Lang bạt chốn nhà thổ đến màn "lột xác" ngoạn mục
Các họa sĩ hì hụi vẽ nàng chỉ tầm… gần trăm bức họa, bao nhiêu người đã tán tụng và đưa nhan sắc của nàng thành huyền thoại, nhiều vị quý tộc chết mê chết mệt nàng. Nàng khai sinh ra một môn nghệ thuật hoàn toàn mới. Từ một cô gái tỉnh lẻ vô danh, nàng trở thành cái tên sống mãi trong nghệ thuật và lịch sử nước Anh.
Nàng là ai? Nàng là Emma Hart, hay còn được gọi là Emma Hamilton hay Lady Hamilton.
Sinh trưởng ở làng quê xa xôi, rất ít thông tin của nàng được ghi lại. Những gì chúng ta còn được biết, nàng sinh vào ngày 26. 4. 1765 dưới cái tên Amy Lyon, con của một thợ rèn. Sau khi đổi tên thành Emma Hart để nghe cho sang trọng, nàng bôn ba lên London.
Giai thoại đồn nào thì nàng làm hầu gái, rồi nào là trình diễn nude trong các bữa tiệc trác táng, hoặc kỳ quặc hơn, là… minh họa cách sử dụng giường chiếu chuẩn cho các cặp vợ chồng mới cưới. Chỉ có một điều chắc chắn rằng những năm tháng mới lớn của nàng đã giúp nàng ý thức rất rõ về thế mạnh ngoại hình, kỹ năng trình diễn lẫn phô diễn nhan sắc và dùng nó cho mục đích của mình.
Thời đại nào cũng không thiếu những cô gái tỉnh lẻ lang thang lên thành phố với hy vọng đổi đời, và thời đại nào thì cũng vô số cô không đạt được nguyện vọng. Nhưng Emma không nằm trong số đó. Nàng nhảy vọt lên tầng lớp thượng lưu. Đàn ông say đắm nàng, si mê cả nhan sắc, tình yêu, lòng trung thành lẫn những giấc mơ mà nàng mang lại.
Ảnh minh họa. |
Năm 16 tuổi, Emma có một mối tình với Sir Harry Fetherstonehaugh. Vừa dính tình, nàng cũng đồng thời dính bầu. Sir Harry Fetherstonehaugh sau khi biết chuyện đã cao chạy xa bay. Charles Greville, một “đại gia” có vai vế rất khá: em họ của một bá tước và là cháu ngoại của một công tước, mau mắn đưa Emma về nhà, lo cho nàng sinh đẻ.
Sau khi đứa bé đẻ ra và được gửi đến cho họ hàng nuôi, Emma toàn tâm toàn ý làm người tình của Charles Greville, gom về cho nàng và mẹ một căn nhà ở ngoại ô xinh xắn dưới tên mình, âu cũng là kịch bản quen thuộc của chân dài – đại gia từ trước đến nay. Charles Greville sau đó dẫn Emma đến gặp họa sĩ George Romney với ý định đặt hàng mấy bức tranh.
Chẳng ngờ Emma đã khiến vị họa sĩ kia choáng ngợp. George Romney gọi nàng là “quý cô thần tiên (divine lady), vượt trội hơn tất cả phụ nữ trên đời này”. Kể từ lần gặp đầu tiên, vẻ đẹp phồn thực tựa những bức tượng Hy Lạp cổ đại, cộng với mái tóc hạt dẻ bồng bềnh như những tiên nữ trong tranh Paul Rubens đã khiến Emma trở thành nàng thơ lớn nhất đời George Romney.
Vào năm 1783, Sir William Hamilton, một nhà ngoại giao và cũng là người đam mê nghiên cứu núi lửa, quay trở lại Anh quốc để chôn cất di hài của vợ mình. Trong thời gian Sir William Hamilton ở lại London, ông thường ghé chơi nhà cháu trai Charles Greville và ngay lập tức yêu thích cô nhân tình Emma của cháu mình. Emma có những nét đẹp không khác gì những bức tượng Hi-La mà Hamilton yêu thích, thậm chí ông còn so sánh cơ thể của Emma với hình ảnh của nữ thần Hy Lạp. Khi rời khỏi London, Hamilton đã đem theo cùng ông một bức tranh vẽ nàng.
Hai năm sau, trong nỗ lực để cứu vãn tình hình tài chính tồi tệ, Charles Greville cần cưới một người vợ giàu có và để tiễn biệt cô nhân tình của mình nhẹ nhàng, Charles viết thư cho Hamilton ngỏ ý muốn “nhượng” Emma Hart cho chú mình. Với sự cách biệt về giai cấp và kiến thức, cho dù Emma chiếm được trọn vẹn sự yêu thích của Hamilton thì hai người cũng chẳng thể kết hôn, đây là bước đi chiến lược của Charles Greville nhằm đảm bảo phần thừa kế của mình sẽ to hơn bởi khi đó Hamilton đã đến tuổi già.
Emma thì vẫn chẳng hay biết gì về kế hoạch của Greville, vẫn mong chờ người tình của mình sẽ đến đón mình về. Ba tháng, rồi sáu tháng chờ đợi mòn mỏi ở Naples xa xôi. Cuối cùng Emma, đủ thông minh để biết điều gì đang xảy ra, đã trở thành tinh nhân của Hamilton dù những cánh thư nàng để lại sau này cho biết nàng vẫn nuôi dưỡng tình yêu với Charles Greville bội bạc.
Sống trong cung điện của William Hamilton, Emma học cách là một quý cô thật sự. Chỉ sau 1 năm, cô thành thạo cả tiếng Ý và tiếng Pháp. Năm 1791 Emma và William trở về Anh và kết hôn vào ngày 6 tháng 9 tại St. Georges, Quảng trường Hanover. Cả hai vợ chồng họ đều khá hợp nhau trong lĩnh vực nghệ thuật. Đặc biệt, là vợ của một đặc phái viên, Emma còn có quyền đi lại tự do tại Neapolitan, nơi cô con gái thợ rèn có thể làm bạn với Nữ hoàng Maria Carolina quyền lực. Cuộc sống của Emma tạm bình yên sau những tháng năm quá nhiều thăng trầm.
Lòng tham vô đáy của con người hay duyên số trời đã định phải ở bên nhau?
Sau chiến thắng của anh hùng hải quân Horatio Nelson tại trận chiến sông Nile năm 1798, Emma đã giúp tổ chức các lễ kỷ niệm xa hoa để đón tiếp Nelson ở Napoli. Trong cuộc họp tiếp theo cùng năm, cô đã sắp xếp một vật phẩm tuyệt vời để vinh danh người anh hùng, lúc đó có 1.740 người tham gia.
Horatio Nelson lần đầu gặp Lady Hamilton vào năm 1793 khi ông là một đội trưởng bưu điện 35 tuổi và Emma là người vợ 28 tuổi của đặc phái viên William Hamilton.
5 năm trôi qua nhưng vẻ đẹp kiêu sa, thánh thiện của người đàn bà trước mặt làm vị anh hùng không thể rời mắt. Nhất là khi Nelson biết Emma đã có công di tản gia đình ông khỏi thành phố để đảm bảo an toàn lúc chiến tranh xảy ra. Thậm chí, Nelson còn viết thư cho vợ mình kể rằng: "Lady Hamilton là một người phụ nữ có tài năng xuất chúng. Cô ấy là cô gái trẻ nhưng có cách cư xử rất hòa nhã".
Xuất phát là sự cảm mến nhau nhưng dần dần, kẻ đã có vợ và người đã có chồng - họ phải lòng nhau lúc nào không hay. Và mối quan hệ lén lút đã diễn ra suốt thời gian dài. Đến năm 1800, Nelson và Emma yêu nhau điên cuồng, bất chấp mọi dị nghị, lên án hành động ngoại tình của họ. Cặp đôi đã chứng minh tình yêu chân thành bằng việc sinh một đứa con chung vào năm 1801.
Nhưng người đàn bà luôn lấy đàn ông làm động lực sống này lại có vẻ rất may mắn. Ngài đặc phái viên chấp nhận số phận chồng già lấy vợ trẻ nên trước khi ra đi vào năm 1803 đã để lại cho vợ mình 1 khoản tiền là 800 bảng. Nelson cũng bỏ vợ nhanh chóng để hợp thức hóa mối quan hệ với người tình.
Nhưng cuộc hôn nhân vớt vát từ những khổ đau của người khác cũng chẳng dài được bao lâu. Chỗ dựa của người đàn bà tham vọng không còn khi Nelson tử trận vào năm 1805. Cuối cùng, mẹ con Emma phải lưu lạc và chìm trong nợ nần do xã hội bạo loạn lúc bấy giờ. Cô người mẫu đẹp nổi tiếng 1 thời trở nên to béo, già nua, xấu xí và chết trong cô độc chỉ sau sinh nhật tuổi 50 vài tháng.
Phụ nữ khôn ngoan phải biết sử dụng sắc đẹp đúng cách
Lẽ ra, một cô gái có sắc đẹp trời cho như Emma, nếu ngay từ đầu không có tư tưởng sống phụ thuộc vào đàn ông, chấp nhận qua tay hết người này đến người khác thì cuộc đời đã không bi thương như vậy. Giá như, Emma biết tận dụng những cơ hội từ hoàn cảnh đưa đẩy để cải thiện mình, để trở thành quý cô mà không dựa vào bất cứ người đàn ông nào. Với tài năng cũng như cái duyên với hội họa, Emma hoàn toàn có thể nắm giữ cuộc đời, tương lai tươi sáng của mình.
Nhưng thật đáng tiếc, đến khi được yên phận thụ hưởng bên người chồng danh giá, Emma vẫn không thoát khỏi được những dục vọng nhất thời, cuối cùng đánh mất tất cả. Thế nên, là thân con gái, nếu đã may mắn được ban tặng ưu thế gì thì hãy sử dụng đúng cách, đừng phung phí để rồi hao mòn nhân cách, lại trở thành câu chuyện cho người đời bình phẩm. Dù bất kể là tiền tài, tình yêu, hạnh phúc hay cuộc sống chúng ta ra sao cũng là do tự chúng ta quyết định và định đoạt, đừng đặt nó méo mó trong tay một người đàn ông khác.