Nổi mụn vì hút mụn

- Hút mụn là một trong những công đoạn làm đẹp mà chị em thường làm khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc da mặt. Tuy nhiên, không ít chị em vì quá tích cực hút mụn với kỳ vọng làm da sạch, mịn lại vô tình rước thêm vô số mụn mới.

Da tăng tiết bã nhờn

Chị Nguyễn Quỳnh Trang (399 Âu Cơ, Hà Nội) hằng tuần đều đi massage, chăm sóc da mặt và không lần nào chị quên yêu cầu nhân viên massage hút dầu, hút mụn cho chị. Mỗi lần như vậy chị thực sự cảm nhận da mặt mình thật sạch sẽ, mịn màng. "Những lần đầu mới làm, tôi thấy rõ là sau khi hút mụn, vùng mũi, cằm và trán sạch hẳn những mụn đầu đen và mụn li ti làm da mình thô ráp. Nhân viên massage cũng tư vấn rằng máy hút mụn này còn hút dầu, và bụi bẩn bật khỏi lỗ chân lông khiến da mặt không những sạch sẽ mà còn mềm mịn và sáng hơn. Vì thế mà tuần nào tôi đến làm mặt cũng đều yêu cầu hút mụn", chị Trang chia sẻ.

Thời gian gần đây chị Trang bắt đầu thấy mặt mình xuất hiện nhiều mụn, chị càng tích cực hút mụn. "Sau khi được nhân viên massage dùng cây lấy mụn để nặn sạch mụn ra và bôi kem trị mụn, thì cảm giác những đầu mụn đó se lại và khô dần. Nhưng nhiều khi ngồi mình cũng tiện tay đưa lên nặn ra cho sạch thế là mụn lại cứ dầy lên", chị Trang than thở.

 
Lạm dụng hút mụn sẽ gây hại cho da.
Chuyên gia Nguyễn Thị Hương, Trung tâm thẩm mỹ Trúc Lâm (K80 Đường Bưởi, Hà Nội) cho biết, hút mụn là một công đoạn dùng máy hút chân không để làm sạch da, loại bớt mụn, dầu, bụi bẩn trên bề mặt da.
Lực hút chân không sẽ tác động đến từng lỗ chân lông, hút bật các chất bẩn bít kín lỗ chân lông, khiến bề mặt da sạch sẽ, sáng hơn và dễ dàng thẩm thấu dưỡng chất từ mặt nạ, kem dưỡng. Tuy nhiên, việc hút mụn không nên áp dụng tùy tiện mà phải xem xét trên từng loại da. Mụn là do bề mặt da tiết bã nhờn, khi không được làm sạch đúng cách sẽ tạo thành mụn.

Đối với người da dầu, tiết nhiều bã nhờn thì việc sử dụng máy hút chân không sẽ hút các bã nhờn này khỏi lỗ chân lông và làm sạch da. Nhưng nếu quá lạm dụng việc này và hút thường xuyên sẽ kích thích da tăng tiết bã nhờn và càng mọc thêm nhiều mụn hơn. Đối với da khô, sạch dầu, lỗ chân lông nhỏ, da sạch mịn thì việc hút mụn là không cần thiết, thậm chí hút mụn nhiều lại có tác hại làm to lỗ chân lông, tăng nguy cơ hấp thu bụi bẩn vào da và kích thích việc sinh mụn.
Nguy cơ để lại sẹo Chuyên gia Nguyễn Thị Hương cho rằng, chỉ nên sử dụng dịch vụ hút mụn khoảng 1 - 2 tuần/lần, hoặc khi trên da xuất hiện nhiều mụn đầu đen, da thô ráp do mụn nhỏ li ti, miệng khô. Tuyệt đối không nên hút mụn khi da có biểu hiện nhiễm trùng, mụn sưng đỏ, sưng lở hoặc có bọc mủ trắng ở đầu mụn, dễ gây nguy cơ viêm da và càng lây lan nhiều mụn hơn.
"Việc sử dụng cây nặn mụn là điều nên hạn chế vì đầu cây nặn mụn nhọn, khi gẩy mụn lên dễ gây tổn thương da tại chỗ, viêm nhiễm, hoặc làm sưng tấy thêm. Nguy cơ càng tăng lên khi cây nặn mụn này không được vệ sinh sạch và tiệt trùng sau mỗi người làm", bà Hương nhấn mạnh.

ThS.BS Nguyễn Thị Thảo, Trung tâm Da liễu Hà Đông khuyến cáo, chị em tuyệt đối không nên dùng tay nặn mụn. Mụn bọc, sưng đỏ khi nặn ra rất dễ nhiễm trùng, nhất là tay không được vệ sinh sạch.
Tốt nhất khi mặt có nhiều mụn chỉ nên rửa mặt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý cho se mụn. Bất kể loại kem bôi hay thuốc trị mụn nào sử dụng đều phải có chỉ định của bác sĩ, tránh nguy cơ viêm da, nhiễm khuẩn nặng, thậm chí có thể để lại sẹo sâu sau điều trị.

Đều đặn tẩy da chết hằng tuần cũng là một giải pháp làm sạch, tẩy hết các tế bào chết và cặn bẩn trên da. Tuy nhiên, sau khi tẩy da chết nên dùng nước hoa hồng làm se khít lỗ chân lông, dùng kem để cung cấp dưỡng chất và độ ẩm cho da.
Lê Na
[links()]

Đọc nhiều nhất

Tin mới

Lợi ích sức khoẻ tuyệt vời từ quả sung

Lợi ích sức khoẻ tuyệt vời từ quả sung

Trong Đông y, quả sung có tính bình, vị ngọt giúp kiện tỳ thanh tràng (kích thích tiêu hóa, làm sạch ruột), giải độc, tiêu thũng, thường được dùng để chữa các bệnh về tiêu hóa, kiết lỵ, viêm ruột, táo bón, trĩ.