Theo kênh CNN, mới sáng sớm ở Richmond, bên bờ sông Thames, nhân viên diệt chuột bọ tên là Michael Coates đang kiểm tra các thùng rác để tìm chuột. “Chắc chắn sẽ có gì trong đó”, anh vừa nói vừa đá thùng rác đầy trào cả ra ngoài.
Kể từ khi Anh phong tỏa để phòng chống COVID-19, chuột đã sục sạo khắp London để tìm thức ăn.
Chuột dài tới 40cm không phải là hiếm ở Londonl. Ảnh: CNN |
Khi bị phong tỏa, các gia đình ở nhà nhiều hơn, ăn uống cũng chủ yếu ở nhà. Từ đó, chuột đang bị thu hút tới các khu dân cư thay vì nhà hàng và văn phòng. Hơn nữa, ở các khu dân cư, chuột còn có một nguồn thức ăn liên tục: đó là các máng cho chim ăn tại các hộ gia đình.
Coates kể: “Chúng tôi gặp trường hợp một cụ bà thường cho chim cổ đỏ ăn. Khi bà gọi chúng tôi tới thì chúng tôi phát hiện ra 10 đến 15 con chuột đào bới các luống hoa để ẩn mình quanh đó”.
Paul Claydon, một người diệt chuột ở Epping Forest, phía đông London, còn chứng kiến trường hợp tệ hơn. Người này vừa diệt một đàn chuột tìm cách đào lối vào chuồng thỏ để ăn thịt chúng. Claydon cho rằng người London sẽ choáng váng khi mở cửa trở lại, đặc biệt là nếu các doanh nghiệp và tòa nhà không chịu khó kiểm soát chuột bọ trước đó.
Chuột tìm về khu dân cư để tìm thức ăn do nhà hàng, văn phòng ở London đóng cửa. Ảnh: CNN |
Cả Coates và Claydon đã bỏ công việc làm suốt nhiều năm qua để chuyển sang ngành diệt chuột – ngành đang bùng nổ nhu cầu ở Anh. Coates là cựu binh chiến tranh Iraq, còn Claydon làm công việc công nghệ thông tin suốt 25 năm và đã bỏ việc cách đây 2 năm qua. Anh nói: “Tôi muốn làm việc gì đó miễn nhiễm với suy thoái và lúc nào cũng có việc làm bất tận”.
Claydon cho biết anh thường nhận được 10 cuộc gọi diệt chuột mỗi tuần, nhưng trong giai đoạn phong tỏa, mỗi tuần anh dễ dàng nhận hơn 20 cuộc gọi.
Theo Hiệp hội Kiểm soát Động vật phá hoại (BPCA), các thành viên cho biết hoạt động diệt chuột đã tăng 51% trong giai đoạn phong tỏa đầu tiên hồi mùa xuân năm 2020, tăng 78% vào tháng 11/2020 sau một đợt phong tỏa nữa. Họ chưa tính toán con số năm 2021 nhưng cho biết khối lượng công việc chắc chắn tăng. Họ cho biết đây là một vấn đề y tế công cộng và nhiều hộ gia đình buộc phải tìm cách xử lý.
Bà Natlie Bungay thuộc BPCA nói: “Giờ chúng ta có thể nhìn thấy chuột ở những nơi không thường thấy vì chúng quá đói. Chuột có thể gặm xuyên các vật rất cứng như kim loại mềm hay gạch”.
Trong khi đó, London lại không có kế hoạch tổng thể trong diệt chuột. Văn phòng Thị trưởng London cho biết họ không có dữ liệu về vấn đề này vì đó là công việc của từng khu vực. Khi hỏi các khu vực thì họ cũng không có dữ liệu gì.
Các chuyên gia cảnh báo London cần giải quyết vấn đề chuột trước khi bị mang tiếng xấu như Paris trước đây.
Hiện không ai rõ có bao nhiêu con chuột ở London. Một số khảo sát riêng của các công ty diệt chuột cho thấy số lượng có thể lên tới 20 triệu con. Theo Văn phòng Thống kế Quốc gia, số chuột có thể nhiều hơn số dân 9 triệu ở London.
Trong khi dân số London suy giảm thì chuột sinh sản rất nhanh. Nghiên cứu của công ty diệt chuột Rentokil cho rằng một đôi chuột có thể đẻ tới 1.250 con mỗi năm. Kích thước chuột cũng ngày càng to. Claydon cho biết anh thường xuyên bắt được con chuột dài tới 40cm trong những ngày này. Nhiều con cần phải dùng bẫy khỏe hơn hoặc nhiều thuốc độc hơn mới diệt được.
Theo bà Bungay, biện pháp kiểm soát tốt nhất là phòng ngừa. Điều đó tức là chặn mọi nguồn thức ăn bên ngoài ngôi nhà, đựng đồ thừa trong thùng rác phù hợp, khóa chặt đồ ăn trong nhà, kiểm tra mọi lỗ thông hơi…
Trong khi London bị phong tỏa thì người dân ngày càng quen với hình ảnh chuột chạy khắp nơi và mức độ liều lĩnh của chúng.