Nguồn gốc dịch bệnh: Động vật, con người và đại dịch toàn cầu tiếp theo (tên tiếng Anh: Spillover: Animal Infection and the next human pandemics) là một kiệt tác thu hút giới truyền thông của tác giả David Quammen, mang đến góc nhìn khoa học về các mầm gây bệnh trên động vật và đôi khi lây truyền cho chính con người.
Tác phẩm nằm trong Top 10 sách khoa học năm của Booklist, Top 11 cuốn sách của Daily Beast và được New York Times Book Review bình chọn là Cuốn sách đáng chú ý vào năm 2012. (Nguồn: Medinsights). |
Gương mặt của những kẻ sát nhân khác biệt
Với Nguồn gốc dịch bệnh, David Quammen đã dệt lên một câu chuyện đặc biệt, một tiểu thuyết trinh thám với những kẻ sát nhân rất khác biệt, nhưng cũng rất chân thực. Chúng là virus, vi khuẩn và những sinh vật đơn bào gây bệnh trên động vật, nhưng đôi khi, chúng sẽ thay đổi mục tiêu và nhảy sang loài người.
Mỗi chương của cuốn sách là một hành trình theo đuổi một tên tội phạm mới, chịu trách nhiệm bởi một nhóm các thám tử đến từ khắp nơi trên thế giới. Cuốn sách là những ghi chép của David Quammen trong quá trình đồng hành với họ, lần theo các dấu vết để tìm ra thủ phạm.
Sau chương đầu tiên về thứ virus khủng khiếp hạ gục cả ngựa và người, virus Ebola nổi lên qua câu chuyện đen tối, với những con khỉ đột chết chồng lên nhau, món thịt từ xác thối trong rừng và ma thuật. Câu chuyện chẳng cần đến những sự thổi phồng thường gặp về Ebola để tạo ra không khí rùng rợn (với nước mắt máu cũng như nội tạng tan chảy) và tác giả cũng không cần phải làm vậy, bởi chính bản thân căn bệnh cũng đã đủ khủng khiếp rồi.
Ông quan tâm nhiều hơn đến việc đào sâu tìm hiểm những dịch bệnh này, tìm hiểu những gì chúng ta đã biết về chúng và cách điều đó giúp chúng ta dự phòng những căn bệnh mới xuất hiện trong tương lai, đồng thời hạn chế hậu quả của chúng.
Trong mỗi chương, những căn bệnh đều dần trở nên rõ ràng, bắt đầu chỉ từ đôi ba tin đồn, vài cái chết bí ẩn dường như chẳng hề liên quan đến nhau. Quá trình điều tra dần dần bóc gỡ vấn đề, cho đến khi cuối cùng chân tướng của thủ phạm được phơi bày.
Trong suốt quá trình đó, chúng ta sẽ được thấy muôn vàn cách mầm bệnh có thể di chuyển từ vật chủ này sang vật chủ khác – qua phân, dịch tiết, chấy nhầy và máu – và khám phá những hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến phơi nhiễm: leo cây, uống nhựa chà là, ăn hay đơn thuần là chạm vào động vật đã chết. Tác giả cũng tìm kiếm cả những đồng phạm không cố ý là những loài động vật mang mầm bệnh trước khi truyền cho người: lợn, chim, khỉ, khỉ đột và dơi.
Hành trình của những thám tử
Thế nhưng, những người hùng thực sự ở đây là những vị thám tử – những nhà khoa học làm việc không ngừng nghỉ, từ phòng thí nghiệm cho đến nơi thực địa, tìm kiếm lời giải cho những vụ án do những tên sát nhân nhỏ bé gây ra.
Không chỉ tài ba trong việc mô tả cách hoạt động của virus, David Quammen còn rất thành công trong việc vẽ lên bức chân dung của những người hùng đó: từ những nhà sinh học phân tử nghiên cứu về SARS “với bản năng của một nhà dịch tễ học cùng sự dũng cảm của một con khỉ mặt đỏ”, cho đến nhà sinh thái học đam mê những món ăn phương Đông kỳ lạ, cho đến chuyên gia bệnh thú y với “thân hình rắn rỏi và nghiêm nghị của một cựu cầu thủ bóng bầu dục đã qua tuổi 40 tuổi”.
Có thể thấy trong cuốn sách những chi tiết lịch sử cũng vô cùng thú vị như: các nhà khoa học thế kỷ XIX sử dụng kính hiển vi quang học để tìm kiếm các sinh vật nhỏ bé trong tế bào máu của bệnh nhân sốt rét, trong khi virus vẫn tiếp tục nấp sau tấm màn bí ẩn cho đến khi kính hiển vi điện tử được phát minh vào những năm 1930.
Độc giả cũng thấy cả những dấu mốc lịch sử quan trọng như: Tổng thống Hoover cấm nhập khẩu vẹt vào nước Mỹ; sự bùng phát của viêm khớp và phát ban, trước khi được liên hệ với bọ ve hươu, tại thị trấn Lyme tại bang Connecticut; và loạt ca bệnh tưởng chừng vô hại, nhưng thực tế lại chết người, trên hàng loạt bệnh nhân nam tại Mỹ vào những năm 1980.
Tác giả David Quammen. (Nguồn: Town Hall Seattle). |
David Quammen đã mang chúng ta đi khắp thế giới, từ những phòng thí nghiệm cho đến nơi thực địa cùng các điều tra viên – bẫy dơi tại Trung Quốc, khỉ tại Bangladesh, thâm nhập sâu vào cánh rừng ở Cameroon. Đến phần cuối cuốn sách, chúng ta sẽ bỏ lại thực tại một chút để bước lên chuyến du hành viễn tưởng đi tìm nguồn gốc của HIV dọc theo sông Congo.
Tác giả cũng khẳng định sự xuất hiện của những căn bệnh lây truyền từ động vật, những mầm bệnh tìm đến chúng ta từ những loài sinh vật khác, không phải điều gì mới mẻ, nhưng đang có xu hướng tăng lên.
Ông đi tìm lý do ẩn sau hiện tượng đó trong chương cuối cùng của cuốn sách: dân số khổng lồ của loài người, cùng với lượng gia súc vô cùng lớn, sự hủy diệt của môi trường sống tự nhiên, những hệ sinh thái bị phá vỡ – những thứ hoàn toàn có thể biến thành cuộc tranh cãi về sự trả thù của tự nhiên lên loài người.