Nam sinh 17 tuổi hôn mê sau đau đầu: Báo động tình trạng đột quỵ ở người trẻ
(Kiến Thức) - Thời gian vừa qua, nhiều thanh thiếu niên rơi vào hôn mê, thậm chí tử vong sau một cơn đột quỵ. Do đó, có lối sống lành mạnh và nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ là rất quan trọng.
Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội) mới đây tiếp nhận bệnh nhân nam N.M.Đ. (17 tuổi, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) trong tình trạng hôn mê sâu, đại tiểu tiện không tự chủ. Theo người nhà bệnh nhân, trước đó chiều 16/8, sau khi đi học Đ. về có kêu đau đầu. Thấy vậy gia đình cho uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ.
Người thân của Đ. có mời bác sĩ gần nhà đến tiêm cho Đ. 1 mũi thuốc. Khoảng 30 phút sau, bệnh nhân hôn mê sâu hơn, đại tiểu tiện không tự chủ và được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. Tại đây, sau khi đánh giá tìn trạng, bệnh nhân được đặt nội khí quản, đảm bảo tuần hoàn, hạ huyết áp. Hình ảnh trên phim chụp CT xuất huyết não, não thất diện rộng. Tiên lượng bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong cao, bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục xử trí.
Trước đó, một nam sinh 15 tuổi ở Phú Thọ sau khi đá bóng về bỗng thấy đau đầu, chóng mặt, nôn liên tục. Người mẹ bé trai tưởng con bị trúng gió nên cạo gió, khi tình trạng đau không giảm nên đưa đến bệnh viện. Khi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ bệnh nhân đã suy giảm ý thức, đau đầu, buồn nôn nhiều. Bệnh nhân được chẩn đoán bị đột quỵ, vỡ dị dạng mạch máu não.
Theo bác sĩ Vũ Ngọc Linh, Khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, những trường hợp đột quỵ ở người trẻ đang ngày càng tăng, nhiều người dưới 30 tuổi.
Đột quỵ ở đối tượng từ 25 - 44 tuổi, được gọi là “đột quỵ ở người trẻ”, chiếm khoảng 10 - 12% tổng số bệnh nhân đột quỵ. Ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ là 13/100.000, theo nghiên cứu được đăng trên chuyên san European Journal of Neurology.
Yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol có liên quan đến đột quỵ và các tình trạng liên quan, chẳng hạn như bệnh tim.
Ngoài ra, nạp quá nhiều muối ăn làm tăng huyết áp.
Lười tập thể dục dẫn đến các tình trạng sức khỏe khác có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Những tình trạng này bao gồm béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao và tiểu đường.
|
Lười tập thể dục dẫn đến các tình trạng sức khỏe khác có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. |
Béo phì là mỡ thừa ở cơ thể. Béo phì có liên quan đến nồng độ cholesterol “xấu” và mỡ máu triglyceride cao hơn, trong khi làm giảm mức cholesterol tốt.
Uống quá nhiều rượu bia dễ làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ. Chất cồn nhiều cũng làm tăng mức mỡ máu, một dạng chất béo trong máu gây xơ cứng động mạch.
Hút thuốc lá gây tổn hại cho tim và mạch máu, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Chất nicotine trong thuốc lá làm tăng huyết áp và carbon monoxide từ khói thuốc làm giảm lượng khí ô xy mà máu có thể mang theo.
Ngay cả khi bạn không “phì phèo”, thì việc hít phải khói thuốc của người khác cũng có thể khiến bạn dễ bị đột quỵ hơn.
Phòng ngừa đột quỵ
Để phòng tránh nguy cơ đột quỵ, mọi người cần có lối sống lành mạnh, ngủ sớm, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường vận động và tập thể dục thể thao, giảm ăn mặn, giảm mỡ béo, tăng cường rau xanh và trái cây.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần khám sức khỏe định kỳ, phát hiện các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, xơ vữa động mạch… để chữa trị kịp thời. Những xét nghiệm sàng lọc về cholesterol, huyết áp và đường huyết giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ và phòng chống đột quỵ hiệu quả hơn. Người từng bị đột quỵ còn cần phải uống các thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh căn nguyên.