Cán bộ có tâm thì sẽ chủ động gặp dân
Quốc hội đang thảo luận về dự thảo Luật Tiếp công dân. Một trong những vấn đề cử tri bức xúc là việc có nhiều cán bộ trốn tránh dân. Không nghe điện thoại, không tiếp xúc, không muốn gặp gỡ dân. Ông nhìn nhận chuyện này thế nào?
Việc những cán bộ phải tiếp xúc với dân là công tác được Đảng rất quan tâm và coi trọng. Hội nghị trung ương 7 cũng ra một Nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận. Cho nên việc Quốc hội đặt ra vấn đề này là một việc làm rất tốt để tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước, Đảng với nhân dân. Nhưng tiếp dân như thế nào? Phải gặp gỡ dân theo lịch sắp xếp định kỳ là việc cần. Rồi khi dân cần gặp thì phải tổ chức gặp. Nếu là một cán bộ có tâm, có tầm thì thậm chí còn chủ động gặp gỡ dân để giải tỏa tháo gỡ những khúc mắc, hỏi han những bức xúc của dân. Trong phạm vi địa phương mình phụ trách thì dân quan tâm cái gì. Dân cần gặp thì tiếp dân, tổ chức nghiêm chỉnh, không hình thức. Thế mới là cán bộ thực sự.
Nhưng những băn khoăn của cử tri vừa nêu liệu có cơ sở?
Thực tế thì nhiều nơi không coi trọng việc tiếp dân. Đơn giản nhất là việc tiếp xúc qua điện thoại. Nhiều cán bộ ngại, không nghe thậm chí quát nạt dân. Nhiều người né tránh tối đa việc tiếp xúc ấy với dân. Tất nhiên cán bộ thì nhiều việc, có thể lúc này lúc khác bận nên không thể trả lời điện thoại. Nhưng nếu cán bộ cố tình không trả lời dân. Có điện thoại là tắt máy luôn. Nói rằng không tiếp. Thế thì đáng trách quá.
Phải chăng họ không thích tiếp dân vì đó là lĩnh vực "chỉ có hại, chả lợi lộc gì"?
Nếu cán bộ làm việc mà phải "có gì đó" thì mới có động lực để làm thì rõ ràng là những người vô lương tâm, vô trách nhiệm. Không có lợi thì không làm, thì đúng là cái loại người không ra gì, chứ đừng nói đến là cán bộ công chức ăn lương từ tiền thuế của dân. Cán bộ thực sự phải thấy hạnh phúc, phấn khởi khi được dân gọi điện. Phải thấy hãnh diện khi gặp dân, giải tỏa những tâm tư của dân chứ.
Họ tránh dân như tránh dịch!
Vì sao có những cán bộ lại ngại tiếp dân, cố tình né tránh bằng mọi cách?
Họ tránh dân như tránh dịch bệnh là bởi họ là loại người vô cảm, vô trách nhiệm và thiếu lương tâm. Cũng có thể đó là những người sợ gặp dân, không hiểu những vấn đề mà dân khúc mắc để lý giải. Do tuyển chọn những cán bộ với kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử kém, kiến thức kém nên không dám gặp dân. Gặp dân mà không trả lời được thì ngại!
Có khi chính những người lẩn tránh tiếp dân ấy có những khuất tất?
Đúng rồi, tất nhiên rồi. Họ "há miệng mắc quai". Họ dính vào những chuyện tham nhũng tiêu cực nên họ không dám đối diện với những vụ việc nổi cộm bức xúc khác, mà đôi khi là chính những vụ việc họ có dây dưa vào đó. Tôi nghĩ đó là những cán bộ vô lương tâm. Cán bộ mà không thương dân, lo cho dân thì rõ ràng là vô cảm rồi.
Nếu cán bộ mà "dính" vào những khuất tất, thì liệu việc tiếp dân kia có còn ý nghĩa?
Nếu cán bộ dính vào những chuyện đó thì đương nhiên không thể đủ tư cách tiếp dân. Dân gặp sẽ chất vấn, đồng thời "tố" cán bộ. Đấy, tôi nói, cán bộ mà thiếu trách nhiệm, tham nhũng thì đương nhiên sẽ ngại tiếp dân, ngại gặp dân lắm. Vì gặp dân thì họ "đấu" cho. Ngại, xấu hổ lắm chứ.
Có người bảo cán bộ nhiều việc lắm, thời gian đâu mà tiếp dân?
Đúng thế. Vậy nên mới phải tổ chức việc tiếp dân rất khoa học. Giải quyết các vấn đề khúc mắc của dân, giải thích với dân... làm sao cho tốt nhất. Không thể nói bận quá mà không tiếp dân được.
Vậy có nên có một chế tài xử phạt nặng những người không tiếp dân?
Tôi nghĩ cần phải xử lý nghiêm và không cho họ tiếp dân nữa.
Gặp để đấy thì đừng mất thời gian
Nền công vụ của ta sẽ thế nào nếu số cán bộ ngại tiếp dân, không muốn nghe điện thoại của dân không hiếm?
Ở đây phải nói đến hai cách. Những quy định về tiếp dân hiện còn có những vấn đề phải xem lại. Cần có quy định cụ thể rõ ràng hơn chi tiết cụ thể hơn nữa. Nói đi phải nói lại, người dân thì có rất nhiều vấn đề muốn hỏi, muốn nói. Mà nhiều khi diễn đạt lại rất dài dòng. Nhiều người nếu tiếp dân thì không còn thời gian để làm việc khác nữa. Thế nên phải tổ chức như thế nào để tiếp được dân. Có cơ quan tiếp dân và có các đồng chí lãnh đạo tiếp dân. Công tác tiếp dân chưa tốt thì cũng chưa thể quy kết cả nền công vụ yếu được.
Hiện cán bộ phải tiếp dân 2 ngày/tháng, nhưng tình trạng cán bộ "trắng" lịch tiếp dân lại khá phổ biến. Trong khi đó, đơn thư khiếu nại tố cáo thì ngày càng nhiều. Vì sao thế?
Nghe dân phản ánh thì đúng là có chuyện đó. Thông thường thì người ta lập ra phòng tiếp dân và "phó thác" cho tổ chức này. Những nơi mà được những người tiếp dân có tâm và có tầm thì làm việc tốt. Nhưng có nơi cử cán bộ chỉ đơn thuần là làm hành chính, thậm chí những người không làm được việc ở chỗ khác thì đưa về chỗ tiếp dân. Thế thì đúng là tai hại quá.
Vậy nếu quy định lãnh đạo phải lên lịch cụ thể gặp dân nhiều hơn, công khai số điện thoại để dân biết... thì liệu có khắc phục được việc đơn thư khiếu nại tố cáo nhiều lên?
Nếu cán bộ gặp dân mà chỉ ngồi đó thụ động nghe dân nói. Không giải quyết được, không tổ chức giám sát thực hiện việc đó, thì mất thời gian của cả hai bên. Ngồi như thế thì ngồi làm gì? Vô ích thôi. Quốc hội đang bàn là làm sao để việc tiếp dân nó thực sự hiệu quả. Không chỉ về hình thức mà còn về cả nội dung. Nhiệt tình phải cộng với trí tuệ thì mới có hiệu quả được.
Có khi nào cán bộ hăm hở nhiệt tình tiếp dân, thế nhưng khúc mắc của dân thì lại không giải quyết, nghe để đó?
Đó chính là hình thức mị dân. Tỏ ra săn săn đón đón dân rồi hứa hão mà không giải quyết được chuyện gì thì cũng vứt. Phải cử những người ưu tú, có tâm có tầm để tiếp dân.
Đội ngũ tiếp dân hiện nay theo ông đã đáp ứng được yêu cầu đó chưa?
Hiện ta làm chưa tốt. Đôi khi cắt cử người không đúng trách nhiệm, thẩm quyền, không tương xứng để tiếp dân. Không đủ trình độ năng lực để giải quyết. Có khi cán bộ hành chính lại đi tiếp dân thắc mắc về đất đai, tài chính... Bởi thế tôi mới nói, phải coi trọng việc tiếp dân. Nếu làm tốt thì sẽ lấy lại lòng tin của dân rất tốt.
Xin cảm ơn ông!