BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, từ 15/1 đến nay, BV tiếp nhận đến 9 ca nhiễm liên cầu khuẩn. Tất cả đều trong tình trạng nặng do bị viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết (5 trường hợp), trong số này có trường hợp không qua khỏi, gia đình xin đưa về.
Tại khoa Cấp cứu hiện đang điều trị cho bệnh nhân Vũ Văn B. (60 tuổi, Nghĩa Hưng, Nam Định). Ông B. được chuyển từ BV Bạch Mai qua vào trưa 2/3 trong tình trạng nhiễm trùng máu, suy thận do nhiễm liên cầu lợn.
Tay bệnh nhân 60 tuổi với nhiều vết hoại tử, nứt sâu, chảy máu. Ảnh: T.Hạnh. |
Người nhà bệnh nhân cho biết, 10 ngày trước, ông B sang nhà hàng xóm mổ lợn để làm đám cưới. 6 ngày sau, bệnh nhân sốt cao 39-40 độ, da nổi ban hoại tử, không đại tiện, tiểu tiện được.
Bác sĩ đang nỗ lực lọc máu và điều trị kháng sinh đặc hiệu, song hiện tại tình trạng suy thận vẫn chưa được cải thiện. Bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, trong khi chi phí điều trị rất tốn kém và phải điều trị ít nhất 3 tuần.
Bệnh nhân vẫn tỉnh nhưng không nói được, khắp tay, chân xuất hiện các vết hoại tử, nhiều vùng trên da bị nứt, chảy máu.
Gia đình quả quyết bệnh nhân không ăn tiết canh, không ăn nem chạo sống hay nem chua, nhưng chân tay có nhiều vết gãi xây xát do bị dị ứng xi măng khi đi làm công nhân xây dựng. Theo các bác sĩ, đây chính là nguyên nhân khiến vi khuẩn liên cầu xâm nhập.
Những bệnh nhân còn lại, qua khai thác bệnh sử, có tới 50% ăn tiết canh, thịt lợn sống, số còn lại người nhà không khai báo. Trong đó có bệnh nhân uống rượu lâu năm, phủ tạng yếu lại thêm tác nhân liên cầu lợn nên tình trạng suy đa phủ tạng hết sức nặng nề.
Theo BS Cấp, với những ca nhiễm liên cầu lợn thể viêm màng não mủ, phải nằm điều trị ít nhất 3 tuần, nếu bị nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2-3 tháng, chi phí lọc máu hàng trăm triệu đồng. Nếu chữa khỏi, 40% sẽ để lại di chứng nặng nề.
Theo thống kê, khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn là do ăn tiết canh. 30% còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh...
Luôn có một tỉ lệ lợn mang vi khuẩn liên cầu, lợn khoẻ cũng có thể nhiễm vi khuẩn liên cầu nên nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện được.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu hôm qua tiếp nhận một bệnh nhân trong trạng thái hôn mê sâu, trên mặt xuất hiện những mảng tím và suy hô hấp.