnh, việc đưa tang trong dòng lũ rất khó khăn.
Quãng đường đưa tang phải chèo thuyền 5 cây số khá vất vả nhưng chúng tôi cũng dặn dò mọi người phải làm sao chu toàn nhất cho người đã mất", ông Thoán nói.
Cũng theo ông Trần Công Thoán, sáng nay, đội cứu hộ và bà con sẽ tiếp tục vượt lũ đưa hai người mất còn lại đi mai táng.
Trời tạnh mưa, người dân ở Lệ Thủy mang bát hương thờ cúng tổ tiên phơi trên mái nhà. Ảnh: DNQ |
Sáng 30/10, UBND huyện Lệ Thủy cũng cho biết, lực lượng chức năng vừa tìm thấy thi thể người đàn ông bị nước lũ cuốn trôi cách đây một ngày.
Khoảng 14h ngày 28/10, khi đang trên đường đi đón cháu, anh N.V.B (trú xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) bị nước lũ cuốn trôi. Khoảng 14h30 ngày 29/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể người này, cách vị trí gặp nạn khoảng 300m. Như vậy, đến nay còn 2 người mất tích chưa tìm thấy.
Tỉnh Quảng Bình ghi nhận 32.900 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, trong đó “rốn lũ” huyện Lệ Thủy có gần 20.000 nhà; 43 thôn, bản bị chia cắt.