Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình "60 Minutes" được phát sóng, cô Haugen, 37 tuổi cho biết cô đã trở nên hoảng hốt với những gì cô nhìn thấy trên Facebook.
Cô nói, công ty luôn đặt lợi ích của mình lên trên hơn cả lợi ích của công chúng. Vì vậy, cô ấy đã sao chép các trang nghiên cứu nội bộ của Facebook và quyết định làm điều gì đó về công ty này.
Cụ thể, Frances Haugen 37 tuổi, một nhà khoa học dữ liệu đến từ Iowa với bằng kỹ sư máy tính và bằng thạc sĩ kinh doanh của Harvard. Cô cũng là một cựu nhân viên của Facebook, người từng làm việc trong vai trò giúp công ty mạng xã hội lớn nhất thế giới này chống lại thông tin sai lệch. Giờ đây, tại chương trình thời sự 60 Minutes của đài CBS (Mỹ), cô đã quyết định sẽ đứng ra chống lại công ty, khi chia sẻ những bí mật đen tối của nền tảng này.
Frances Haugen cho rằng, công ty công nghệ này đang ưu tiên lợi nhuận hơn sự an toàn của cộng đồng và bản thân công ty này đang "chia rẽ xã hội của chúng ta".
Frances Haugen trả lời phỏng vấn trên chương trình "60 Minutes".. Ảnh: @ Robert Fortunato/ CBS News / 60MINUTES. |
"Điều tôi thấy ở Facebook nhiều lần là xung đột lợi ích giữa những gì tốt cho công chúng và những gì tốt cho Facebook. Và Facebook, hết lần này đến lần khác đã chọn cách tối ưu hóa cho lợi ích của chính mình, như việc kiếm nhiều tiền hơn".
Cô cũng cáo buộc Facebook đang gây nguy hiểm cho an toàn cho cộng đồng bằng cách đảo ngược các thay đổi đối với chính thuật toán của họ, sau khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 kết thúc, để cho phép thông tin sai lệch lan truyền trên nền tảng này một lần nữa theo một chuẩn hệ thống phát sinh.
"Ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc, họ đã tắt hệ thống phát sinh này hoặc thay đổi cài đặt trở lại như trước đây, để ưu tiên mục tiêu tăng trưởng hơn an toàn. Và điều đó thực sự khiến tôi cảm thấy như một sự phản bội với nền dân chủ".
Cuộc phỏng vấn của Frances Haugen với đài CBS diễn ra vài tuần sau khi cô cung cấp hàng nghìn trang tài liệu nội bộ cho Ủy ban quản lý Chứng khoán và Giao dịch của chính phủ Mỹ, cũng như tờ Wall Street Journal.
Haugen cho biết Facebook đã góp phần gây ra bạo lực sắc tộc, ám chỉ đến các sự việc ở Myanmar. Vào năm 2018, Facebook cũng đã thừa nhận rằng nền tảng của họ được sử dụng để "gây chia rẽ và kích động bạo lực ngoại tuyến" liên quan đến tình hình ở đất nước này.
Haugen cho biết: "Khi chúng ta sống trong một môi trường thông tin chứa đầy nội dung tức giận, thù hận, phân cực, điều này đã làm xói mòn lòng tin công dân của chúng ta, nó làm xói mòn niềm tin của chúng ta đối với nhau, nó làm xói mòn khả năng chúng ta muốn quan tâm đến nhau. Phiên bản Facebook tồn tại ngày nay đang chia rẽ xã hội của chúng ta và gây ra bạo lực sắc tộc trên toàn thế giới".
"Một trong những hậu quả của cách Facebook chọn ra nội dung đó ngày nay là họ đang tối ưu hóa cho các nội dung thu hút được sự tham gia hoặc phản ứng nồng nhiệt. Nhưng nghiên cứu của chính họ đang chỉ ra rằng, nội dung gây thù hận, gây chia rẽ, phân cực... là thứ dễ truyền cảm hứng cho mọi người tức giận hơn là những cảm xúc tích cực khác".
Hành động của Haugen là một dấu hiệu cho thấy nhiều thứ đen tối trong nội bộ Facebook ngày càng bị rò rỉ. |
Cô nói thêm: "Facebook đã nhận ra rằng, nếu họ thay đổi thuật toán để an toàn hơn, mọi người sẽ dành ít thời gian hơn trên trang web, họ sẽ nhấp vào ít quảng cáo hơn, vì lẽ đó mà họ sẽ kiếm được ít tiền hơn".
"Về cơ bản, Facebook khuếch đại những điều tồi tệ nhất của bản chất con người. Đó là một trong những hậu quả đáng tiếc, Mọi người thích tham gia vào những thứ gây ra phản ứng cảm xúc tiêu cực. Và càng tiếp xúc với sự tức giận, họ càng tương tác nhiều hơn và phản ứng nhiều hơn, Facebook lại đi theo chủ trương này".
Frances Haugen: "Bạn biết đấy, trên chiếc điện thoại của mình. Bạn có thể chỉ thấy 100 mẩu nội dung nếu bạn ngồi và lướt Facebook trong 5 phút. Nhưng Facebook có cả hàng ngàn tùy chọn mà họ có thể chọn để hiển thị trên Newsfeeds của bạn, điều mà bạn không hề hay biết".
Cô ấy cũng có bằng chứng về tác hại đã mở rộng đến ứng dụng Instagram của Facebook. Một trong những nghiên cứu nội bộ của Facebook mà cô ấy tìm thấy nói về cách Instagram gây hại cho các cô gái tuổi teen. Một nghiên cứu cho biết, 13,5% cô gái tuổi teen nói rằng Instagram khiến suy nghĩ tự tử trở nên tồi tệ hơn; 17% cô gái tuổi teen nói rằng Instagram khiến chứng rối loạn ăn uống trở nên tồi tệ hơn.
"Điều siêu bi thảm là nghiên cứu của chính Facebook tự thực hiện cho biết, khi những cô gái tuổi teen bắt đầu tương tác trên Instagram, các nội dung khiến họ ngày càng trầm cảm hơn, ghen tỵ hơn. Và nó thực sự khiến họ sử dụng ứng dụng nhiều hơn. Và vì vậy, họ kết thúc trong trạng thái đố kỵ và ngày càng ghét cơ thể của mình".
Facebook hoãn kế hoạch tạo Instagram dành cho trẻ nhỏ
Vào tháng trước, các luật sư của Haugen đã nộp ít nhất 8 đơn khiếu nại lên Ủy ban quản lý Chứng khoán và Giao dịch của chính phủ Mỹ, cơ quan thực thi luật trên thị trường tài chính. Các khiếu nại yêu cầu điều tra so sánh các kết quả nghiên cứu nội bộ với bộ mặt thông tin công khai của công ty.
Ảnh minh họa. |
Nói về cựu nhân viên Frances Haugen, John Tye- người sáng lập Whistleblower Aid, một tổ chức phi lợi nhuận hợp pháp đại diện cho những người tìm cách vạch trần khả năng vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp khẳng định: "Cô ấy có quyền truy cập vào hàng chục nghìn trang tài liệu nội bộ từ mạng xã hội lớn nhất thế giới, cho thấy mức độ tự hiểu biết của Facebook về những tác hại mà họ gây ra, và cô ấy cung cấp bằng chứng cho các nhà lập pháp, cơ quan quản lý và các phương tiện thông tin đại chúng; Cô ấy là một người rất can đảm và đang chấp nhận rủi ro cá nhân để tố giác một công ty nghìn tỷ đô la có trách nhiệm giải trình trước hành động sai trái của mình", anh nói.
Hành động của Haugen là một dấu hiệu cho thấy nhiều thứ đen tối trong nội bộ Facebook ngày càng bị rò rỉ. Khi công ty đã phát triển thành một gã khổng lồ với hơn 63.000 nhân viên, một số người trong số họ đã trở nên không hài lòng, vì công ty cứ mãi lẩn quẩn từ tranh cãi này đến tranh cãi khác về quyền riêng tư dữ liệu, thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch.