Chúng ta đều từng biết đến những kỷ lục thế giới ghi nhận về khả năng sinh sản của một người đàn ông khỏe mạnh, bình thường. Cơ thể đàn ông có thể sản sinh ra hàng triệu tinh trùng mỗi ngày. Điều đó có nghĩa là khả năng sinh sản của người đàn ông không bị hạn chế như ở phụ nữ. Họ có thể sinh được hàng trăm người con, miễn là có đủ phụ nữ liên tục mang thai cho họ. Điều này đã được lịch sử minh chứng: cách đây gần 800 năm, Genghis Khan – thời thống trị các quốc gia châu Á, từng có quan hệ với hàng trăm phụ nữ và kết quả là hàng trăm đứa trẻ có mang huyết thống của ông ta đã ra đời.
Nghiên cứu về lịch sử và nguồn gốc gen của hơn 16 triệu người dân sống tại châu lục này ngày nay cho thấy những tương đồng về gen chứng tỏ tổ tiên họ đều có quan hệ huyết thống với Genghis Khan. Tuy nhiên, đặc tính sinh sản của người đàn ông có những khác biệt rất lớn so với phụ nữ. Trong khi giới hạn sinh sản của đàn ông chưa ai có thể dám chắc, thì khả năng sinh sản của phụ nữ lại chỉ có hạn bởi thời gian mang thai 9 tháng và thời gian nuôi con nhỏ đã chiếm mất một lượng thời gian đáng kể trong chuỗi thời gian sinh sản của họ.
Trước khi hiểu rõ hơn về khả năng sinh sản của người phụ nữ dưới góc nhìn của khoa học, các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Johns Hopkins – Mỹ đã tìm hiểu về các trường hợp sinh sản nhiều hiếm gặp trên thế giới. Đó là gia đình cụ ông và cụ bà người Nga – gia đình Vassilyev sống khoảng từ những năm 1725 đến năm 1765 tại Maxcơva – nước Nga. Họ đã có tới 16 lần sinh đôi, 7 lần sinh 3 và 4 lần sinh 5 trong suốt cuộc đời mình. Tổng cộng số lần sinh nở của cặp vợ chồng này là 27 lần sinh với tổng số 69 người con – một trong những kỷ lục đã được ghi nhận trên thế giới cho đến nay chưa bị phá vỡ. Rất nhiều người, kể cả các nhà khoa học đã nghi ngờ về khả năng sinh sản này của cụ bà Vassilyev quá cố, song khớp lại thời gian sinh cũng như các tình huống sinh 2, sinh 3…. trong suốt 40 năm sinh sản của bà, các nhà nghiên cứu cuối cùng đã kết luận khả năng sinh sản của cụ bà Vassilyev là có thực, và thậm chí bà hay những phụ nữ thông thường khác có thể còn sinh được nhiều con hơn thế.
Gia đình Vassilyev - nông dan Nga sinh 69 người con. |
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường đại học Johns Hopkins – Mỹ về khả năng sinh sản và sức khỏe của phụ nữ đã chỉ ra rằng khả năng sinh sản thông thường của phụ nữ có thể đạt tới, thậm chí vượt qua mức kỷ lục mà người phụ nữ nông dân nước Nga đã từng làm được.
Nghiên cứu về đặc điểm sinh học của người phụ nữ và chu kỳ sinh sản của phụ nữ, tiến sĩ James Segars – trường đại học Johns Hopkins cho biết: Trong vòng 40 năm, phụ nữ có thể mang thai tới 27 lần. Buồng trứng trong cơ thể người phụ nữ thông thường trưởng thành và bắt đầu chức năng sinh sản ở độ tuổi trung bình là 15 tuổi. Thật khó tin, nhưng sự thực là: ngay từ khi chưa chào đời, một bào thai bé gái sơ sinh trong bụng mẹ có thể có tới 7 triệu tế bào trứng non. Khi một bé gái chào đời, số lượng trứng trong cơ thể bé gái chỉ còn khoảng 1 triệu và con số này chỉ còn lại vài trăm nghìn trứng khi đạt đến độ tuổi vị thành niên. Số lượng trứng ngày càng ít đi, khi đến tuổi trưởng thành, số lượng trứng trong cơ thể một người phụ nữ có khoảng 400 trứng trưởng thành, và khi tuổi tác ngày càng tăng, trứng trong cơ thể phụ nữ ngày càng giảm đi cả về số lượng lẫn chất lượng.
Ở người phụ nữ trưởng thành, cứ mỗi chu kỳ 28 ngày, buồng trứng lại giải phóng ra một trứng. Và cứ như vậy đến năm trung bình là 51 tuổi, khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu dừng lại, đó cũng là giai đoạn thời kỳ mãn kinh diễn ra. Thực tế là sau 25 tuổi, tỉ lệ trứng có thể được thụ tinh thành công cũng thấp dần đi, đến năm 45 tuổi, tỉ lệ này chỉ còn là 1%. Phần lớn phụ nữ không còn có khả năng mang thai sau độ tuổi trung bình là 44 tuổi, song cũng có một số ít phụ nữ vẫn có thể mang thai sau tuổi 44.
Vấn đề ở đây là sau những lần sinh đầu tiên, cơ thể người phụ nữ đã thích nghi với việc sinh sản, và quá trình sinh sản tiếp sau đó ngày càng trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Tỉ lệ các ca sản nạn vì thế cũng thấp hơn và việc có hàng chục đứa con đối với một người phụ nữ không có gì là không thể. Đó cũng là điều đã diễn ra với cụ bà Vassilyev quá cố.
Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển, phụ nữ ngày càng ngại với việc sinh nở và việc sinh nhiều con dường như ngày càng trở nên hiếm gặp trên thế giới. Tỉ lệ các tai biến trong sinh nở cũng là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ ngại sinh nở. Tại những nước phát triển như Anh, trung bình có khoảng 8/100 000 ca sinh nở gặp phải sự cố và sản phụ bị tử vong. Trong khi đó tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới – Sierra Lenone: tỉ lệ này là 1100/ 100 000 ca, với các tai biến phổ biến dễ gặp nhất là tử vong do xuất huyết, nhiễm trùng….Ngoài ra, các trường hợp sinh đôi, sinh ba, sinh tư…. Cũng thuộc dạng hiếm, chỉ khoảng 1,5% các ca sinh nở trên thế giới.