'Ngón nghề' nuôi nhử cá đồng mùa nước nổi

Người nông dân “vùng rốn lũ” Đồng Tháp tận dùng lợi thế mùa nước nổi để thực hiện mô hình sinh kế dẫn dụ và nuôi trữ cá đồng.

'Ngon nghe' nuoi nhu ca dong mua nuoc noi
 Cá linh non bày bán tại chợ Cả Sách, ấp Bình Hòa Thượng, xã Thường Thới Hậu A, tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Ở miền Tây, hằng năm, mùa nước nổi kéo dài khoảng 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 11. Vào thời gian này, ruộng đồng được bồi lắng phù sa, kèm theo đó là con nước đổ còn mang lại nguồn lợi thủy sản đáng kể. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, nguồn lợi thủy sản mùa nước nổi ngày càng vơi dần. Để cải thiện nguồn thu nhập, một số nông dân “vùng rốn lũ” Đồng Tháp đã tận dùng lợi thế mùa nước nổi để thực hiện mô hình sinh kế dẫn dụ và nuôi trữ cá đồng.
Khan hiếm dần nguồn cá tự nhiên
Nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười, chợ đầu mối Trường Xuân thuộc xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp nổi tiếng là vựa cá đồng nổi tiếng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây, mỗi khi con nước tràn đồng, chợ Trường Xuân mỗi ngày thu gom hàng tấn cá tôm phân phối đi khắp các chợ lẻ. Thế nhưng năm nay, vựa cá nơi đây trở nên đìu hiu vì lượng nguồn đặc sản cá đồng đã giảm đi rất nhiều.
Ngồi bên thau cua vừa mua được từ những người dân đi đặt lọp ở Tam Nông về, chị Nguyễn Thị Kim Nga - tiểu thương mặt hàng cua hơn 10 năm tại chợ Trường Xuân cho biết, mùa lũ năm nay, trung bình mỗi ngày chỉ mua được khoảng 5 - 7 kg cua để giao lại cho các thương lái, giảm gần 50% so với năm 2018. Mặc dù số lượng ít nhưng giá cua vẫn giữ mức ổn định khoảng 25.000 đồng/kg. Giá càng cua loại 1 dao động từ 150 - 200 ngàn đồng/kg.
Không chỉ sản lượng cua đồng giảm, các loại cá đồng như cá lóc, cá rô, cá linh, lươn, ếch…, cũng trở nên khan hiếm. Anh Nguyễn Hữu Tài - thương lái cá ở chợ Vĩnh Long cho hay, anh là “bạn hàng cá” với các vựa cá ở đây đã rất nhiều năm, nhưng chưa có năm nào cá ít như năm nay. Nếu như các năm trước, chỉ trong 2 giờ cao điểm, mỗi ngày cũng gom vài trăm ký cá là chuyện bình thường. Song năm nay, phải chờ đợi từ sáng cho đến chiều tối mới gom đủ số lượng. Thậm chí, phải dặn các vựa “chừa hàng” sau hai ngày đến lấy để giảm chi phí vận chuyển.
Là một trong tiểu thương có thâm niên hơn 13 năm thu mua cá đồng tại chợ Trường Xuân, chị Đặng Kim Vàng - chủ vựa cá Kim Vàng cho biết, chợ hoạt động quanh năm, nhưng thời điểm đông đúc nhất là khi mùa nước nổi, tấp nập người mua kẻ bán từ 3 - 7 giờ sáng rồi thưa dần, sau đó đến khoảng 14 giờ lại họp chợ đến 18 giờ.
Theo chị Vàng, thời vàng son của khu chợ này là khoảng 10 năm trở về trước, với khoảng 15 - 20 vựa cá vào mùa cao điểm, thu mua từ 7 - 10 tấn cá, tôm vận chuyển đến TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền tây lân cận. Nhưng hiện tại, chợ chỉ còn khoảng 10 vựa thu mua. Nguyên nhân là do sản lượng cá đồng giảm, đơn cử như năm nay, lượng cá giảm từ 30 - 40% so với năm trước. Riêng tại vựa Kim Vàng, thời điểm lũ chính vụ, trung bình mỗi ngày cũng chỉ thu mua được chừng vài ký đến khoảng 100 kg cá các loại để phân phối cho lái tại các chợ.
Do lượng cá tự nhiên ít nên dạo quanh cả khu chợ cá đồng Trường Xuân lúc 17 giờ (giờ cao điểm họp chợ), chỉ có vài chiếc xuồng đục khoang mang cá đến cân. Theo đó, giá cá cũng tăng khoảng 20 - 30% so với các năm trước. Cụ thể, hiện giá cá lóc đồng loại 1 từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, loại 2 từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, cá rô 60.000 - 80.000 đồng/kg, cá linh 40.000 - 45.000 đồng, lươn 160 - 200.000 đồng/kg.
Nuôi trữ cá trên đồng
'Ngon nghe' nuoi nhu ca dong mua nuoc noi-Hinh-2
 Gia đình chị Hồng Thị Hường, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, thu hoạch được hơn 90 kg cá mồi và hơn 6 kg cá linh non.
Trước việc nguồn lợi thủy sản mùa lũ đang kiệt quệ dần, tận dụng nguồn nước ngập đồng, một số nông dân ở Đồng Tháp đã triển khai các mô hình sinh kế nuôi trữ cá đồng để khai thác sau khi lũ rút, từ đó tạo nguồn thu nhập, nâng cao sinh kế cho người dân vùng lũ.
Sinh sống tại ấp Bình Chánh, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, bà Lê Thị Huệ cho biết, sống ở vùng ngập nước, nhưng thay vì dùng các dụng cụ để đánh bắt nguồn lợi thủy sản ngay từ đầu mùa lũ, bà đã dùng lưới để rào xung quanh mặt ruộng khoảng 3 ha và bố trí hom để cá bơi vào nhưng không ra được, đồng thời sử dụng cám, thức ăn thủy sản để dẫn dụ cá vào lưới. Xem nguồn cá tự nhiên như là cá giống nhưng không tốn tiền, chỉ cần cho ăn hằng ngày đến khi nước rút đến mặt đê thì thu hoạch.
Bà Huệ chia sẻ, bà thực hiện cách làm này đã hơn 10 năm qua, chỉ riêng trong mùa lũ năm 2018, bà đã giữ được trên 3 tấn cá đồng các loại như cá mè dinh, cá chày, cá chốt, cá lăng, cá leo… Sau khi thu hoạch, trừ đi các khoảng chi phí, bà còn lãi gần 30 triệu đồng. Năm nay, lũ về muộn, thấp hơn trung bình nhiều năm và lại rút nhanh sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cá, song vẫn mang lại nguồn thu cho nông dân sau những tháng nông nhàn.
Cũng tại thị xã Hồng Ngự, 2 hộ nông dân khác là anh Nguyễn Văn Tín và Võ Văn Chiến cũng đã được địa phương hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi trữ cá, tôm với tổng diện tích gần 15 ha, từ Chương trình của “Tiểu dự án đầu tư xây dựng Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười (gọi tắt là WB9). Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ về mặt kỹ thuật và 50% chi phí sản xuất.
Theo ông Nguyễn Huấn - Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Hồng Ngự nhận định, trong điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay, nhất là tình hình nước lũ diễn biến phức tạp, mô hình nuôi nhử cá đồng mùa lũ là khá phù hợp và hiệu quả. Bởi mô hình dễ thực hiện, không tốn nhiều chi phí, đặc biệt tính rủi ro không cao.
Ông Huấn cho biết, nước đang rút dần, tuy người dân chưa thu hoạch cá nên chưa đánh giá cụ thể của việc nuôi nhử cá tự nhiên và thả bổ sung một ít giống để tận dụng nguồn nước trong mùa lũ năm 2019. Tuy nhiên, bước đầu mô hình cho thấy tính khả thi cao.
Còn tại huyện Thanh Bình, một lão nông gắn bó với cây lúa gần nửa đời người, ông Nguyễn Văn Châu ngụ ấp Phú Lợi chia sẻ, khi lúa Hè Thu thu hoạch xong vào khoảng tháng 6, ông đã mua khoảng 100.000 con cá lóc giống để thả ra cánh đồng hơn 10 ha. Sau khi nước rút, sẽ thu hoạch cá thương phẩm.
Ông Châu nói: "Nếu làm lúa 3 vụ thì nguy cơ rủi ro cao, còn xả lũ thì đất được nghỉ ngơi. Trong thời gian đồng còn ngập nước, tranh thủ thả cá để có khoản thu nhập. Mặt khác, những gì để lại trên đồng sẽ giúp đất đai màu mỡ, cây lúa vụ tới phát triển tốt hơn và giảm chi phí sản xuất."
Theo thống kê ban quản lý dự án WB9 đang triển khai hơn 10 mô hình sinh kế tại 4 huyện, thị phía Bắc gồm huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông và thị xã Hồng Ngự. Đây là mô hình gắn việc canh tác lúa và nuôi trồng cây - con trong mùa nước nổi, từ đó giúp nông dân lựa chọn được các loại hình sinh kế trong mùa lũ một cách thích hợp nhất, bảo đảm ổn định và an sinh xã hội trong mùa lũ.
Mặt khác, còn giúp nông dân giảm được diện tích lúa 3 vụ, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường và chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Dân vùng lũ "hốt bạc" nhờ đánh bắt đặc sản “của trời cho”

Những ngày này, vùng Đồng Tháp Mười, nước tràn đồng. Cá, tôm ồ ạt đổ về, người dân vùng lũ nơi đây chuẩn bị đồ nghề đánh bắt để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

“Của trời cho”

Mùa nước nổi, nghề "hạ bạc" thả lưới dính đầy cá linh

Năm nay, miền Tây lũ lớn nên nhiều sản vật mùa nước nổi như: cá, tôm, cua, ốc, rắn… về theo con nước. Miền Tây mùa nước nổi là cơ hội để ngư dân tranh thủ kiếm thêm thu nhập từ việc đánh bắt cá tôm tới hái rau đồng.

Anh Cang (xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) khoe: “Gần chục năm nay mới có lũ lớn. Nhà tôi nằm trong khu dân cư nên không bị ảnh hưởng. Tận dụng cánh đồng xả lũ, hàng ngày tôi thả lưới cá chạch, cá linh để có thêm thu nhập. Tôm, cá mùa lũ năm nay rất nhiều nên cuộc sống gia đình đỡ vất vả”.

Đọc nhiều nhất

Tin mới

Lợi ích sức khoẻ tuyệt vời từ quả sung

Lợi ích sức khoẻ tuyệt vời từ quả sung

Trong Đông y, quả sung có tính bình, vị ngọt giúp kiện tỳ thanh tràng (kích thích tiêu hóa, làm sạch ruột), giải độc, tiêu thũng, thường được dùng để chữa các bệnh về tiêu hóa, kiết lỵ, viêm ruột, táo bón, trĩ.