Hôn mê sâu, đồng tử giãn, nhiễm toan chuyển hóa nặng,.. sau chầu nhậu
Theo thông tin từ Khoa chống độc (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An), khoa vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc methanol.
Cụ thể, ngày 28/11, bệnh nhân Đ.T.T. 41 tuổi, (TP Vinh) vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An trong tình trạng hôn mê, ngừng tuần hoàn ngoại viện. Tại đây, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu và có lại mạch rồi chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cấp cứu thở máy, lọc máu nhưng bệnh nhân tử vong trong ngày.
Các bác sĩ Khoa chống độc (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống |
Cùng ngày, bệnh nhân L.X.Đ. 48 tuổi, (TP Vinh, cùng uống rượu với bệnh nhân Đ.T.T.) nhập viện với triệu chứng đau đầu, nhìn mờ, mệt mỏi. Qua xét nghiệm methanol trong máu kết quả 63,85 mg/100ml. Các bác sĩ Khoa chống độc đã tiến hành lọc máu IHD 1 lần. Đến ngày 1/12, bệnh nhân tỉnh, nhìn mờ, xin ra viện.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn, Khoa chống độc cho biết, ngộ độc methanol rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao đặc biệt là các trường hợp đến muộn. Trong trường hợp nhập viện quá trễ, bệnh nhân có thể tử vong vì suy đa cơ quan và toan chuyển hóa nặng.
Bác sĩ Toàn nhấn mạnh, loại rượu nào cũng có hại đối với sức khỏe, ngay cả những loại rượu đạt chất lượng sản xuất theo quy định. Trong trường hợp ngộ độc methanol nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong ở mức rất cao, một số trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác.
Cách thức methanol xâm nhập vào cơ thể
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Methanol được hấp thu và gây ngộ độc dễ dàng qua đường tiêu hóa và qua da hoặc qua đường hô hấp.
Do methanol được cơ thể chuyển hóa và thải trừ chậm, gây ngộ độc cũng chậm nên khi tiếp xúc mức độ ít nhưng kéo dài hoặc lặp lại sẽ tích lũy dần và gây ngộ độc nhiều ngày sau (hay gặp với người nghiện rượu, thường xuyên uống rượu không rõ nguồn gốc, người lao động trong môi trường tiếp xúc không an toàn với methanol).
Ảnh minh họa. |
Hoặc người có thể tiếp xúc với methanol liều cao một lần nhưng không biết và tới 1-2 ngày sau mới biểu hiện nhiễm độc (hay gặp với trường hợp sử dụng sản phẩm giả có chứa methanol). Sau đây là các hoàn cảnh có thể xảy ra ngộ độc/nhiễm độc:
Sử dụng, tiếp xúc các sản phẩm rượu giả, cồn sát trùng giả, các sản phẩm ethanol khác bị làm giả trong lao động sản xuất hoặc đời sống hàng ngày hoặc các sản phẩm khác bị làm giả và chứa methanol.
Lạm dụng, sử dụng sai các sản phẩm chứa methanol
Các hoạt động lao động sản xuất, đời sống có sử dụng methanol không an toàn.
Biểu hiện nhiễm độc của methanol
Ngộ độc/nhiễm độc cấp tính: mờ mắt, giảm thị lực, mù, đau đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, tổn thương não, nhiễm toan chuyển hóa, sốc, tổn thương đa tạng, tử vong. Di chứng gồm mù mắt, giảm thị lực, hôn mê, rối loạn vận động,…Ngộ độc/nhiễm độc mạn tính: đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mất ngủ, viêm kết mạc, nhìn mờ, mù. Trên thai nhi: các nghiên cứu trên động vật cho thấy methanol có thể gây dị tật trên xương, tim mạch, tiết niệu và thần kinh trung ương.
Cách phát hiện nhiễm độc/ngộ độc methanol: các biểu hiện ngộ độc thường là muộn nên người dân cần chủ động đi khám khi có nghi ngờ. Người lao động tiếp xúc với methanol cần được khám sức khỏe thường xuyên, trong đó bắt buộc khám đánh giá kỹ về mắt và thần kinh trung ương.