Mới đây, ngày 25/9, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa ra cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng với hàng loạt website quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe thổi phồng công dụng. Trong đó có website viensui-rockman.com và rockman.store quảng cáo sản phẩm TPBVSK viên sủi Rockman do Công ty Cổ phần Nori Organic (Số 6 ngách 61, ngõ 1002 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.
Theo cảnh báo từ Cục An toàn thực phẩm, các website và trang mạng xã hội quảng cáo cho sản phẩm nêu trên đang vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, quảng cáo không đúng công dụng bản chất của sản phẩm, cường điệu hóa công dụng của sản phẩm.
Trước đó, ngày 2/9, cơ quan này cũng phát đi cảnh báo website viensui-rockman.com quảng cáo sản phẩm TPBVSK Rockman đang vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, quảng cáo quá mức công dụng của sản phẩm, sử dụng hình ảnh của bác sĩ và cơ sở, đơn vị y tế để quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, sau khi có cảnh báo mới nhất từ Cục An toàn thực phẩm, trang viensui-rockman.com đã không thể truy cập được. Còn trang rockman.store đến thời điểm hiện tại, ngày 27/9/2019, vẫn vô tư quảng cáo “nổ” công dụng sản phẩm này với khả năng “Hỗ trợ toàn diện về sức khỏe hàng ngày và thỏa mãn nhu cầu sinh lý cho nam giới; Tăng sản sinh Testosterone nội sinh: giúp tăng cảm xúc, tăng sinh tính, đóng vai trò như khóa van khi máu dồn về dương vật; Giúp sung sức, tăng cường sức khỏe cho nam giới; Tăng thời gian cương cướng lên 30-40 phút; Tăng khoái cảm, ham muốn mãnh liệt”.
Hình ảnh quảng cáo trên trang web bị cảnh báo rockman.store |
Nhãn hàng thậm chí khẳng định “mang đến cho bạn cảm giác tuyệt vời ngay từ lần đầu tiên sử dụng” và tư vấn lộ trình sử dụng hiệu quả từ 1 ngày đến 30 ngày, giúp “tinh thần hưng phấn hơn, giảm stress, ham muốn “yêu” trỗi dậy”, “kích cỡ cậu nhỏ tăng lên 1-2 cm, thời gian cương cứng kéo dài”, tăng tần suất quan hệ, kéo dài thời gian quan hệ, “cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, đời sống tình dục sung mãn như thời trai trẻ”.
Không chỉ ở trang web bị cảnh báo rockman.store mà sản phẩm Rockman còn ngang nhiên rao bán ở nhiều trang bán hàng online khác, cũng với cách quảng cáo quá đà về công dụng, thậm chí tới mức thần thánh.
Cụ thể, trang website rockman.websitechinhhang.online quảng cáo “RockMan là thực phẩm tăng cường sinh lý nam đầu tiên tại Việt Nam dạng viên sủi. Sản phẩm được nghiên cứu và phát triển bởi công ty Cổ phần Nori Organic và được sản xuất tại Công ty Cổ phần dược phẩm Fresh Life với dây chuyền công nghệ hàng đầu thế giới. Sản phẩm là sự đột phá về công nghệ chiết xuất từ Triptophan (chiết xuất từ trứng kiến gai đen) giúp tăng cường sinh lý nam cực kỳ hiệu quả.”
Trang web này thậm chí còn đưa thông tin “dưới góc độ nghiên cứu” “được thực hiện gần đây trên 20.000 người sử dụng cho thấy: 87% nam giới cảm thấy tinh thần phấn chấn, giảm căng thẳng, stress, kích thích ham muốn sau 2 ngày sử dụng; 68% đàn ông có cậu nhỏ khiêm tốn đã tăng được kích thước lên 1-2cm, thời gian cương cứng tăng lên 30-40 phút sau 7 ngày dùng Rockman; 81% đàn ông tăng được tần suất quan hệ lên 7-8 lần/tuần, thời gian quan hệ cũng lên tới 30-60 phút chỉ sau 14 ngày sử dụng sản phẩm; 90% nam giới sau khi sử dụng Rockman 1 tháng đã phục hồi lại đời sống tình dục bình thường như tuổi đôi mươi.”
Hình ảnh quảng cáo trên trang web rockman.websitechinhhang.online |
Thực tế tất cả những thông tin tưởng như được nghiên cứu, thống kê mang tính khoa học này lại không hề có cơ sở khoa học, không có tên tác giả hay đề tài nghiên cứu, không nhắc đến cơ quan cấp phép hay đơn vị chứng thực kết quả nghiên cứu. Rất có thể đây chỉ là các “số liệu tự phong” nhằm lừa dối lòng tin của người tiêu dùng, khiến người có bệnh tin dùng như thuốc chữa bệnh???
Với cách thức quảng cáo trên các website như vậy có thể thấy nhãn hàng Rockman đã có dấu hiệu vi phạm khoản 3, Điều 3 của Thông tư 08/2013/TT – BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Thông tư này quy định rõ các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm - đó là “Quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh”. Theo Khoản 4, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo cũng nêu rõ: Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Cục An toàn thực phẩm cho biết hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Trong quá trình chờ các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Rockman trên các website nêu trên.