Chim Hồng hoàng
Trong hàng loạt loài chim quý hiếm trên thế giới, chim Hồng hoàng hay còn được mệnh danh là “Phượng hoàng đất” (Bucerotidae) là loại chim quý với cái mỏ to dị thường. Họ chim này thường sống ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Phi. Ở Châu Á, Hồng hoàng (Buceros bicornis) phân bổ ở trong các khu rừng của Ấn Độ, miền Nam Trung Quốc và Đông Nam Á, gồm Việt Nam.
Giống chim Hồng hoàng có trong tự nhiên ở Việt Nam cũng chính là loại lớn nhất trong họ với đặc trưng là mũ mỏ màu vàng tươi và đen trên đỉnh chiếc mỏ lớn.
Loại chim mỏ sừng này có thể nặng lên đến 4kg với chiều dài cơ thể là 90-122cm. Những con chim Hồng hoàng trưởng thành có thể sải cánh với chiều rộng lên đến 1,6m, khiến chúng trở nên vô cùng oai vệ.
Kích thước và trọng lượng cơ thể chưa phải là điều ấn tượng nhất của loài chim này. Theo đó, Hồng hoàng có chiếc mỏ cong vàng, rất dễ nhận ra từ xa.
Công dụng của chiếc mỏ rỗng sặc sỡ của chim Hồng hoàng được cho là được dừng như một công cụ thu hút bạn tình.
Đáng nói, đây là loài chim chung thủy, ghép đôi và sống cả đời một vợ một chồng. Từ xa xưa, chim Hồng hoàng đã được nhiều bộ lạc tôn vinh là loại chim quý vì, tôn làm thế lực tối cao. Hồng Hoàng còn là loại chim được chọn làm linh vật cúng tế các vị thần trong những dịp lễ hội. Chiếc mỏ sừng đẹp của Hồng hoàng cũng được làm đồ trang trí, trang sức. Một số bộ lạc tại Ấn Độ còn sử dụng lông của loài chim này để làm mũ đội đầu cho nam giới.
Cũng chính vì lý do này mà ngày nay tình trạng buôn bán mỏ sừng loài chim này đang diễn ra ngấm ngầm. Thậm chí, mỏ sừng chim Hồng hoàng có giá khoảng 6.150USD/kg (tức đắt gấp 3 lần ngà voi) tương đương gần 150 triệu đồng.
Giới thủ công Trung Quốc dùng phần mỏ sừng chim Hồng Hoàng để tạo ra những tác phẩm có giá trị cao. Phần mỏ sừng này cũng được nghệ nhân Nhật Bản chạm khắc thành nhiều hình tinh xảo. Thậm chí những món đồ tinh xảo từ mỏ sừng chim Hồng Hoàng còn vượt biển và thành thời trang của giới quý tộc Anh vào thế kỷ 19.
Hiện tại, số lượng chim hồng hoàng trong tự nhiên đang bị sụt giảm nghiêm trọng vì nhiều yếu tố từ môi trường cho tới việc săn bắt trái phép.
Loại chim này cũng có tên trong Sách Đỏ IUCN và Sách Đỏ Việt Nam. Chúng thuộc nhóm Ib - các loài động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục I CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam.