Hai năm trước, bác Trương (58 tuổi ở Trung Quốc) đi khám vì đau bụng nhiều ngày. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm teo dạ dày, loét dạ dày và nhiễm khuẩn Helicobacter pylori, đề nghị điều trị để tiêu diệt vi khuẩn, tránh bệnh tiến triển ngày càng trầm trọng.
Vậy nhưng, bác Trương không điều trị theo phác đồ bác sĩ đưa. Nghĩ viêm dạ dày là bệnh phổ biến, bác về nhà tự trị bằng cách ăn tỏi mỗi ngày để tiêu diệt mầm bệnh, ngừa ung thư.
Bác Trương không theo phác đồ của bác sĩ mà ăn tỏi để tự điều trị ở nhà. |
Chưa đầy nửa năm, bác Trương đột nhiên đau dạ dày dữ dội, đi khám thì được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn đầu. Nghe tin, bệnh nhân và người nhà đều bàng hoàng, chỉ vì chủ quan không nghe lời bác sĩ, bác Trương đã “sai một li, đi một dặm”.
Thực tế, sử dụng chiết xuất từ tỏi để chữa bệnh không phải không có cơ sở. Bệnh viện Ung bướu Đại học Bắc Kinh từng công bố nghiên cứu liên quan đến tỏi và bệnh dạ dày.
Để đưa ra kết luận này, chuyên gia chọn 3.365 người tham gia, theo dõi trong 22 năm. Họ được chia làm 3 nhóm gồm nhóm sử dụng vitamin, sử dụng chiết xuất tỏi và dùng thuốc diệt H.pylori. Kết quả cho thấy, nguy cơ tử vong do ung thư dạ dày ở nhóm bổ sung vitamin giảm 52%, dùng thuốc là 38% và bổ sung chiết xuất tỏi giảm 34%.
Ăn quá nhiều tỏi gây kích ứng dạ dày, không nên tự ý ăn để trị bệnh. |
Nghiên cứu trên cho thấy bổ sung vitamin, chiết xuất tỏi và thuốc tiêu diệt Helicobacter pylori có thể giúp giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ăn tỏi có thể ngăn ngừa ung thư dạ dày.
Được biết, chiết xuất tỏi có chứa allicin có thể ngừa ung thư. Trường hợp bình thường, tỏi còn nguyên vẹn, không bị dập nát chứa chất alliin và alliinase, sau khi tỏi được băm nhỏ hoặc nhai, hai chất này sẽ “tương tác” với nhau sinh ra allicin và các chất chứa lưu huỳnh khác.
Tuy nhiên, allicin giảm rất nhiều khi được nấu chín. Ăn tỏi qua chế biến khó có thể bảo toàn khả năng chống ung thư. Một vấn đề khác, tác dụng chống ung thư của allicin thu được trong phòng thí nghiệm, trên đối tượng là động vật và tế bào. Hiện chưa có câu trả lời về hiệu quả của chúng trên người.
Hơn nữa, ăn tỏi sống hay nấu chín thì hoạt chất chống ung thư trong tỏi cũng rất hạn chế, không thể so sánh với chiết xuất tỏi sử dụng trong nghiên cứu. Ăn lượng lớn tỏi để tích đủ chất ngừa ung thư rất khó, đồng thời khiến đường tiêu hóa bị kích thích quá mức, gây viêm loét hoặc vấn đề sức khỏe khác.
Đáng lưu ý, Phó Giám đốc Khoa Phòng ngừa Ung thư, Bệnh viện Ung bướu trực thuộc Học viện Y khoa Trung Quốc, nhấn mạnh nhiều bệnh nhân ung thư phát hiện khi bệnh chuyển sang giai đoạn cuối. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả điều trị bệnh.
Để ngăn ngừa, chuyên gia khuyên việc đơn giản nhất là kiểm soát cảm xúc, giữ thái độ sống vui tươi, lạc quan. Cảm xúc ảnh hưởng đến chức năng nội tiết, hệ miễn dịch bằng cách tác động đến vùng dưới đồi và tuyến yên. Từ đó làm thay đổi quá trình phát triển của khối u. Tâm trạng không tốt, tế bào ung thư có cơ hội phát triển mạnh hơn.
Học giả Hao Xishan đến từ Học Viện Kỹ thuật Trung Quốc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng Ung thư Quốc gia, lại nhấn mạnh tầm quan trọng của chế độ ăn uống. Theo đó, chế độ ăn khoa học cung cấp nhiều dưỡng chất lành mạnh, tăng cường sức khỏe tổng thể, mang lại tác dụng ngăn ngừa ung thư.
Trong khi đó, học giả Tang Zhaoyou đến từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc đánh giá cao vai trò tập thể dục. Tập thể dục có tác dụng lớn đến việc nâng cao thể chất. Ngay cả bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư, thể dục đúng cách cũng mang lại hiệu quả ấn tượng. Điều đáng bàn, không phải càng vận động nhiều càng tốt. Yếu tố quan trọng nhất là luyện tập khoa học, phù hợp với thể trạng.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Phẫu thuật lấy búi tóc nặng gần 1kg trong dạ dày bệnh nhi 11 tuổi
Nguồn video: THDT