Cá lạ như "quái vật" ở bờ biển Phú Yên
Ngày 16/11 vừa qua, tại khu vực người dân thường tắm biển TP. Tuy Hoà (Phú Yên) xuất hiện con cá lạ bơi lượn gần bờ, có chiều dài khoảng 4m, được nhiều người ví như con 'quái vật' có màu đen, bụng trắng, đầu có vết thương. Sáng ngày 17/11, con cá lạ này tiếp tục xuất hiện gần bờ biển.
Ông Phạm Hữu Tâm – Phó đội trưởng Đội quản lý trật tự tuyến biển TP. Tuy Hòa, xác nhận nguồn tin cá lạ xuất hiện ven bờ biển này là có thật. Mỗi lần xuất hiện, con cá lạ bơi lượn lờ dọc biển vài phút rồi mất hút.
Do chưa xác định được cá lạ là loài cá gì, có nguy hiểm hay không, Đội quản lý trật tự tuyến biển TP. Tuy Hòa đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, đồng thời phân công nhân viên thường trực xuyên suốt ngày đêm để theo dõi động tĩnh của con cá này và ngăn người dân tắm biển trong khu vực nguy hiểm.
Hình ảnh cá lạ dài 4m, nặng cả tấn được người dân chụp được ở gần bờ biển Tuy Hòa, Phú Yên. |
Với những hình ảnh ít ỏi về cá lạ mà người dân chụp được ở bờ biển Phú Yên, PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết vẫn chưa thể nói gì về loài cá này.
"Thủy quái" dạt vào bờ biển Nghệ An
Hồi tháng 6, ngư dân ở bãi biển Hang Trâu (xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bất ngờ phát hiện xác cá lạ khổng lồ trôi dạt vào bờ.
"Thủy quái" này có chiều dài khoảng 5 m, đường kính thân chỗ to nhất khoảng 1m, ước tính trọng lượng của con cá khoảng trên 1 tấn. Cá lạ có phần đầu rất to, miệng mở rộng với hai hàm răng nhỏ quặp lại nhìn rất dữ tợn.
Theo người dân địa phương, có thể do thủy triều lên nên con cá lạc vào vùng nước cạn, khi thủy triều rút nhanh khiến nó bị mắc cạn và chết. Những ngư dân có kinh nghiệm phỏng đoán, có thể "thủy quái" này là loài cá mập miệng rộng, sinh sống ở nhữn khu vực vùng biển nước sâu, rất ít khi xuất hiện ở vùng biển Quỳnh Lưu, Nghệ An...
"Thủy quái" dạt vào bờ biển Nghệ An. |
Cá chép "ma" quái dị ở Hồ Tây
Ở Hồ Tây có khá nhiều lời đồn đoán về những "sinh vật lạ", từ thủy quái hồ Tây, "ốc ma" hồ Tây... có thời điểm, giống cá chép không vẩy, hoặc chỉ có lốm đốm vài cái vẩy ở Hồ Tây cũng được dư luận bàn tán là cá chép ma, không ai dám ăn.
Cá chép "ma" hồ Tây. |
Sau đó, các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu và xác định, đây là loài chép lai giữa chép Việt Nam và chép Hungary. Giống cá chép Hungary mình ngắn, nhẵn nhụi, không có vẩy, lớn nhanh, ăn tạp, sống khỏe được cá nhà khoa học Hungary tặng cho Viện nghiên cứu thủy sản I (Đình Bảng, Bắc Ninh) năm 1972. Các nhà khoa học đã lai tạo giữa cá chép Hungary với chép Việt Nam thịt thơm ngon, nhằm tạo ra giống chép mới cho năng suất và chất lượng cao.
Sau đó, giống cá này lại tiếp tục được lai với chép Indonesia và được đem thả đại trà ở hồ Tây. Cá chép này phát triển rất nhanh và những con cá chép không vảy là gene lặn từ đời tổ tiên của chúng.
Kỳ thực, đây là loại đột biến sắc tố trong cấu trúc di truyền của giống cá chép Hungary lai với chép Việt. Vì chép Việt màu hồng, chép Hungary màu đen, nên khi bị đột biến sắc tố, sẽ cho ra một loài có màu sắc loang lổ như vậy...
"Quái ngư" Tây Hồ
Hồi cuối tháng 9, anh Trần Lĩnh Huế (28 tuổi, ở phố Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội đi tập thể dục ở ven hồ Tây thì thấy thợ câu câu được một con cá toàn thân màu trắng, mõm dày giống cá heo thấy đẹp mắt nên anh đã mua về nhà với giá 500.000 đồng, con cá có trọng lượng 3kg.
"Quái ngư" toàn thân màu trắng, mõm dày giống cá heo ở hồ Tây. |
Tuy nhiên, khi anh Huế thả "quái ngư" này vào bể cá thì nó rất hung dữ, đuổi cắn những con cá khác. Anh Huế đem gửi ở nhà bạn nhưng cũng không được. Anh Huế đã đem con cá lạ này phóng sinh về hồ Tây.
Nhiều người khi nhìn thấy hình ảnh của con cá này liền gọi là "quái ngư" hồ Tây. Trao đổi với PV, TS Kim Văn Vạn, Phó trưởng khoa Thủy sản, Học viên Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Con cá màu trắng, đầu giống cá heo được một câu thủ ở Hồ Tây câu được mà mọi người gọi là “Quái ngư” có tên gọi là cá Tai tượng hay còn được gọi là cá Thần tài. Loài cá này chung dòng họ với cá Rô phi, màu sắc của loài cá này phụ thuộc vào môi trường sống theo xu hướng tạo cảnh"...